Phát hiện ung thư từ dấu vết "lạ" trên áo

Người phụ nữ 68 tuổi tình cờ thấy vết máu nhỏ trên áo nhưng không đau hay khó chịu nên bỏ qua. Một tháng sau, dấu hiệu tái diễn, đi khám bà được chẩn đoán mắc ung thư vú hai bên cùng lúc.

Bà P.T.Y. (68 tuổi, Long Biên, Hà Nội) phát hiện một vết máu hồng nhỏ trên áo lót nhưng không cảm thấy đau hay khó chịu. Chủ quan với dấu hiệu này, bà chưa đi khám.

Một tháng sau, tình trạng trên tái diễn, kèm theo dịch bất thường ở đầu ngực. Khi đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) kiểm tra, bà Y. được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư vú hai bên cùng lúc, một thể bệnh hiếm gặp trong thực tế lâm sàng.

"Tôi không nghĩ mình có thể mắc bệnh. Gia đình tôi không ai bị ung thư, bản thân cũng ăn uống lành mạnh và thường xuyên tập thể dục. Khi nghe bác sĩ thông báo kết quả, tôi rất bất ngờ và lo lắng", bà Y. chia sẻ.

Phát hiện ung thư từ dấu vết "lạ" trên áo- Ảnh 1.

Ê-kíp bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư vú. (Ảnh: BVCC/VTC News)

Được bác sĩ tư vấn, bệnh nhân quyết định phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú hai bên và nạo vét hạch nách để loại trừ nguy cơ tái phát.

Ca mổ kéo dài nhiều giờ, đối mặt với nguy cơ mất máu nhiều, đòi hỏi sự tập trung cao độ của ê-kíp mổ. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, ca phẫu thuật diễn ra thành công, mở ra cơ hội sống cho người bệnh.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị nội tiết để giảm nguy cơ tái phát. Nếu kết quả mẫu bệnh phẩm từ khối u hai bên sau sinh thiết đánh giá mức độ xâm lấn khối u chưa di căn, người phụ nữ có thể không cần hóa trị hay xạ trị.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khoa Phụ Ung thư - Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, ung thư vú hai bên là thể bệnh hiếm, nhưng hoàn toàn có thể phát hiện sớm qua tầm soát.

Phụ nữ trên 40 tuổi nên đi khám định kỳ 2 năm/lần, còn những người có yếu tố nguy cơ cao (gia đình có tiền sử ung thư vú, đột biến gene) cần được tầm soát hàng năm.

Ở giai đoạn sớm, ung thư vú thường không có triệu chứng rõ ràng, chủ yếu được phát hiện qua tầm soát. Nếu bệnh tiến triển, người bệnh có thể nhận thấy các dấu hiệu như:

-Khối cứng ở vú, không đau, không di động.

-Tiết dịch bất thường ở núm vú.

4 dấu hiệu phân biệt cúm với cảm lạnh4 dấu hiệu phân biệt cúm với cảm lạnhĐỌC NGAY

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú gồm: tuổi trên 50, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, hút thuốc lá, uống rượu bia, thừa cân béo phì, tiếp xúc với bức xạ và sử dụng liệu pháp thay thế hormone.

Các bác sĩ khuyến cáo chị em nên chủ động khám và tầm soát định kỳ để phát hiện sớm, giúp quá trình điều trị trở nên dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn, đồng thời tăng tỉ lệ khỏi bệnh. Đối với những bệnh nhân đang chiến đấu với căn bệnh này, việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và tin tưởng vào nền y học nước nhà sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn, mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.

Minh Hoa (t/h theo VTC News, Znews)

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/phat-hien-ung-thu-tu-dau-vet-la-tren-ao-a203699.html