MB đứng trước ông lớn quốc doanh trong BXH lợi nhuận
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến cuối năm 2024, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận mức tăng 15,08%. Đáng chú ý, tín dụng đã có sự bứt phá mạnh trong quý IV, góp phần thúc đẩy lợi nhuận của các ngân hàng.
Nhờ đà tăng trưởng này, nhiều ngân hàng đã hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch lợi nhuận mà cổ đông đề ra. Tính đến hết quý IV/2024, bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng dần rõ nét với 23 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương.
Trong đó, ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế nhiều nhất là BVBank với mức tăng 443% so với cùng kỳ lên 391 tỷ đồng. Tiếp đó là LPBank với khoản lãi 12.168 tỷ đồng, tăng 72,9% so với cùng kỳ.
Ngược lại, 3 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận đi lùi là VIB, OCB và BaoVietBank. Trong đó, lợi nhuận của VIB giảm 15,9% so với cùng kỳ xuống còn 239 tỷ đồng.
Dù ghi nhận lợi nhuận tăng, tuy nhiên top 10 lợi nhuận ngân hàng vẫn không ghi nhận có LPBank và BVBank. Theo đó, Vietcombank tiếp tục duy trì vị trí độc tôn đầu bảng với khoản lãi trước thuế đạt 42.236 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo sau là VietinBank với khoản lợi nhuận tăng 27% so với năm trước lên 31.758 tỷ đồng. BIDV xếp thứ 3 với khoản lãi trước thuế sát nút VietinBank là 31.383 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ.
Dù còn cách một khoảng khá lớn so với BIDV, MB đã vượt qua ông lớn còn lại trong nhóm quốc doanh là Agribank để vươn lên vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng với lợi nhuận sau trước thuế tăng 9,5% so với cùng kỳ lên 28.800 tỷ đồng.
Theo công bố từ Agribank, năm 2024, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước tăng trên 8%. rước đó, trong năm 2023, Agribank đạt lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 25.525 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 25.859 tỷ đồng. Như vậy ước tính lợi nhuận ngân hàng này đạt khoảng 27.927 tỷ đồng.
Đứng thứ sáu trong bảng xếp hạng tiếp tục là một ngân hàng tư nhân. Cụ thể, Techcombank kết thúc năm 2024 với khoản lợi nhuận 27.538 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ. ACB đứng vị trí thứ bảy với lợi nhuận trước thuế tăng 4,7% so với cùng kỳ lên 21.006 tỷ đồng.
Những vị trí còn lại trong top 10 lợi nhuận lần lượt thuộc về VPBank (20.013 tỷ đồng), HDBank (16.000 tỷ đồng) và SHB (11.543 tỷ đồng).
Những yếu tố quyết định đến khả năng tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng
Ông Lê Hoài Ân, Founder IFSS, Giảng viên Đại học Ngân hàng Tp.HCM nhìn nhận, một trong những diễn biến đáng chú ý trong năm 2024 là nguồn thu từ các hoạt động khác của ngân hàng đã tăng trưởng mạnh, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận toàn ngành ngân hàng.
Thu nhập từ hoạt động này đã đạt mức cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây, trên cơ sở đó hỗ trợ tích cực cho kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng. Đây là những khoản thu nhập từ khoản thu hồi nợ xấu đã xử lý rủi ro trước đó.
Thực tế, tại VietinBank, ngân hàng này cho biết lãi thuần từ hoạt động khác năm 2024 tăng 45,8% so với năm 2023 do nhà băng tập trung các nguồn lực, thực hiện linh hoạt và đồng bộ các biện pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý, thu hồi nợ xử lý rủi ro trên toàn hệ thống.
Hay LPBank cũng thông tin lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng tốt còn nhờ đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn thu, nổi bật là doanh thu từ thu phí dịch vụ đóng góp hơn 16% tổng thu nhập, tỉ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm mạnh xuống còn 29%.
Tuy nhiên, ông Ân cho rằng, thách thức trong việc đảm bảo sự bền vững đang trở nên rõ ràng hơn dù lợi nhuận toàn ngành vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Nói về những yếu tố quyết định đến khả năng tăng trưởng của các ngân hàng trong thời gian tới, ông Ân đưa ra các yếu tố bao gồm tối ưu hóa chi phí, kiểm soát rủi ro tín dụng và mở rộng các nguồn thu ổn định hơn.
Đặc biệt, trong bối cảnh các ngân hàng ngày càng cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay, những ngân hàng có chiến lược linh hoạt, đầu tư mạnh vào số hóa và đa dạng hóa doanh thu sẽ có lợi thế trong việc duy trì sự ổn định tài chính và gia tăng giá trị dài hạn.
Dự báo về lợi nhuận ngân hàng thời gian tới, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho nhìn lợi nhuận của ngành ngân hàng ngày càng phụ thuộc nhiều vào hoạt động tín dụng trong bối cảnh nhiều biến động như lãi suất, tỉ giá, quy định bảo hiểm, cùng với sự bất ổn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Lãi suất được duy trì ở mức thấp cũng sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của ngân hàng tuy nhiên không lớn như năm 2023-2024. Nhìn chung, ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có thể đạt 15-16% trong năm 2025, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Vietcombamk (VCBS) dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng khoảng 15%. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa mạnh, trong đó nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối kỳ vọng tăng 12%, còn nhóm ngân hàng tư nhân năng động kỳ vọng tăng tới 20%. Các ngân hàng quy mô nhỏ hơn, dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận ở khoảng 8%.
Theo Kết quả điều tra Xu hướng kinh doanh quý I/2025 của Ngân hàng Nhà nước, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2024 có sự cải thiện tốt hơn so với quý III/2024 mặc dù chưa đạt được như kỳ vọng ở kỳ điều tra trước.
Đánh giá tổng thể năm 2024, các tổ chức tín dụng (TCTD) nhận định tình hình kinh doanh chưa đạt được như kỳ vọng tuy nhiên vẫn cải thiện hơn so với năm 2023; 78,9% TCTD ước tính lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương trong năm 2024 so với năm 2023, bên cạnh đó, vẫn có 15,8% TCTD ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm và 5,3% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Các TCTD dự báo tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý I/2025 và cả năm 2025 với 74,6-84,2% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2025. Trong năm 2025, 85,1% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2024, bên cạnh đó, vẫn có 9,6% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm nay.
Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/thu-tu-hoat-dong-khac-dong-gop-dang-ke-vao-loi-nhuan-ngan-hang-2024-a203672.html