1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam

Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.

Việc 1688 áp dụng giao diện bản tiếng Việt (trước đó, Temu và Taobao cũng có bản tiếng Việt), bán hàng vào Việt Nam khi chưa được cấp phép khiến các doanh nghiệp hết sức lo lắng.

Để thu hút người dùng, 1688 áp dụng chính sách miễn phí giao hàng toàn bộ sản phẩm tận nhà với giá 0 đồng, lì xì tặng khách mua mới 17.000 đồng khi mua sắm trên 1688. Thậm chí, sàn này bán với giá 0 đồng các sản phẩm điện tử giá trị như máy ảnh kỹ thuật số thông qua đăng ký tài khoản để nhận mã mua hàng.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 21/11, một đại diện Bộ Công Thương cho rằng, việc các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới từ Trung Quốc liên tục triển khai hoạt động bán hàng vào Việt Nam khi chưa được cấp phép là vấn đề các cơ quan quản lý phải đối mặt. Theo vị này, hiện còn một khoảng trống pháp lý cần các bộ, ngành liên quan như Công Thương, Tài chính, Công an, Thuế, Hải quan cùng tham gia và bổ sung, đưa vào trong luật để hạn chế và quản lý tình trạng các sàn thương mại điện tử bán hàng trái phép vào Việt Nam.

1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam- Ảnh 1.

Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh

“Chỉ khi có sự tham gia đồng bộ của các bộ ngành, cơ quan liên quan mới có thể xử lý triệt để được tình trạng bán hàng trái phép vào Việt Nam của các sàn thương mại điện tử từ Trung Quốc. Theo đó, cơ quan thuế cần đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu; Bộ TT&TT cần giám sát hoạt động quảng cáo bán hàng trái phép vào Việt Nam trong khi hải quan, công an, quản lý thị trường thực hiện các giải pháp để kiểm soát hàng hóa bán vào trong nước. Việc này cần phải làm sớm”, vị này nói.

Không chỉ ngang nhiên bán hàng vào Việt Nam, nhiều đơn hàng của 1688 còn được quảng cáo miễn phí toàn bộ giao hàng khi lên đơn lần đầu, hoặc dành tặng 5 nhân dân tệ (đơn vị tiền tệ của Trung Quốc) cho khách hàng mới, nhập mã mời riêng để nhận quà tặng 5 Nhân dân tệ; mua hàng 99 Nhân dân tệ được trợ cấp phí ship hoặc mua 200 Nhân dân tệ được 200 Nhân dân tệ….


Tại họp báo thường kỳ Chính phủ cách đây vài ngày, trả lời về quản lý của cơ quan với các sàn thương mại điện tử từ Trung Quốc như Temu, Shein bán hàng vào Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết, Bộ đã làm việc với bộ phận pháp lý của các sàn này, yêu cầu khẩn trương đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương theo quy định pháp luật Việt Nam trong tháng 11 này. Cùng với đó, Temu, Shein phải dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng. Nếu các sàn này không tuân thủ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp kỹ thuật như ngăn chặn ứng dụng, chặn tên miền.

Theo ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), đối với lĩnh vực quản lý Nhà nước về các khoản thu nội địa, trong đó có khoản thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trên cơ sở các quy định tại Luật Quản lý thuế và Thông tư số 80/2021, các nhà quản lý sàn thương mại điện tử như Temu, Shein Amazon… có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Nếu phát hiện nhà cung cấp nước ngoài kê khai chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế sẽ đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu, qua đó đề nghị nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/1688-o-at-quang-cao-ban-hang-vao-viet-nam-a190736.html