Theo báo cáo tài chính tổng hợp quý IV/2024, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.210 tỷ đồng, tăng tới 82% so với cùng kỳ năm 2023. Biên lợi nhuận gộp của hãng vận tải biển này cũng được cải thiện mạnh, đạt gần 43%.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh và thuế, doanh nghiệp này báo lãi trước thuế 418 tỷ đồng, tăng gấp hơn 6 lần so với quý IV/2023. Lãi sau thuế đạt gần 348 tỷ đồng, tăng 561% so với cùng kỳ.
Giải trình về kết quả trên, ban lãnh đạo Xếp dỡ Hải An cho biết, động lực tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ việc công ty đưa vào khai thác thêm 4 tàu container mới, bao gồm Haian Alfa, Haian Beta, Haian Opus, và Haian Gama, giúp gia tăng mạnh hoạt động khai thác tàu. Số lượng tàu cho thuê và giá cước thuê cũng gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, các công ty con và liên kết cũng ghi nhận sự tăng trưởng kinh doanh tích cực.
Tính chung cả năm 2024, Vận tải và Xếp dỡ Hải An đạt gần 4.000 tỷ đồng doanh thu và 800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 53% và 124% so với năm 2023. Đây là mức doanh thu cao nhất và mức lợi nhuận cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động của công ty, chỉ sau mức kỷ lục thiết lập vào năm 2022.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Hải An đạt 7.289 tỷ đồng, tăng mạnh 36%, tương đương 1.900 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm phần lớn với 4.775 tỷ đồng (65,5% tổng tài sản), chủ yếu là đội tàu mới được bổ sung; Tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 992 tỷ đồng (13,6% tổng tài sản); Các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 504 tỷ đồng (7% tổng tài sản).
Tổng nợ phải trả của Hải An tăng hơn 50% lên mức 3.317 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ dài hạn với hơn 2.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, hoạt động vay nợ của Hải An gia tăng đáng kể, đặc biệt là vay nợ thuê tài chính dài hạn tăng gần gấp 2 so với đầu năm lên mức 1.797 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của HAH tại thời điểm 31/12/2024 đạt 3.971 tỷ đồng, tăng khoảng 800 tỷ đồng so với hồi đầu năm; trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.053 tỷ đồng.
Vận tải và Xếp dỡ Hải An là một trong số ít doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam theo đuổi chiến lược mở rộng thị trường quốc tế với việc trực tiếp khai thác một số tuyến quốc tế.
Hải An nói riêng và ngành vận tải biển nói chung của Việt Nam hưởng lợi trực tiếp từ việc giá cước thuê tàu neo cao khi các bất ổn địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp thời gian qua.
Với phần lớn đội tàu là tàu feeder (1.200 - 1.700 TEU), Hải An cũng hưởng lợi từ xu hướng các hãng tàu trên thế giới đang định hướng tập trung phát triển đội tàu mẹ và đi thuê các tàu feeder để lưu chuyển, tập kết hàng hóa
Nhằm tận dụng môi trường kinh doanh thuận lợi, Hải An đẩy mạnh mảng cho thuê tàu với việc cho thuê định hạn 8 tàu (chiếm 60% tổng năng lực vận tải của đội tàu). Theo hình thức thuê định hạn, chi phí nhiên liệu do khách thuê chịu nên biến động giá nhiên liệu sẽ không ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của Xếp dỡ Hải An. Bên cạnh đó, hầu hết các hợp đồng thuê tàu của công ty đều đi kèm điều khoản gia hạn.
Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/huong-loi-tu-gia-cuoc-thue-tau-van-tai-va-xep-do-hai-an-lai-hon-800-ty-dong-trong-nam-2024-a203361.html