Gia Lai siết kiểm soát phương tiện thô sơ, ngăn ngừa tai nạn trong mùa thu hoạch

Để giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông từ phương tiện thô sơ, lực lượng cảnh sát giao thông Gia Lai khuyến cáo người dân không điều khiển phương tiện giao thông vào ban đêm, đặc biệt các phương tiện phải dán phản quang.

Phương tiện không thể thiếu trong mùa thu hoạch

Theo thống kê từ Sở GTVT tỉnh Gia Lai, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 37.000 xe công nông và máy kéo nhỏ phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp.

Tuy nhiên, các phương tiện này thường không được trang bị đèn chiếu sáng hay hệ thống phản quang nhận diện, dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông gia tăng vào ban đêm, đặc biệt là tại các tuyến đường giao cắt với quốc lộ và tỉnh lộ.

Tháng 12, khi các tỉnh ở Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Gia Lai, bước vào mùa thu hoạch cà phê, lượng phương tiện thô sơ như xe công nông và máy kéo xuất hiện nhiều trên các tuyến đường phục vụ vận chuyển nông sản.

Tại huyện Ia Grai, Gia Lai, theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin vào ngày 1/12, xe công nông xuất hiện khá phổ biến, chủ yếu được sử dụng để chở công nhân vào rẫy và vận chuyển cà phê từ rẫy về nhà.

Anh Nguyễn Văn Bảy, một người dân xã Ia Tô (huyện Ia Grai) chia sẻ: “Gia đình tôi có 3ha cà phê, hiện đang vào mùa thu hoạch. Mỗi sáng, tôi thuê công nhân và dùng xe công nông chở họ vào rẫy hái cà phê. Vào buổi chiều, khi sản lượng cà phê đã đóng bao, tôi chia thành nhiều chuyến để vận chuyển về nhà phơi".

Ngăn chặn

Người dân cam kết, không chở quá khổ quá tải, dán phản quang lên phương tiện, đảm bảo an toàn khi lưu thông.

Theo anh Bảy, đối với người dân làm nông ở Tây Nguyên, xe công nông gần như là phương tiện không thể thiếu trong mỗi gia đình, đặc biệt trong mùa thu hoạch.

Mặc dù xe công nông là loại phương tiện thô sơ, không đáp ứng đủ các yêu cầu kỹ thuật để tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, nhưng đối với người dân địa phương, đây lại là phương tiện đặc thù không thể thiếu để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ghi nhận của PV cho thấy, vào khoảng 16h mỗi ngày, các xe công nông chất đầy cà phê tươi từ khắp các rẫy nối đuôi nhau, vận chuyển thành phẩm về nhà để phơi.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát

Để đảm bảo an toàn giao thông trong mùa thu hoạch cà phê, Công an tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông để đảm bảo trật tự an toàn.

Trao đổi với PV Trung tá Trần Ngọc Hưng, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Ia Grai cho biết: "Đối với người dân các xã trồng cà phê, xe công nông và máy kéo là phương tiện không thể thiếu. Rẫy cà phê của họ thường nằm ở những khu vực đồi núi dốc, địa hình hiểm trở, chỉ có xe công nông mới có thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển nông sản.

Tuy nhiên, những phương tiện này không đảm bảo tiêu chuẩn để tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ và các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Mặc dù vậy, việc xử lý triệt để rất khó khăn vì đây là phương tiện mưu sinh của hầu hết các hộ dân".

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Ia Grai đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến luật giao thông đường bộ tại các thôn, làng và tổ dân phố. Bên cạnh đó, đơn vị cũng triển khai công tác tuần tra, kiểm soát vào các giờ cao điểm trên các tuyến đường, kịp thời nhắc nhở các chủ phương tiện.

"Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức cấp phát và dán phản quang trên xe công nông, máy kéo để giúp người tham gia giao thông dễ dàng nhận diện phương tiện từ xa, đặc biệt là vào ban đêm", Trung tá Hưng nói.

Ngăn chặn

Các phương tiện thô sơ được dán phản quang.

Trung tá Nguyễn Minh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Chư Sê cho biết: "Trong mùa thu hoạch, người dân chủ yếu sử dụng xe công nông để vận chuyển cà phê. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Công an huyện đã chỉ đạo các công an xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền và khuyến cáo người dân không chở người trên thùng xe, không chở hàng quá khổ, đồng thời yêu cầu lắp đặt đèn chiếu sáng và dán phản quang cho phương tiện. Các chủ xe công nông, máy kéo không chấp hành quy định về an toàn giao thông sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định".

Đồng Nai: Nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông địa bàn Tp.Biên HòaBộ GTVT triển khai 8 nhóm giải pháp chống ùn tắc, kéo giảm tai nạn giao thôngBộ GTVT đề xuất người tham gia giao thông phải bật đèn cả ngày để... giảm tai nạn

Công an huyện cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhấn mạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp người dân sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đồng thời, các chốt kiểm tra nồng độ cồn được lập để xử lý các vi phạm nghiêm khắc.

Cụ thể, Công an huyện Chư Sê đã tổ chức 162 lượt tuyên truyền bằng xe loa lưu động về Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật liên quan tại các tuyến đường trọng điểm.

Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với công an các xã, thị trấn tổ chức 15 buổi tuyên truyền pháp luật tại các thôn, làng và cơ sở tôn giáo, thu hút khoảng 10.864 người tham gia.

Công an cũng yêu cầu 30 lượt tài xế ký cam kết không chở hàng quá khổ, quá tải và yêu cầu các chủ xe công nông cam kết tuân thủ Luật Giao thông đường bộ.

Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông tỉnh Gia Lai, sau khi đồng loạt các giải pháp kiềm chế TNGT liên quan đến phương tiện xe công nông, số vụ TNGT liên quan đến phương này có chiều hướng giảm.

Đơn cử, năm 2018 xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông (TNGT) (15 người chết, 15 người bị thương); 2019 có 25 vụ TNGT (20 người chết, 14 người bị thương). Từ 2020 đến nay, số vụ TNGT liên quan đến công nông giảm sâu. Cụ thể, năm 2020 xảy ra 13 vụ (12 người chết, 5 người bị thương) giảm sâu (giảm 8 vụ so với năm 2019). Năm 2021 xảy ra 14 vụ (13 người chết, 6 người bị thương); năm 2022 xảy ra 13 vụ (11 người chết, 4 người bị thương).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai xảy ra 6 vụ liên quan đến xe công nông khiến 4 người chết và 4 người bị thương.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/gia-lai-siet-kiem-soat-phuong-tien-tho-so-ngan-ngua-tai-nan-trong-mua-thu-hoach-a192177.html