“Cả họ" phá sản, thành viên còn lại của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy vẫn có doanh thu nghìn tỷ

CTCP Đóng tàu Sông Cấm là doanh nghiệp duy nhất thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy không thuộc diện xử lý phá sản. Năm 2024, doanh nghiệp này vẫn có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính tổng hợp quý IV/2024, CTCP Đóng tàu sông Cấm (UPCoM: SCY) có doanh thu thuần đạt 183 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ.

Khấu trừ các loại chi phí, doanh nghiệp đóng tàu này ghi nhận 31 tỷ đồng lãi trước thuế, 24 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng gấp 2 lần và 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế năm 2024, doanh nghiệp này vẫn ghi nhận doanh thu đạt gần 1.036 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 101 tỷ đồng, tăng 14,7%, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 80 tỷ đồng, tăng 20,7% so với năm 2023.

Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của Đóng tàu sông Cấm đạt 1.720 tỷ đồng, tăng 16%, tương đương gần 250 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 15% còn 143 tỷ đồng, trong khi đầu tư tài chính ngắn hạn tăng thêm 47% lên hơn 571 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả hơn 790 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm, trong đó chiếm một nửa là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn với hơn 445 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh nghiệp này tiếp tục duy trì việc không vay nợ tài chính.

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này biến động không quá lớn so với đầu năm, với 930 tỷ đồng, trong đó có trên 136 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và trên 46 tỷ đồng dành cho quỹ đầu tư phát triển.

“Cả họ" phá sản, thành viên còn lại của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy vẫn có doanh thu nghìn tỷ- Ảnh 1.

CTCP Đóng tàu Sông Cấm thi công hoàn thiện vỏ tàu để bàn giao cho khách hàng (Ảnh: Tạ Hải).

Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm là một doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy. Chức năng chính là đóng mới và sửa chữa các phương tiện vận tải thủy.

Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với công ty mẹ SBIC kinh doanh "bết bát" với những khoản lỗ liên tiếp nhiều năm, Đóng tàu Sông Cấm vẫn kinh doanh khá tốt trong những năm qua. Trong giai đoạn từ năm 2018 tới nay, lợi nhuận sau thuế của công ty liên tục tăng trưởng.

Cuối tháng 12/2023, Chính phủ thông qua kế hoạch tổ chức thực hiện chủ trương xử lý đối với SBIC theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận của Bộ Chính trị trong việc xử lý với doanh nghiệp này. Cụ thể, việc xử lý theo hướng phá sản đối với công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con, bao gồm các Công ty TNHH MTV Đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn.

Đối với, Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm, sẽ xử lý theo hướng thu hồi phần vốn của công ty mẹ. Đây là doanh nghiệp duy nhất thuộc SBIC không thuộc diện xử lý phá sản.

Bước tiến quan trọng trong ngành công nghiệp đóng tàu Việt NamĐóng tàu sông Cấm đạt doanh thu nghìn tỷ trước thềm công ty mẹ rút vốn

Một trong những nguyên nhân rất lớn giúp cho Đóng tàu Sông Cấm vẫn sống tốt đến nay đến từ sự hợp tác đối tác Tập đoàn Damen – Hà Lan. Hai bên hợp tác từ tháng 3/2002 với hợp đồng đầu tiên là đóng mới 5 tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển cho chủ đầu tư là Cục Hàng hải Việt Nam. Từ 2003 đến nay, Đóng tàu Sông Cấm đã ký và thực hiện hàng loạt các hợp đồng đóng tàu mới chuyên dụng xuất khẩu cho Tập đoàn đóng tàu Damen – Hà Lan. 

Trong năm 2024, Đóng tàu Sông Cấm đã tổ chức Lễ đặt ky đóng mới tàu dịch vụ năng lượng ngoài khơi ST245 ESCV HULL số 82 cho chủ tàu Na Uy. Đây là tàu đầu tiên trong các dòng tàu dịch vụ năng lượng ngoài khơi có thể hoạt động phục vụ cho các công trình điện gió ngoài khơi và các công trình dưới đáy biển. Sản phẩm này tiếp tục đánh dấu thành công của Sông Cấm trong thi công đóng mới các sản phẩm xuất khẩu ngày càng hiện đại cho Tập đoàn Damen (Hà Lan) và các chủ tàu nước ngoài khác từ đầu năm nay

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/ca-ho-pha-san-thanh-vien-con-lai-cua-tong-cong-ty-cong-nghiep-tau-thuy-van-co-doanh-thu-nghin-ty-a203413.html