Lý do nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động

Trong bối cảnh giá vàng, USD tăng liên tục gây áp lực lên lãi suất, nhiều ngân hàng chủ động điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Ngày 13/2, Ngân hàng Viet A Bank điều chỉnh tăng lãi suất huy động . Theo đó, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng thêm 0,1%/năm. Hiện, lãi suất huy động cao nhất tại Viet A Bank tăng lên 6,1%/năm.

Cụ thể, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12-13 tháng mới nhất khi gửi tiết kiệm trực tuyến, lĩnh lãi cuối kỳ tại Viet A Banknày là 5,8%/năm. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 15 tháng cũng đã tăng lên mức 5,9%/năm. Lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 18 và 24 tháng chính thức chạm ngưỡng 6%/năm sau khi tăng thêm 0,1%/năm. Lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 36 tháng đang ở mức cao nhất theo biểu lãi suất huy động của ngân hàng này, lên đến 6,1%/năm.

Lý do nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động- Ảnh 1.

Lãi suất huy động ngân hàng tiếp tục tăng từ đầu năm 2025 (ảnh: Như Ý).

Trong tháng 2, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã áp dụng biểu lãi suất tăng ở một số kỳ hạn. Đối với hình thức gửi tiết kiệm ở quầy, lãi suất tiền gửi cao nhất ở BIDV là 4,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24-36 tháng, tăng 0,1% so với trước.

Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 12-18 tháng được giữ nguyên 4,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 1-2 tháng cũng không thay đổi, vẫn được niêm yết 1,7%/năm.

Cũng trong tháng 2, ngân hàng Techcombank và Eximbank cũng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn.

Làn sóng tăng lãi suất huy động diễn ra từ tháng 4/2024 nhưng mức độ tăng giữa các ngân hàng là khác nhau và chưa mạnh mẽ. Hiện, mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng ở mức trên 6%/năm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước , từ ngày 3-7/2, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm tăng 0,6%/năm lên mức 4,77%/năm với giao dịch bằng VNĐ.

Theo báo cáo mới nhất từ Công ty Chứng khoán MBS, trong tháng 1 có 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,9%. Xu hướng tăng lãi suất này chủ yếu xuất hiện ở các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, các ngân hàng này chuẩn bị nguồn vốn lớn để đáp ứng kế hoạch tín dụng năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành khoảng 16%.

“Các ngân hàng cần tập trung đẩy mạnh tín dụng và huy động vốn ngay từ đầu năm để đạt được mục tiêu đề ra”, báo cáo của MBS viết.

MBS cho rằng, dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bị hạn chế hơn so với dự kiến dưới áp lực của đồng USD mạnh lên. Trong kịch bản đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cần áp dụng một lập trường chính sách tiền tệ thận trọng hơn, để kiểm soát sự ổn định của tỷ giá, đồng nghĩa với việc dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ có thể bị hạn chế.

Ông Nguyễn Hữu Huân - chuyên gia đến từ Đại học Kinh tế TP HCM - cho rằng, chính sách thuế của ông Trump xoay quanh phát triển kinh tế của Mỹ nhiều hơn, làm cho USD tăng giá trở lại.

Với tác động từ tình hình thế giới, ông Huân cho rằng lãi suất trong nước khó giảm. Do chính sách thận trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, việc giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tương đối khó trong thời gian tới. Thực tế, Việt Nam đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng khá lâu, ở một nền lãi suất thấp, lạm phát cũng sẵn sàng ở mức 3,7- 4%. Vậy nên, Ngân hàng Nhà nước không có nhiều dư địa để hạ lãi suất nữa.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/ly-do-nhieu-ngan-hang-tang-lai-suat-huy-dong-a204669.html