“Đưa lì xì đây bố mẹ giữ hộ” - nghe quen quen nhưng hoá ra đây là cách khiến tiền đẻ ra tiền!

Hoá ra bố mẹ thời nay “giữ hộ” tiền lì xì của con theo cách như thế này.

Tết đã hết nhưng trên nhiều hội nhóm MXH, chủ đề “dùng tiền lì xì của con như thế nào” vẫn được tranh luận rôm rả. Sẽ không lạ nếu nhiều người cho rằng số tiền đó cứ cầm đi chi tiêu, lo sinh hoạt phí gia đình. Người thì giữ thói quen “đút lợn”, xem như một cách tích góp giúp con làm vốn. Nhưng cũng có những người chọn bỏ tiền mừng tuổi vào những hình thức đầu tư như vàng; hoặc mua bảo hiểm,... Rồi sau này vẫn đem trả lại cho con, khi khoản tiền đã được “sinh sôi” thêm một phần.

Tiền lì xì - vừa để đầu tư, vừa là những bài học đầu tiên về tài chính!

Quỳnh Lam (36 tuổi, Hà Nội) chia sẻ từ khi con trai lên 6 tuổi, vợ chồng cô đã không được giữ hết tiền lì xì của con. Vì con đã biết tiêu tiền và đòi lại lì xì từ bố mẹ. Con trai cô có thói quen bỏ ống heo khi có lì xì và những khoản tiền khác mà người lớn cho, chẳng hạn như tiền thưởng học sinh giỏi, tiền thưởng của bố mẹ khi còn làm việc nhà,...

Toàn bộ tiền lì xì hàng năm của con Quỳnh Lam dao động từ 3-5 triệu đều được bạn cất giữ và lựa chọn dùng hết để mua vàng. Cô chia sẻ: “Mình đã phân tích cho con, tiền lì xì nhiều, nếu chỉ đơn thuần cất ở ống heo thì không thể sinh thêm được. Vì thế, con có thể chọn mùa vàng cất két, đưa mẹ gửi tiết kiệm hoặc mua cổ phiếu công ty nào đó sinh lợi cao an toàn. Sau khi được nghe phân tích, bạn đòi mua vàng. Lý do không hẳn bởi vàng sinh lời nhiều, mà do bạn có sở thích với vàng, có thể tự giữ được thay vì cổ phiếu và tiền tiết kiệm phải nhờ mẹ giữ giúp. Khi cho con tự giữ vàng thì bé cũng có tính cẩn thận hơn. Vì con hiểu tài sản này là của mình, chứ không phải của ai khác”.

“Đưa lì xì đây bố mẹ giữ hộ” - nghe quen quen nhưng hoá ra đây là cách khiến tiền đẻ ra tiền!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Một trường hợp khác, Thúy (38 tuổi, Bình Định) đã dùng tiền lì xì để chia sẻ với con không chỉ về cách quản lý tài chính mà còn là ứng xử với mọi người. Cô đã dạy hai bạn 5 tuổi và 9 tuổi như sau: “Trước Tết Nguyên đán, mình đã nói với con nếu ai lì xì thì phải nói cảm ơn, không được mở ra xem vì đó là bất lịch sự. Quan trọng hơn, con không được chê tiền ít vì đây là lì xì để chúc mình gặp nhiều may mắn, mạnh khỏe, học giỏi. Và các bạn đều nghe lời mẹ cho đến giờ”.

Tiền lì xì của hai con dao động hàng năm là 12 triệu đồng nên vợ chồng Quỳnh phải tính toán kỹ lưỡng, trước khi lựa chọn bỏ chúng vào khoản đầu tư nào. Cô cho biết: “Mình không bao giờ tiêu hết sạch tiền lì xì của con, vì đó là bất công với đồng tiền của bạn. Mình luôn trích tiền đóng bảo hiểm nhân thọ cho hai con đầu tiên. Bởi bảo hiểm nhân thọ bao gồm cả yếu tố bảo vệ sức khỏe và tiết kiệm. Giờ trẻ con dễ ốm và tiền viện phí thì không phải rẻ, nên có bảo hiểm nhân thọ sẽ giúp mình yên tâm hơn. Và khi có bảo hiểm, nếu chẳng may con cần dùng dịch vụ y tế, bố mẹ sẽ không phải rút tiết kiệm hoặc bán vàng gấp. Mình cũng góp tiền lì xì để đóng sổ tiết kiệm tạm thời 1 năm, lãi suất không được cao nhưng giá rẻ hơn so với mua vàng hiện giờ”.

Quỳnh cũng chia sẻ rằng, do hai con của cô còn nhỏ nên chưa hiểu rõ tầm quan trọng của đầu tư. Cũng vì thế, các bạn có thể hiểu lầm và cảm thấy buồn nếu như sau Tết Nguyên đán, con không được dùng lì xì.

“Cũng vì thế, mình đưa cho con mỗi đứa 200 ngàn. Mình nói: Đây là tiền từ lì xì, con có thể mua bất cứ đồ gì mà con thích. Nhưng tiền này con tiêu hết là sẽ không lấy lại được. Còn phần tiền lì xì to hơn, mẹ giữ lại và sau này con có thể lấy ra dùng. Với chủ đề tiền bạc, mình nghĩ nên nói đơn giản, dễ hiểu thì con sẽ hiểu được vấn đề và không để bụng”, Quỳnh nói.

Còn Lê Thanh Nam (34 tuổi, Hải Phòng) nhận định: Điều đầu tiên gia đình anh trao đổi là không để con hiểu lầm lì xì là thu nhập của mình, cũng như thấy buồn nếu như nhận được lì xì ít hơn so với những bạn khác.

“Mình giải thích với con lì xì là biểu trưng cho may mắn. Người khác lì xì cho mình thì bố mẹ sẽ lấy tiền đó lì xì cho người khác để may mắn nhân đôi. Chỉ khi nào con làm ra tiền thì mới phải quan tâm đó là con số bao nhiêu, chi tiêu như thế nào. Thế nên, các bạn nhà mình không quan tâm đến lì xì nhiều hay ít nữa. Con cũng không có suy nghĩ rằng lì xì là thu nhập của mình, thành ra muốn giữ khư khư, hoặc nói ‘Sao ít thế ạ?’ khi nhận phong bao từ người khác”, Thanh Nam nêu quan điểm.

“Đưa lì xì đây bố mẹ giữ hộ” - nghe quen quen nhưng hoá ra đây là cách khiến tiền đẻ ra tiền!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Còn về cách dùng lì xì, do tiền mừng tuổi của con không cao, chỉ khoảng 3 triệu đồng nên vợ chồng anh sẽ gộp luôn với tiền thưởng học giỏi, cộng bố mẹ trích thêm để mua vàng tặng các bạn.

Anh chia sẻ: “Nhà mình đã thực hiện được việc mua vàng từ 2 năm rồi. Hy vọng đến khi con học đại học thì bạn cũng có một khoản tiết kiệm nhỏ nhỏ để chi tiêu thêm khi đi học xa nhà”.

Chuyên gia: 2 nguyên tắc khi sử dụng tiền lì xì!

Chị Nguyễn Kim Liên (Chuyên gia có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn đầu tư chứng khoán và quản lý tài chính cá nhân) chia sẻ: Đầu năm mới là dịp rất tốt để cả gia đình cùng nhau nói về “tiền bạc” sau khi các con nhận một khoản tiền khá rủng rỉnh là lì xì.

Hiện nay, các gia đình có rất nhiều cách sử dụng tiền lì xì khác nhau. Những bố mẹ có xu hướng tiết kiệm thì thường dùng để mở sổ tiết kiệm cho con, mua vàng hoặc tích luỹ qua bảo hiểm nhân thọ. Mặt khác, có những phụ huynh thì dùng cho việc chi tiêu hàng ngày như cho con sắm sửa, đóng học phí,... Bên cạnh đó, các sản phẩm tài chính đầu tư đã phổ biến hơn và dễ tiếp cận. Những gia đình có kiến thức tài chính tốt cũng hay hướng dẫn con dùng tiền lì xì đầu tư vào chứng chỉ quỹ, thậm chí cổ phiếu.

Tùy vào tình trạng tài chính khác nhau, mỗi cha mẹ lại có cách sử dụng tiền lì xì phù hợp với gia đình mình. Quan trọng nhất là khi sử dụng khoản tiền này, phụ huynh cần chia sẻ với các bạn mục đích rõ ràng để đạt được sự đồng thuận từ cả hai phía. Dưới đây là 2 nguyên tắc mà phụ huynh nên lưu ý khi chia sẻ cách dùng tiền lì xì với con:

- Nguyên tắc 1: Tôn trọng ý kiến của con

Khi dùng lì xì, nên nhớ là lựa chọn của bố mẹ chưa chắc đã là lựa chọn của con. Bởi kiến thức, trải nghiệm và khẩu vị đầu tư của mỗi người, mỗi thế hệ lại rất khác nhau.

Nhiều khi phụ huynh tự cho mình quyền định đoạt khoản này dẫn tới hình thành ấn tượng không tốt về tiền lì xì đối với con. Nhưng ngược lại, nếu bạn để con tự ý sử dụng khoản tiền lớn mà không có sự hướng dẫn cũng dễ dẫn đến thói quen hoang phí, không coi trọng tiền bạc của con.

“Đưa lì xì đây bố mẹ giữ hộ” - nghe quen quen nhưng hoá ra đây là cách khiến tiền đẻ ra tiền!- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

- Nguyên tắc 2: Hãy để con cùng tính toán các khoản đầu tư

Một sai lầm mà phụ huynh mắc phải đó là suy nghĩ “trẻ con thì biết gì”. Họ không cho con quyền quyết định đến tiền bạc vì sợ dẫn đến tiêu xài phung phí hoặc làm mất tiền.

Tuy nhiên, phụ huynh không nên đặt nặng khi con dùng tiền lì xì thì phải sinh lời. Mà bạn hãy xem chúng là các khoản “học phí”. Mỗi lần bạn và con đưa quyết định đều là một lần con được học hỏi về tiền theo cách trực quan nhất.

Hãy để cho con “tận hưởng” hậu quả của một lần phung phí tiền bạc, cảm giác sung sướng trong ngắn hạn khi mua được món đồ đắt tiền mình thích, rồi sau đó là cảm giác tiếc nuối, hối hận như thế nào khi lại có nhu cầu mua sắm mà trong ví không còn một xu. Thực tế, bạn phải để con được trải qua lúc hết tiền thì trẻ mới thấy quý những khi có tiền.

Tiếp theo, bạn nên cho con trực tiếp tham gia vào quá trình sử dụng những phong bao đỏ này. Bố mẹ có thể cùng con đi mua vàng, mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng và để con tự cất giữ sổ. Hãy cho con theo dõi tài khoản đầu tư để thấy số tiền tăng hay giảm theo biến động của thị trường.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tốt để bạn giải thích cho con những thuật ngữ về tiền bạc tưởng như khô khan như “lãi suất”, “giá mua”, “giá bán”, “vốn”, “lợi nhuận”,… Ban đầu, con có thể không hiểu hết về thuật ngữ nhưng nếu bạn kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại và áp dụng vào tình huống thực tế thì sau cùng con sẽ hiểu ra. Đây là nền tảng giúp con biết cách quản lý tài chính cá nhân tốt sau này.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/dua-li-xi-day-bo-me-giu-ho-nghe-quen-quen-nhung-hoa-ra-day-la-cach-khien-tien-de-ra-tien-a204266.html