Kiến nghị không đưa mặt hàng nước giải khát có đường hàm lượng 5g/100ml vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, mới đây, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ 8 gồm 4 Chương, 12 Điều, bám sát theo 7 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý.

Việc xây dựng dự án Luật nhằm mục đích hoàn thiện quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để mở rộng cơ sở thu (như bổ sung vào đối tượng chịu thuế đối với nước giải khát có đường, áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia...), bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước, đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đối với đề xuất áp thuế 10% đối với mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế, một số đại biểu đề nghị cân nhắc quy định này.

Theo đại biểu Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với mặt hàng này, năm đầu tiên sẽ tăng khoảng 8.507 tỷ đồng nhưng ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm khoảng 2.152 tỷ đồng. Những năm tiếp theo thu ngân sách từ thuế gián thu và trực thu đều sụt giảm.

Điều này dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, giá trị sản xuất, giảm lợi nhuận làm giảm tổng nguồn thu ngân sách ở những chu kỳ sau. Ngoài ra, áp dụng chính sách này còn ảnh hưởng đến 25 ngành trong nền kinh tế.

“Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường không làm tăng thu ngân sách mà tác động tiêu cực chung tới nền kinh tế”, bà Ánh cho hay.

Kiến nghị không đưa mặt hàng nước giải khát có đường hàm lượng 5g/100ml vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt- Ảnh 1.

Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Do đó, theo Đại biểu Dương Minh Ánh, cần phải có cơ sở để chứng minh được việc áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước giải khát có đường hàm lượng 5g/100ml có thể thay đối hành vi người tiêu dùng và đạt được hiệu quả cho việc giảm tỷ lệ người thừa cân béo phì so với những sản phẩm có đường khác như bánh, kẹo, ô mai, các sản phẩm từ sữa có đường. Kinh nghiệm cho thấy nhiều nước đánh thuế đồ uống có đường nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì lại tăng lên.

Với mục tiêu tăng thuế nhằm hạn chế người tiêu dùng không dùng sản phẩm nước ngọt có đường gây thừa cân béo phì nhưng có thể làm gia tăng việc người sử dụng các mặt hàng đồ uống sản xuất không chính thức hoặc sản phẩm sản xuất thủ công.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chuyển đổi sang các sản phẩm đồ uống ít đường hàm lượng dưới 5g nhưng vẫn có độ ngọt sẽ không phải chịu thuế. Như vậy nếu việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp trong nước vô hình chung tạo sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

Với những phân tích nêu trên, đại biểu Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường…

Cùng quan điểm, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật xem xét lại một cách toàn diện về đề xuất bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Vì hiện nay còn nhiều ý kiến trái chiều từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia cũng như người tiêu dùng.

Kiến nghị không đưa mặt hàng nước giải khát có đường hàm lượng 5g/100ml vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt- Ảnh 2.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Về tác động sức khỏe, cơ quan soạn thảo đã đưa ra trong Báo cáo đánh giá tác động những số liệu về tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tăng nhanh trong 10 năm qua.

"Tuy nhiên, cần xem xét cả bối cảnh tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân ở trẻ em, đặc biệt ở miền núi nước ta cũng vẫn còn rất cao", bà Dung phân tích.

Theo số liệu Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2019-2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6% (cao hơn cả tỷ lệ thừa cân, béo phì) và có sự chênh lệch rất đáng kể giữa các vùng miền nhất là giữa miền núi, nông thôn với thành thị.

Về tác động đối với thu ngân sách, Báo cáo đánh giá tác động cho thấy, nếu áp thuế TTĐB theo phương án đề xuất 10% bắt đầu từ năm 2026 thì sẽ làm tăng thu ngân sách khoảng 2.400 tỷ đồng năm đầu tiên, nhưng số thu các năm sau sẽ giảm, nhưng báo cáo không cung cấp thông tin về mức độ giảm là bao nhiêu.

Theo báo cáo đánh giá tác động kinh tế của TTĐB đối với nước giải khát có đường của Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu áp mức thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát thì thu ngân sách từ năm thứ hai trở đi mỗi năm sẽ giảm khoảng 4.978 tỷ đồng từ thuế gián thu, chưa kể đến mức giảm tương ứng từ thuế trực thu.

Ngoài ra, trong Báo cáo cũng chỉ ra rằng, chính sách thuế này sẽ không chỉ tác động trực tiếp lên ngành đồ uống mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm GDP gần 0,5% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng. Do vậy, Viện quản lý kinh tế Trung ương đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường.

Về kinh nghiệm quốc tế, theo Báo cáo đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo, hiện nay đã có ít nhất 107 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường.

Tuy nhiên, bà Dung cho biết, một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát hành ngày 05/12/2023 và đang đăng tải trên trang tin của tổ chức này cho biết thêm rằng, một nửa trong số các quốc gia này cũng áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cả nước uống, mặc dù nước uống là mặt hàng được Tổ chức Y tế thế giới khuyến khích tiêu dùng.

Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, không phải quốc gia nào cũng áp dụng chính sách thuế này vì mục đích sức khỏe mà chỉ đơn thuần là đưa tất cả các loại đồ uống vào diện chịu thuế.

Chính vì vậy, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng, cần nghiên cứu thêm đối với nội dung này để từ đó đề xuất các biện pháp kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác cho phù hợp.

"Có những quốc gia như Ấn Độ, Mexico, Thái Lan, Philippines đã áp thuế TTĐB với đồ uống có đường nhiều năm nhưng tỷ lệ thừa cân, béo phì thì lại vẫn tiếp tục tăng, mặc dù tiêu thụ nước giải khát có đường giảm. Trong khi đó các quốc gia khác như Nhật Bản, Singapore hay Trung Quốc không áp dụng chính sách thuế này thì tỷ lệ thừa cân, béo phì lại được kiểm soát tốt", bà Dung dẫn chứng.

Theo đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, công cụ thuế này không hiệu quả trong việc làm thay đổi hành vì người tiêu dùng, đặc biệt là khi các đối tượng tiêu dùng mặt hàng nước giải khát có đường phần lớn là trẻ em.

Bên cạnh đó, do còn nhiều ý kiến khác nhau về tính hiệu quả cả về sức khỏe và kinh tế của đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu TTĐB, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật xem xét lại một cách toàn diện về đề xuất này.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/kien-nghi-khong-dua-mat-hang-nuoc-giai-khat-co-duong-ham-luong-5g100ml-vao-dien-chiu-thue-tieu-thu-dac-biet-a191281.html