Khi lễ hội Thaipusam đang đến, các tín đồ đạo Hindu ở Malaysia đang phải chịu cảnh giá dừa tăng vọt, tăng gần 50%, để dâng lễ vật lên Thần Murugan, theo tờ NST (Malaysia).
Mặc dù tăng mạnh, nhu cầu về dừa vẫn ổn định, nhấn mạnh ý nghĩa tâm linh sâu sắc của lễ hội và cam kết của cộng đồng đối với truyền thống.
Giá tăng do tình trạng thiếu hụt dừa ở nước này đã khiến các nhà cung cấp phải tăng giá.
V. Kumar, một chủ doanh nghiệp điều hành một công ty tư vấn tài chính tại Jalan Ipoh, luôn thực hiện lời thề đập vỡ 1.008 quả dừa.
Kumar, 43 tuổi, cho biết anh và đối tác kinh doanh đã thực hiện việc đập dừa để dâng lên Thần Muruga trong lễ hội Thaipusam từ năm 2016. Ông cho biết thêm rằng tổng chi phí mua dừa năm nay là 2.800 RM (khoảng 16,8 triệu đồng) so với mức khoảng 2.100 RM mà ông đã trả vào năm ngoái.
Đối với người Hindu, việc đập vỡ một quả dừa tượng trưng cho "sự phá vỡ bản ngã để lộ ra sự trong sáng bên trong". Rất nhiều tín đồ, bao gồm gia đình và bạn bè sẽ cùng tham gia vui chơi bằng cách đập vỡ những quả dừa trước cỗ xe khi nó di chuyển đến Động Batu.
R. Vikneswaran, 40 tuổi, cho biết anh cũng trả giá cao hơn cho 108 quả dừa của mình so với những năm trước. Giá lên 2,80 RM (khoảng 16.800 đồng) mỗi quả, thay vì 1,70 RM hoặc 1,80 RM như trước đây.
Trong khi đó, người quản lý Đền Sri Maha Mariamman Devasthanam (SMMTD), Datuk N. Sivakumar, nói rằng giá dừa có thể lên tới 4 RM (24.000 đồng) hoặc hơn mỗi quả khi lễ hội đến gần.
Ông nói quyết định có muốn mua dừa với giá cao hơn hay không sẽ tùy thuộc vào các tín đồ.
Cũng theo NST, ông NV Subbarow, cán bộ giáo dục của Hiệp hội người tiêu dùng Penang (CAP), cho biết giá dừa địa phương đã tăng vọt kể, so với mức trung bình trước đó là 2,50 - 2,60 RM (đến 15.600 đồng)/quả dừa.
"Một cuộc khảo sát ngẫu nhiên cho thấy giá cao nhất cho một quả dừa cho đến nay là RM3,90. Dừa nhập khẩu từ Indonesia cũng đang được bán với giá lên tới RM3 (18.000 đồng) mỗi quả”.
NV Subbarow vị này cho biết các nhà sản xuất địa phương xác nhận sản lượng dừa tại các trang trại đang giảm, một vấn đề đã tồn tại từ tháng 5 năm ngoái.
Malaysia thiếu dừa do điều kiện thời tiết
Trong khi đó, chủ sở hữu của Anba Coconut Trading Sdn Bhd, P. Sarasvathy, 66 tuổi, cho biết hiện bà chỉ nhận được 2.000 đến 2.500 quả dừa sau mỗi hai ngày - giảm mạnh từ 80 đến 90% so với mức cung trước đó.
“Trước đây, cứ hai ngày chúng tôi lại thu được 10.000 đến 15.000 quả dừa và có thể bán đến tận tối muộn. Nhưng bây giờ, đến trưa, cửa hàng của chúng tôi đã đóng cửa”, bà chủ doanh nghiệp Anba nói.
Hiệp hội người tiêu dùng Penang cho biết đã yêu cầu cơ quan nông nghiệp, đặc biệt là các chuyên gia nghiên cứu cây trồng, tìm giải pháp cho vấn đề sản xuất dừa đang ngày càng trầm trọng ở Malaysia.
"Cho đến nay, chúng tôi đã được thông báo rằng thời tiết khó lường là nguyên nhân chính. Chúng tôi muốn biết thêm nông dân có thể thực hiện những biện pháp nào để giải quyết vấn đề sản xuất này", ông NV Subbarow của Hiệp hội người tiêu dùng Penang nói.
Trong khi đó, dừa là một nông sản xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cho biết dừa là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (gồm các cây: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa).
Dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao, từ con số khiêm tốn 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010, ngành dừa phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh được mệnh danh “thủ phủ dừa” của cả nước với diện tích trồng trên 80.000ha, chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước.
Sản phẩm dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 133 mã số vùng trồng dừa với diện tích hơn 8.300ha. Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc.