8 ngân hàng giảm gần 2.500 nhân sự: "Chúng ta không còn cần nhiều giao dịch viên như trước, nay một người có thể kiêm nhiều việc!"

"Những công việc giản đơn đang dần bị loại bỏ, và cùng một chức vụ nhưng có thể kiêm nhiệm nhiều việc hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ. Chúng ta không cần quá nhiều giao dịch viên như trước, chỉ cần số lượng ít hơn nhưng phục vụ cùng một lượng khách hàng tương đương", chuyên gia nói.

TS. Châu Đình Linh
TS. Châu Đình Linh
Giảng viên trường Đại học Ngân hàng TPHCM
54 bài viết
Đối với đầu tư chứng khoán nói chung và để có hiệu quả, các nhà đầu tư phải phân tích rất khoa học về môi trường đầu tư, rủi ro có thể xảy ra trong thời gian đầu tư. Tóm lại, đầu tư chứng khoán là hành vi có cân nhắc cao và sự am hiểu.
Tại: Cách nào phân tán rủi ro?
Hiện đang có những điểm sáng có thể giúp tăng trưởng tín dụng, khi khả năng hấp thụ vốn sẽ dần tốt hơn từ nay tới cuối năm
Tại: Điểm sáng cho tăng trưởng tín dụng cuối năm

Nhiều ngân hàng giảm nhân sự, không còn tuyển dụng “ồ ạt”

Kết thúc năm 2024, BIDV vẫn là ngân hàng có số lượng nhân viên lớn nhất, với 26.069 người. Tuy nhiên, trái với xu hướng tuyển dụng số lượng lớn diễn ra 2 năm trước đó, khi tăng trưởng khoảng 2.800 nhân sự/năm, trong năm 2024, ngân hàng này đã cắt giảm đến 1.107 nhân sự. Đây cũng là đợt cắt giảm nhân sự mạnh nhất của BIDV trong gần một thập kỷ qua, kể từ năm 2017 (giảm 200 người).

Cũng trong năm 2024, 3 trong 11 ngân hàng có quy mô hơn 10.000 nhân viên đã tiến hành tinh giảm nhân sự. Báo cáo tài chính quý 4/2024 của Sacombank cho thấy, quy mô nhân sự của ngân hàng cuối năm 2024 là 17.058 người, giảm tới 354 người so với cuối năm 2023. So với quy mô lớn nhất vào năm 2019, Sacombank giảm hơn 1.000 nhân sự trong 5 năm qua. Tương tự, ACB cũng đã giảm 377 nhân sự, còn 12.847 người; VIB ghi nhận 476 nhân viên nghỉ việc, còn 11.323 người.

Ở quy mô nhân sự dưới 10.000 người, TPBank, Nam A Bank, ABBank, Kienlongbank cũng đã cắt giảm từ 50 đến 60 người trong năm qua.

Các ngân hàng còn lại ghi nhận tăng trưởng về số lượng nhân sự, tuy nhiên ngoại trừ MB (tăng 1.674 người), VPBank (tăng 1.404 người), HDBank (tăng 965 người), Vietcombank (tăng 796 người), số lượng nhân viên tăng thêm ở các nhà băng khác tương đối khiêm tốn, chỉ khoảng 200 - 300 người.

Đáng chú ý, một số nhà băng đang “ăn lên làm ra” trong năm nay cũng tuyển thêm rất ít nhân sự, như VietinBank chỉ tăng 159 người, Techcombank tăng 149 người.

Có thể thấy trong năm 2024, các ngân hàng không còn ồ ạt tuyển dụng số lượng lớn như các năm trước, thay vào đó quy mô nhân sự có xu hướng giảm hoặc đi ngang. Một số đơn vị tuyển thêm nhân sự, tuy nhiên số lượng không đáng kể, hầu hết dưới 1.000 người.

8 ngân hàng giảm gần 2.500 nhân sự:

Biến động nhân sự các ngân hàng năm 2024. Nguồn: BCTC riêng lẻ, Tổng hợp: Linh San

Giảm nhân sự nhưng vẫn thu lợi nhuận “khủng”

Dù quy mô nhân sự giảm, các nhà băng lại cho thấy họ đang hoạt động hiệu quả hơn, kinh doanh tốt hơn khi liên tục báo lợi nhuận khủng.

BIDV giảm hơn 1.000 nhân viên, nhưng trong năm 2024, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng đạt 30.006 tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD), tăng trưởng 12,4% so với năm 2023. Báo cáo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh doanh năm 2025, Ban lãnh đạo BIDV cho biết, tính đến hết 31/12/2024, các chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng đều đạt và vượt kế hoạch NHNN và Đại hội đồng cổ đông giao.

Tương tự với Sacombank giảm gần 400 nhân viên, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế trong quý 4/2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ và cả năm 2024 ước đạt trên 12.700 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay và vượt chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao.

Techcombank tuyển thêm chưa đến 200 nhân sự, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 27.500 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của ngân hàng này và vượt kế hoạch được giao (27.100 tỷ đồng).

ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 21.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt gần 7.600 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2023…các ngân hàng này đều hoạt động với quy mô nhân sự giảm khoảng 300 - 400 người.

Xu hướng tất yếu của ngành ngân hàng trước làn sóng "AI"

TS. Châu Đình Linh, sáng lập và điều hành trường Quản trị & Lãnh đạo SSB, giảng viên tại trường Đại học Ngân Hàng TPHCM cho rằng, xu hướng trên là điều tất yếu, không chỉ là ngành ngân hàng mà tất cả các ngành khác. Một tổ chức hiệu quả là khi giữ nguyên đầu ra nhưng tối thiểu hóa đầu vào hoặc tối đa hóa đầu ra với cùng một lượng đầu vào. Một số ngân hàng áp dụng cả hai, nghĩa là cùng một kết quả nhưng với ít nhân sự hơn, giúp tinh gọn bộ máy, tối ưu chi phí và nâng cao tỷ suất sinh lợi. Doanh thu của ngân hàng đến từ lãi và phi lãi, trừ đi chi phí hoạt động và nhân sự, nên khi cắt giảm hợp lý, tỷ suất lợi nhuận sẽ tăng.

Thứ hai là sự chuyển đổi của mô hình ngân hàng từ truyền thống sang ngân hàng số và một loạt ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) hay các công nghệ khác hiệu quả hơn. Những công việc giản đơn dần bị loại bỏ, rồi cùng một chức vụ nhưng có thể kiêm nhiệm nhiều việc hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ.

Chúng ta không cần quá nhiều giao dịch viên như trước, chỉ cần số lượng ít hơn nhưng phục vụ cùng một lượng khách hàng tương đương, nhờ vào công nghệ. Các máy giao dịch ngân hàng hiện đại kết nối trực tiếp với trung tâm, giúp một nơi có thể xử lý giao dịch cho nhiều khu vực khác nhau, nâng cao hiệu quả.

Tiếp theo là yếu tố dịch chuyển trong ngành ngân hàng. Theo TS. Châu Đình Linh, các ngân hàng hướng tới những hoạt động tài chính phức tạp hơn, trong khi các hoạt động đơn giản dần được chuyển sang các công ty khác. Vì vậy, số lượng nhân sự có thể giảm nhưng chất lượng nhân sự lại tăng, không phải chỉ là cắt giảm một cách cơ học.

Tháng 6/2024, một báo cáo của Citigroup nhận định rằng AI có khả năng thay thế nhiều việc làm trong ngành ngân hàng hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Công ty này ước tính khoảng 54% vị trí trong ngành ngân hàng có nguy cơ cao bị tự động hóa.

Với sự phát triển không ngừng, hiện hầu hết các nghiệp vụ ngân hàng đều có thể ứng dụng AI để xử lý, từ khối hành chính như tự động điền biểu mẫu, phân tích dữ liệu, phát hiện gian lận, đề xuất sản phẩm dựa trên lịch sử giao dịch, hay khối vận hàng như sinh trắc học để xác thực, trợ lý ảo hỗ trợ khách hàng, tự động hóa quy trình xử lý tài liệu,...nhờ vậy ngân hàng hoàn toàn có thể hoạt động hiệu quả hơn với quy mô tinh gọn hơn.

Báo cáo của DxReports cũng cho thấy AI có thể mang lại giá trị từ 200–340 tỷ USD cho ngành tài chính - ngân hàng, chiếm 3 – 5% tổng doanh thu toàn ngành. Đây là mức tác động lớn nhất trong các lĩnh vực ứng dụng AI, chỉ sau ngành công nghệ. Ngân hàng cũng thuộc nhóm tiên phong về mức độ trưởng thành của AI, với 85% tổ chức tài chính đã có chiến lược AI cụ thể và hơn 59% nhân viên thường xuyên sử dụng AI trong công việc hàng ngày.

Theo nghiên cứu của Market and Research, AI trong thị trường ngân hàng được ước tính sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 17,96%, đạt 75,357 tỷ USD vào năm 2030, từ mức 32,988 tỷ USD vào năm 2025.

Mặc dù AI mang lại hiệu suất vượt trội, nhưng trên thực tế, phần lớn chi phí hoạt động của các ngân hàng vẫn đến từ nhân sự. Theo IBM, từ năm 2007 đến 2023, tỷ lệ chi phí hoạt động dành cho lương và phúc lợi của nhân viên toàn cầu đã tăng từ 50% lên 54,6%, trong khi chi tiêu cho công nghệ và viễn thông chỉ tăng nhẹ từ 6% lên 6,6%.

Tuy nhiên, với tiềm năng đáng kể của AI, tình hình này có thể khác đi trong tương lai. Kinh phí của các ngân hàng cho GenAI được dự đoán sẽ tăng lên 85 tỷ USD vào năm 2030, tăng mạnh so với mức 6 tỷ USD năm 2024, đánh dấu mức đầu tư tăng hơn 1.400%, theo Juniper Research. Do đó, nhằm giảm chi phí cho nhân sự và gia tăng đầu tư, áp dụng AI, trong thời gian tới, rất có thể các ngân hàng sẽ tiếp tục mạnh tay cắt giảm nhân sự. 

Ở góc nhìn lạc quan hơn, nhiều chuyên gia cho rằng sự phát triển AI sẽ tạo ra xu hướng "thay thế vai trò" chứ không phải "thay thế hoàn toàn" con người và việc ngân hàng áp dụng công cụ trí tuệ nhân tạo thậm chí tạo ra nhiều việc làm hơn. 


Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/8-ngan-hang-giam-gan-2500-nhan-su-chung-ta-khong-con-can-nhieu-giao-dich-vien-nhu-truoc-nay-mot-nguoi-co-the-kiem-nhieu-viec-a204593.html