![Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư: Cần nhân rộng mô hình thu hút FDI như thu hút Tập đoàn NVIDIA- Ảnh 1. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư: Cần nhân rộng mô hình thu hút FDI như thu hút Tập đoàn NVIDIA- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/11/img7553-1739262759214440790116-1739263254276-17392632549031424772987.jpg)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tổng hợp tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam đã tạo được những bước đi ấn tượng trong việc hợp tác về bán dẫn
Phát biểu tại Hội nghị, Bổ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc triển khai rộng rãi Đề án 06 với tinh thần chỉ đạo của T hủ tướng Chính phủ “Chỉ bàn làm - Không bàn lùi” đã tạo ra những kết quả quan trọng, giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng hạ tầng số, phục vụ cho chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Bên cạnh đó, những thành tựu khoa học công nghệ (KHCN) hiện đại cũng được ứng dụng hiệu quả, đóng góp trực tiếp vào các ngành kinh tế trọng điểm.
Không chỉ vậy, Chính phủ cũng chủ động thúc đẩy các ngành công nghệ cao mới nổi, phù hợp xu hướng của thế giới. Trong đó ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành lĩnh vực quyết định lợi thế cạnh tranh về công nghệ của nhiều quốc gia.
Năm 2024, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về ngành công nghiệp bán dẫn và ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chương trình Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn để kịp thời triển khai các hợp tác, phát triển hệ sinh thái và thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn tại Việt Nam.
“Chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam đã tạo được những bước đi ấn tượng trong việc hợp tác về bán dẫn với các quốc gia, nền kinh tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Châu Âu… và các tập đoàn công nghệ lớn như Cadence, Intel, Qovor, Apple, Marvell, Samsung, Synopsys", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
"Việt Nam cũng được Hoa Kỳ chọn là một trong 6 quốc gia tham gia Đạo luật Chips để phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”, Bộ trưởng cho biết thêm.
Bên cạnh bán dẫn, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng đang dẫn dắt những thay đổi đột phá trên thế giới. Trong xu thế đó, Chính phủ đã sớm chỉ đạo Bộ KH&ĐT giao Trung tâm Đối mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia (NIC) thúc đẩy hợp tác quan trọng với Tập đoàn NVIDIA để hình thành trung tâm nghiên cứu AI tại Việt Nam.
Theo đó, nhiều tập đoàn Microsoft, Google, Qualcomm, Meta tăng cường hợp tác nghiên cứu, ứng dụng AI tại Việt Nam. Các Tập đoàn trong nước như Viettel, VinGroup, FPT, CMC,... cũng chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các dự án, hoạt động nghiên cứu, phát triển về AI.
Về phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ mối liên kết giữa các chủ thể hệ sinh thái với vai trò dẫn dắt của Trung tâm ĐMST Quốc gia, được đánh giá là hệ sinh thái mạnh của khu vực.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam đã bắt đầu chuyển các doanh nghiệp ở nước ngoài về Việt Nam để tối ưu các lợi ích từ hệ sinh thái trong nước . Nhiều dự án KHCN, ĐMST lớn được kết nối, thúc đẩy. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục tăng hạng qua các năm (năm 2024 đứng thứ 44/133 quốc gia, vùng lãnh thổ), khẳng định những chỉ đạo, điều hành phát triển KHCN, ĐMST của Chính phủ là đúng hướng, các cơ quan, đơn vị đang triển khai một cách hiệu quả, mang lại nhiều giá trị, lợi ích.
Trong các năm qua, Việt Nam đang trở thành địa điểm lý tưởng cho nhiều sự kiện quốc tế quan trọng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp như: Triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam, Ngày hội ĐMST quốc gia, Diễn đàn Quỹ đầu tư ĐMST Việt Nam, Triển lãm quốc tế ngành bán dẫn, Techfest, Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam, Hội nghị cấp cao về AI, …
Thông qua các sự kiện, nhiều doanh nghiệp, viện - trường đã có cơ hội kết nối và tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài, cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư, cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng. Theo đó, đã có những mô hình liên kết 3 Nhà hiệu quả, như mô hình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn với sự tham gia của Trung tâm ĐMST Quốc gia, Cadence, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, ĐH Arizona Hoa Kỳ cùng gần 40 trường đại học trong nước.
Hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực được triển khai rộng khắp, riêng hợp tác giữa Trung tâm ĐMST Quốc gia với các tập đoàn lớn như Google, Qualcomm, Intel, Samsung đã cấp hơn 40 nghìn học bổng mỗi năm. Mạng lưới đổi mới sáng tạo được hình thành và quy tụ hàng nghìn chuyên gia, nhà khoa học toàn cầu .
"Những kết quả nêu trên cho thấy những nỗ lực và quyết tâm cao của Việt Nam trong việc thúc đẩy KHCN, ĐMST và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã mang lại những kết quả tích cực, được cộng đồng, đối tác quốc tế đánh giá cao", Bộ trưởng cho hay.
Cơ chế “thử nghiệm” ở Việt Nam chưa phải là công cụ Sandbox đúng nghĩa nhằm giải phóng được năng lực ĐMST quốc gia
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam phải vượt qua. Đầu tiên là về thể chế chính sách.
Đặc biệt, các cơ chế, chính sách về tài chính, ưu đãi thuế, khai thác tài sản công, tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, viện trợ để phục vụ cho phát triển KHCN, ĐMST, thu hút nhân tài còn chưa đổi mới, đáp ứng nhu cầu phát triển, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, chưa khuyến khích, thậm chí còn cản trở cho hoạt động KHCN, ĐMST.
Cơ chế “thử nghiệm” ở Việt Nam chưa phải là công cụ Sandbox đúng nghĩa nhằm giải phóng được năng lực ĐMST quốc gia. Cơ chế thu hút đầu tư xã hội cho KHCN, ĐMST không còn phù hợp với thực tiễn phát triển. Chưa có các quy định về thuế, vay vốn kinh doanh, thành lập doanh nghiệp trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập để thúc đẩy ĐMST.
BIlà hạn chế về tiềm lực để phát triển KHCN, ĐMST, nguồn nhân lực chất lượng cao, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là đội ngũ nhân lực tham gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, hạ tầng phục vụ phát triển KHCN, ĐMST và nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức.
Thứ tư, các tổ chức khoa học, công nghệ công lập chưa được phát triển đúng tầm nhiệm vụ; việc nâng cao năng lực nghiên cứu còn chậm, chưa hiệu quả; thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn gặp rất nhiều vướng mắc do các cơ chế, chính sách quản lý tài sản, tài chính hiện hành chưa theo kịp thực tiễn hoạt động của tổ chức KHCN.
Cuối cùng, đầu tư cho KHCN còn thấp so với nhu cầu thực tế và mức trung bình trong khu vực và trên thế giới, trong đó phần đầu tư dành cho nghiên cứu phát triển, ĐMST khá hạn hẹp và phân tán.
Đề xuất nhân rộng nhân rộng mô hình thu hút FDI như thu hút Tập đoàn NVIDIA
Trong bối cảnh ăm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư kiến nghị, đề xuất cần thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp với những phương hướng triển khai như sau:
Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh rà soát, loại bỏ các “điểm nghẽn” thể chế ngay trong quý I/2025 đối với các Nghị định và quý II/2025 đối với các Luật. Nếu cần thiết, giao cơ quan chủ trì xây dựng Nghị quyết 03/NQ-CP phối hợp các Bộ ngành rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh yêu cầu tiến độ của các nhiệm vụ có tính cấp bách, cần làm ngay.
Cụ thể như: cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực tài chính ngân sách nhà nước, giao quyền tự chủ đối với tài sản công, viện trợ, tài trợ cho KHCN, ĐMST, thu hút, đào tạo nhân tài, nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai, xác định ngay các dự án trọng tâm về KHCN, ĐMST gắn với mục tiêu tăng trưởng của ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng có thế mạnh để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện trong năm 2025.
Thứ ba, nhân rộng mô hình thu hút FDI như thu hút Tập đoàn NVIDIA, tập trung vào dự án đầu tư đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo “luồng xanh” cho việc triển khai dự án, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư để duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trước mắt tập trung vào giáo dục đại học, đào tạo ngắn hạn; thí điểm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học theo gói cam kết đầu ra (KPI) với chính sách học bổng toàn phần cho học viên sau đại học và yêu cầu phải có doanh nghiệp đồng hành.
Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy kết nối sâu rộng tầm khu vực và quốc tế về KHCN, ĐMST để truyền thông, thu hút nhân tài người Việt trên toàn thế giới đóng góp vào sự phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học…; khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho thế hệ trẻ tham gia học các ngành STEM.