Muốn chia lợi nhuận bằng tiền mặt ngân hàng phải vượt qua '4 lớp vốn'

Admin
Từ ngày 15/9/2025, các ngân chỉ được chia lợi nhuận bằng tiền mặt khi duy trì đủ các tỷ lệ và bộ đệm an toàn theo Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước mới ban hành.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư 14/2025/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/9/2025, đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng trong việc quản lý rủi ro hệ thống và nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, Thông tư quy định tỷ lệ vốn bắt buộc mà ngân hàng phải duy trì theo công thức.

Tỷ lệ vốn lõi cấp 1 = Vốn lõi cấp 1 / [RWA + 12,5 × (KOR + KMR)]

Tỷ lệ vốn cấp 1 = Vốn cấp 1 / [RWA + 12,5 × (KOR + KMR)]

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) = Vốn tự có / [RWA + 12,5 × (KOR + KMR)]

Trong đó, RWA là tài sản có rủi ro tín dụng, KOR là vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động, KMR là vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường.

Muốn chia lợi nhuận bằng tiền mặt ngân hàng phải vượt qua '4 lớp vốn'- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo đó, ngân hàng thương mại không có công ty con, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ: tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu là 4,5%; tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu là 6% và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%.

Đối với các ngân hàng thương mại có công ty con, phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ và tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất: tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu là 4,5%; tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu là 6%; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%.

Ngoài 3 tỷ lệ bắt buộc, các ngân hàng phải thực hiện thêm tỷ lệ bộ đệm bảo toàn vốn (Capital Conservation Buffer - CCB). Đây là phần vốn lõi cấp 1 vượt trên mức tối thiểu để đảm bảo khả năng ứng phó với biến động kinh tế.

Theo đó, ngân hàng chỉ được phân chia phần lợi nhuận còn lại do ngân hàng tự quyết định theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính bằng tiền mặt khi duy trì việc đáp ứng toàn bộ các tỷ lệ theo các năm.

Muốn chia lợi nhuận bằng tiền mặt ngân hàng phải vượt qua '4 lớp vốn'- Ảnh 2.

Tỷ lệ bộ đệm bảo toàn vốn

Theo NHNN, Thông tư mới đánh dấu bước tiến mới trong việc tiệm cận chuẩn mực Basel III về quản trị vốn, đồng thời giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam gia tăng khả năng chống chịu với các cú sốc kinh tế vĩ mô.

Khánh Hân (t/h)