Động thái mới từ Pi Network
Ra đời vào năm 2019, Pi Network đã thu hút sự quan tâm lớn tại Việt Nam từ đầu năm 2021 nhờ cơ chế "đào" miễn phí qua ứng dụng trên điện thoại. Người dùng có thể sở hữu tiền ảo Pi miễn phí bằng cách vào ứng dụng trên điện thoại điểm danh mỗi ngày. Tuy nhiên, dự án này cũng gây ra nhiều tranh cãi về tính minh bạch và rủi ro pháp lý.
Tuy nhiên, trong suốt những năm qua, Pi Network đã khiến nhiều chuyên gia blockchain đặt dấu hỏi lớn về tính minh bạch của dự án. Không ít ý kiến lo ngại rằng đây có thể là một mô hình thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng hơn là một hệ sinh thái tiền mã hóa thực sự. Việc yêu cầu xác minh danh tính rộng rãi, trong khi chưa có cơ chế giao dịch minh bạch, càng làm dấy lên nghi vấn về mục đích thực sự của dự án.
Pi Network đã đưa ra thông báo về quá trình Open Network.
Dự án Pi Network cũng vấp phải nhiều tranh cãi khi liên tục trì hoãn quá trình mở mạng. Trong suốt một thời gian dài, đội ngũ phát triển duy trì mô hình mainnet kín, tức là chỉ cho phép những người đào Pi giao dịch nội bộ với nhau mà chưa thể kết nối với các sàn giao dịch lớn hay các mạng blockchain khác.
Điều này làm dấy lên nghi vấn về tính thanh khoản thực sự của đồng Pi, cũng như khả năng ứng dụng của nó trong thực tế.
Sáng 12/2, đội ngũ Pi Network đã đưa ra thông báo về quá trình Open Network (mở mạng) đối với đồng tiền ảo này.
"Gửi đến cộng đồng đào Pi, quá trình Open Network (mở mạng) của Mainnet (mạng chính thức) sẽ diễn ra vào 15h ngày 20/2/2025 giờ Việt Nam. Với hàng triệu người trong cộng đồng Pi đã xác thực danh tính và hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, quá trình Open Network sẽ cho phép cộng đồng kết nối với các mạng bên ngoài."
"Nhờ sự nỗ lực và cam kết của cộng đồng Pi trong 6 năm qua, chúng tôi đang thực hiện bước tiến lớn tiếp theo trong việc hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng hệ sinh thái ngang hàng và trải nghiệm trực tuyến toàn diện", Pi Network thông báo trên mạng xã hội X và cả ứng dụng Pi Network.
Pi Network cho biết đã đạt 10,14 triệu lượt di chuyển Mainnet (mạng chính thức), vượt mục tiêu ban đầu là 10 triệu. Dự án cũng đã có hơn 19 triệu người đã xác minh danh tính (KYC). Sau tin tức trên, giá Pi trên thị trường IOU được giao dịch ở mức 85,08 USD, tăng hơn 70%.
Động thái của Pi Netwwork được xem là tin vui đối với những người đã khai thác Pi trong suốt 6 năm qua. Các cộng đồng về Pi Network trên mạng xã hội đa số đều cho thấy sự phấn khích đối với thông tin trên.
Nguy cơ bị lừa đảo rất cao
Tuy nhiên, từ góc độ pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch công ty TAT Law Firm cho rằng Pi Network tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng. Ông Tú thông tin, hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tiền ảo, bao gồm Pi Network, không được công nhận là tài sản hay phương tiện thanh toán hợp pháp.
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định chỉ có đồng Việt Nam và một số phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt như séc, lệnh chi, thẻ ngân hàng mới được pháp luật thừa nhận. Như vậy, việc sử dụng Pi để thanh toán hàng hóa, dịch vụ là trái pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP, với mức phạt lên đến 400 triệu đồng.
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch công ty TAT Law Firm.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự 2015 chỉ công nhận các loại tài sản có giá trị xác định được theo luật, trong khi tiền ảo như Pi chưa được đưa vào danh mục tài sản theo quy định pháp luật. Việc giao dịch, mua bán hoặc sử dụng Pi Network làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Ngoài ra, ông Tú chỉ ra rằng, do Pi chưa được pháp luật công nhận, các giao dịch mua bán, trao đổi Pi đều không được bảo vệ, dẫn đến nguy cơ bị lừa đảo rất cao. Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc lợi dụng Pi để huy động vốn theo mô hình đa cấp, hứa hẹn lợi nhuận cao nhằm chiếm đoạt tài sản của người tham gia. Khi giao dịch Pi, nếu bị lừa đảo, người bị hại sẽ rất khó đòi lại tài sản do không có cơ sở pháp lý để kiện tụng.
Đã có nhiều vụ việc lợi dụng Pi để huy động vốn theo mô hình đa cấp.
Đặc biệt, những cá nhân kêu gọi đầu tư vào Pi theo mô hình đa cấp, cam kết lợi nhuận hoặc bán Pi để đổi lấy tài sản khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc tội "Sử dụng mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản" theo Điều 290 Bộ luật Hình sự, với mức phạt có thể lên đến tù chung thân nếu chiếm đoạt số tiền lớn. Vì vậy, người dân cần hết sức thận trọng và cân nhắc kỹ trước khi tham gia giao dịch Pi.
Chủ tịch TAT Law Firm khuyến nghị người dân cần nâng cao nhận thức và thận trọng khi tham gia vào các giao dịch liên quan đến Pi hoặc các loại tiền ảo khác. Ngoài ra, cần hết sức cảnh giác với những lời quảng cáo hứa hẹn rằng "Pi có thể rút tiền mặt trong tương lai" hoặc "đầu tư Pi sẽ sinh lợi nhuận lớn", vì đây có thể là những chiêu trò lừa đảo.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law, trong trường hợp nhà đầu tư bị lừa đảo hoặc mất tiền mã hóa, việc yêu cầu bồi thường gặp nhiều khó khăn do tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận là tài sản hoặc hàng hóa.
Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, nhà đầu tư có thể dựa vào một số cơ sở pháp lý hiện hành. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người gây thiệt hại có nghĩa vụ bồi thường nếu có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Nếu tranh chấp phát sinh trong bối cảnh hợp đồng, nhà đầu tư có thể yêu cầu bồi thường theo các quy định về vi phạm hợp đồng tại Bộ luật Dân sự.
Ngoài ra, nếu hành vi lừa đảo liên quan đến giao dịch điện tử, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có thể được viện dẫn. Tuy nhiên, những quy định này vẫn còn nhiều hạn chế do tiền mã hóa chưa được pháp luật điều chỉnh rõ ràng. Việc xác định danh tính kẻ gian và giá trị bồi thường cũng gặp nhiều trở ngại do tính ẩn danh và biến động giá trị của tiền mã hóa.
UBCKNN đã có khuyến cáo đối với nhà đầu tư về việc hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về các dạng tài sản số, tiền mã hóa. Trong đó chỉ rõ, các loại tiền kỹ thuật số như Pi, USDT, BUSD,.. không phải là chứng khoán và việc mua bán các loại tiền kỹ thuật số nêu trên của nhà đầu tư chưa được pháp luật quy định.
Năm 2023, Bộ Công an từng phát đi thông báo đã phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi. Theo đánh giá, các hoạt động xoay quanh Pi tại Việt Nam có dấu hiệu của mô hình kinh doanh đa cấp, tiềm ẩn rủi ro cao, do đó người dân cần thận trọng trước các lời mời gọi tham gia.
Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/pi-network-tiem-an-nhieu-rui-ro-nghiem-trong-a204681.html