Giá cà phê sẽ ra sao sau quyết định thời điểm thực thi EUDR của EU?

(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm đến nay, mỗi một động thái thay đổi của EU về việc thi hành Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) đều đã tác động không nhỏ lên giá cà phê thế giới và Việt Nam. Trong hai ngày 13-14/11 tới, EU sẽ đưa ra quyết định chính thức về thời điểm thực thi quy định này.

Giá cà phê sẽ ra sao sau quyết định thời điểm thực thi EUDR của EU?- Ảnh 1.

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), dù khả năng nào xảy ra thì vẫn sẽ có hai kịch bản tương ứng cho giá cà phê trong thời gian sau đó...

Thị trường cà phê biến động theo từng bước chuyển của EUDR

Ngày 16/5/2023, Nghị viện Châu Âu (EP) đã thông qua Quy định EUDR. Dự kiến, quy định có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2024. Theo đó, cà phê là 1 trong 7 nhóm mặt hàng bị cấm nhập khẩu vào EU nếu quá trình sản xuất gây mất rừng sau ngày 31/12/2020.

EU hiện là khu vực nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới, khoảng 33-35% thị phần toàn cầu. Tại Việt Nam, EU là bạn hàng xuất khẩu cà phê lớn nhất, chiếm khoảng 38% tổng lượng cà phê xuất khẩu mỗi năm. Do đó, ngay khi EU ban hành quy định mới liên quan đến nhập khẩu cà phê đã khiến thị trường trong nước và quốc tế dấy lên lo ngại hiện trạng cung – cầu bị thay đổi.

Lo ngại của thị trường đã nhanh chóng phản ánh lên diễn biến giá cà phê trong năm 2024. Từ những tháng đầu năm, hạn thực hiện EUDR đến gần kết hợp cùng tồn kho châu Âu ở mức thấp lịch sử, các quốc gia thuộc EU đã chạy đua nhập khẩu cà phê nhằm bảo đảm nguồn cung trước ngày 30/12. Áp lực gia tăng khi 2024 cũng là năm sản lượng cà phê giảm tại nhiều quốc gia sản xuất hàng đầu do phải đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài. Cầu tăng lên trong khi cung giảm xuống, khiến thị trường rơi vào trạng thái mất cân bằng cung - cầu cục bộ. Hơn thế, cung – cầu thay đổi còn thúc đẩy tình trạng đầu cơ trên thị trường cà phê phái sinh tăng mạnh, góp phần hỗ trợ giá liên tục phá đỉnh.

Tuy nhiên, bước ngoặt xuất hiện từ đầu tháng 10, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất hoãn thi hành EUDR thêm một năm và nhanh chóng nhận được đồng thuận từ Hội đồng EU (EUCO). Lúc này, giá cà phê nhanh chóng phản ứng khi giới đầu cơ không đặt cược vào việc giá sẽ tăng tiếp. Theo ghi nhận từ MXV, giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) đã giảm 10% chỉ trong hai phiên giao dịch khi có thông tin về đề xuất của EC. Đồng thời giá đã hình thành đà giảm trong suốt tháng 10 và đánh mất vùng đỉnh lịch sử.

Tuy nhiên, việc hoãn thời gian thi hành đã nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ các tổ chức môi trường. Kết quả cuối cùng về lộ trình EUDR sẽ được EP sẽ bỏ phiếu vào ngày 13-14/11. Trong thời gian này, thị trường đang dồn sự chú ý vào kết quả sau cuộc họp của EP.

Giá cà phê sẽ ra sao sau quyết định thời điểm thực thi EUDR của EU?- Ảnh 2.

Nhận định về ảnh hưởng của EUDR lên thị trường cà phê, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV cho rằng EU là bạn hàng lớn nhất không chỉ của Việt Nam mà còn nhiều quốc gia cung cấp khác trên thế giới. Do đó, bất kỳ chính sách lớn nào đối với các mặt hàng nhập khẩu sẽ tác động ngay tới diễn biến giá. Tuy nhiên, ông Quỳnh nhận định thêm rằng giá cà phê biến động mạnh trong thời gian qua cũng còn xuất phát từ sự thay đổi tâm lý giới đầu cơ trên thị trường ở thời điểm trước khi EP thông qua EUDR. Tuy nhiên, quyết định chính thức về EUDR vẫn sẽ ảnh hưởng mạnh lên diễn biến giá cà phê sau đó.

Giá cà phê biến động theo các kịch bản EUDR

Chỉ còn gần một tuần nữa, EP sẽ có quyết định chính thức về thời điểm thực thi EUDR. Lúc này, thị trường đang chia thành hai luồng quan điểm. Một bên cho rằng EU nên tiếp tục thực thi EUDR theo lộ trình ban đầu để bảo đảm cam kết về biến đổi khí hậu (IPCC). Bên còn lại cho rằng EU nên hoãn thời gian thực hiện quy định chống phá rừng theo đề xuất của EC. Theo MXV, sẽ có hai kịch bản về giá xảy ra sau khi EP chốt được thời điểm EUDR thi hành.

Kịch bản thứ nhất, EU quyết định giữ nguyên lộ trình thực hiện EUDR, bắt đầu từ ngày 30/12/2024. Quyết định này sẽ nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức bảo vệ môi trường nhưng là rào cản lớn đối với dòng chảy cà phê hiện tại. Các quốc gia sản xuất cà phê trên thế giới chưa thể đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của EUDR trong khi các nước nhập khẩu phải chạy đua tìm nguồn hàng để bảo đảm bài toán tiêu thụ. Như vậy, thị trường sẽ xuất hiện hai phản ứng.

Trong ngắn hạn, các quốc gia nhập khẩu đẩy mạnh mua hàng trong những tháng còn lại của năm 2024, khiến cầu về cà phê trên thị trường tăng vọt. Trong khi đó, nguồn cung trên thị trường khó có thể đáp ứng mức tăng nhu cầu đột xuất, đặc biệt khi Việt Nam mới bắt đầu hoạt động thu hoạch cà phê vụ 2024-2025. Điều này gây tình trạng cung nhỏ hơn cầu, từ đó tạo thành hỗ trợ quan trọng đối với giá cà phê trong hai tháng cuối năm. Về dài hạn, các quốc gia xuất khẩu không thể cung ứng cho bạn hàng lớn như EU sẽ phải đi tìm bạn hàng mới. Tương tự, các quốc gia nhập khẩu cũng phải tìm các nguồn hàng mới bảo đảm yêu cầu để phục vụ tiêu thụ. Như vậy, thị trường cần một khoảng thời gian để cung – cầu trở về trạng thái ổn định.

Giá cà phê sẽ ra sao sau quyết định thời điểm thực thi EUDR của EU?- Ảnh 3.

Kịch bản thứ hai, EU quyết định lùi thời gian thực hiện EUDR, khả năng cao là 12 tháng như đề xuất từ Ủy ban châu Âu (EC). Quyết định này sẽ nhận được sự đồng thuận từ các đơn vị nằm trong chuỗi cung ứng cà phê thay vì các tổ chức môi trường. Với kịch bản này, các quốc gia sản xuất có thêm thời gian để đáp ứng đầy đủ quy chuẩn mới. Đồng thời, các nước nhập khẩu tại EU cũng không cần ồ ạt nhập trong cuối 2024. Cung – cầu cà phê trên thị trường tạm thời ổn định, cùng với sự bổ sung nguồn cung từ cà phê thu hoạch trong niên vụ 2024-2025 của Việt Nam, giá cà phê thế giới khả năng cao chỉ neo dưới 4.700 USD/tấn. Tương tự, giá cà phê nội địa cũng sẽ chỉ dao động trong khoảng 100.000-110.000 đồng/kg.

Nhận định về khả năng ra quyết định của EU, theo ông Quỳnh, các kịch bản đều có thể xảy ra nhưng EU sẽ nghiêng về khả năng gia hạn thời gian bắt đầu thực hiện quy định EUDR. Bởi dẫu sao khối này vẫn cần xem xét đến việc bảo đảm tình hình nguồn cung nội bộ. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang thiên hướng thâm hụt nguồn cung. Hơn nữa, việc xanh hóa thị trường hay bảo đảm các vấn đề về môi trường bao gồm những lộ trình dài hạn, dù không thực hiện ngay nhưng vẫn là xu hướng tất yếu.

Ngay từ khi có thông báo vào năm 2023, các nhà sản xuất, doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam đã chủ động và tích cực chuẩn bị cho việc đáp ứng quy chuẩn EUDR của châu Âu. Sự chủ động, thích ứng nhanh chóng này cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhằm bảo đảm việc chuẩn hóa ở mức cao nhất theo các tiêu chuẩn mới và sẵn sàng đáp ứng theo bất cứ kịch bản nào.


Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/gia-ca-phe-se-ra-sao-sau-quyet-dinh-thoi-diem-thuc-thi-eudr-cua-eu-a190734.html