Ngày 4/11, theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh, đã nhận được đơn giải trình của bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương Tam Kỳ, thuộc Công ty CP Y khoa Thái Bình Dương.
Đồng thời, ông Dũng cũng có yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra nội dung giải trình để xử lý, báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Liên quan vấn đề này, bà Đặng Thị Kiều Hoa, Giám đốc điều hành bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương Tam Kỳ đã có đơn giải trình gửi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và Công an tỉnh Quảng Nam.
Theo bà Hoa, trước đó vào tháng 9, Bộ phận kỹ thuật bệnh viện phát hiện bể amoxic trong hệ thống xử lý nước thải bị hư giá thể nuôi vi sinh, và đã báo cáo về Ban lãnh đạo Bệnh viện biết tình hình. Theo đó, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã chỉ đạo khắc phục tình trạng trên trong thời gian sớm nhất.
Bệnh viện đã liên hệ các nhà cung cấp khảo sát, báo giá, thực hiện theo quy trình đầu tư mua sắm của bệnh viện và chờ các cấp phê duyệt. Ngày 7/10, Công an tỉnh Quảng Nam kiểm tra, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính.
Quá trình kiểm tra có lấy một mẫu nước thải tại vị trí xả thải ra môi trường và kết quả nước thải của bệnh viện có 2 thông số bị vượt, cụ thể coliforms vượt 480 lần, amoni vượt 3,35 lần.
Bà Hoa cho biết tại bệnh viện, bệnh nhân điều trị nội trú tầm 30 người mỗi ngày, bệnh nhân ngoại trú tầm 250 lượt khách mỗi ngày. Lưu lượng xả thải trung bình là 30 m3 mỗi ngày.
Bệnh viện cam kết khẩn trương sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải để đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, phù hợp với quy mô phát triển và nhu cầu chăm sóc cho nhân dân.
Ngoài ra, bệnh viện cam đoan việc giám sát xả thải sẽ được nghiêm túc kiểm tra, chặt chẽ và thường xuyên, đảm bảo theo quy trình công nghệ xử lý hệ thống xử lý nước thải tại bệnh viện và sẽ lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo định kỳ.
Vi khuẩn Coliform là loại vi khuẩn có thể sinh sống trong nhiều môi trường khác nhau như đất, nước và cả hệ tiêu hóa của con người.
Đây chính là thủ phạm gây nhiều bệnh nguy hiểm trên hệ tiêu hóa như tiêu chảy, mất nước dẫn tới suy thận, thậm chí là tử vong.
Amoni trong nước là một chất ô nhiễm do chất thải động vật, nước cống và khả năng nhiễm khuẩn. Khi hàm lượng Amoni trong nước ăn uống cao hơn tiêu chuẩn điều đó có nghĩa là nguồn nước bạn đang sử dụng đã bị ô nhiễm bởi chất thải động vật, nước cống và có khả năng xuất hiện các loại vi khuẩn, kể cả vi khuẩn gây bệnh.
Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/quang-nam-cong-an-phat-hien-nuoc-thai-o-mot-benh-vien-co-vi-khuan-coliforms-a189983.html