ĐỊA ỐC

Luật sư: Hỗ trợ KH đặt cọc 100% giá trị BĐS chưa đủ điều kiện mua bán, nhiều môi giới dính tội "lừa đảo" nhưng không hề biết

Admin

Đây là một dẫn chứng diễn ra phổ biến về thực trạng nghề môi giới bất động sản hiện nay, được Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chuyên gia giải quyết tranh chấp, Thành viên Công ty Luật TNHH quốc tế TNTP & Các cộng sự đưa ra tại Hội nghị “Công bố Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử Nghề nghiệp Môi giới Bất động sản Việt Nam - VPEC 2024” do VARS tổ chức chiều ngày 22/11.

Chiều ngày 22/11/2024, tại Hà Nội, Hội nghị “Công bố Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử Nghề nghiệp Môi giới Bất động sản Việt Nam - VPEC 2024” đã được tổ chức với sự tham dự của đại diện Bộ Xây dựng, các chuyên gia uy tín trong ngành, cùng hơn 200 đại biểu từ các doanh nghiệp, các sàn giao dịch bất động sản và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản trên toàn quốc.

Phát biểu khai mạc, đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử Nghề nghiệp trong bối cảnh thị trường bất động sản ngày càng phát triển và cạnh tranh khốc liệt. Ông Thanh khẳng định, sự kiện ngày hôm nay không chỉ là dấu mốc quan trọng trong việc chuẩn hóa nghề Môi giới mà còn góp phần nâng cao uy tín, trách nhiệm xã hội của các tổ chức, cá nhân trong ngành.

Trong khuôn khổ Hội nghị, từ góc độ là một vị luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp và thu hồi nợ, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Thành viên Công ty Luật TNHH quốc tế TNTP & Các cộng sự đã nêu ra 3 vấn đề đáng chú ý, rất dễ mắc phải của nghề môi giới bất động sản hiện nay.

Đầu tiên, một trong những vấn đề lớn nhất đó là đại đa số những cá nhân làm công việc "giống như môi giới" nhưng bản chất lại không phải là môi giới. Bởi môi giới là một ngành nghề có điều kiện, phải được đào tạo, được cấp chứng chỉ hành nghề...

"Thực tế, bản thân tôi khi làm việc, 10 người làm môi giới thì có đến 9 người không hiểu rõ về pháp luật, đặc biệt là không hiểu về các quy định liên quan đến ngành nghề này. Như vậy, có đến khoảng 90% hành nghề môi giới là bất hợp pháp", Luật sư Hà nói.

Thứ hai, môi giới thường hay có hành vi “trốn thuế”. Có những giao dịch, phí môi giới có thể lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng lại không chịu đóng thuế cho Nhà nước. Đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, tội rất nặng.

Thứ ba, ranh giới giữa không trung thực và lừa đảo khách hàng là rất mong manh. Nhiều khi môi giới lừa đảo khách hàng nhưng chính bản thân họ lại không hề biết.

"Tôi lấy một ví dụ rất phổ biến hiện nay, đó là hiện tượng môi giới hỗ trợ khách hàng mua bán các sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai nhưng chưa đủ điều kiện giao dịch. Tức là khi dự án chưa được Sở Xây dựng công nhận đủ điều kiện mua bán, nhưng các môi giới vẫn đi hỗ trợ, làm thủ tục đặt cọc cho khách hàng, thậm chí đặt cọc lên tới 100% giá trị tài sản. Nhưng, nếu thanh toán 100% thì có nghĩa là đến bước ký hợp đồng mua bán chứ không còn là đặt cọc", Luật sư Hà diễn giải.

Thông qua đó, vị luật sư nhấn mạnh tầm quan trọng của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Môi giới Bất động sản. Việc tuân thủ toàn bộ quy tắc sẽ hạn chế rủi ro pháp lý cho chính bản thân môi giới.  Mỗi điều khoản quy tắc là một điều cần làm với khách hàng.

Do vậy, tất cả quy tắc đều quan trọng, môi giới không được phép phân biệt, bỏ qua bất kỳ quy tắc nào. Có như vậy, nghề môi giới mới có thể phát triển minh bạch, bền vững hơn.