ĐHCĐ ABBank 2025: Nhiều bộ phận giảm 30 - 40% nhân sự, lợi nhuận mục tiêu đạt tối thiểu 1.800 tỷ

Sáng nay (18/4), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.

ĐHCĐ ABBank 2025: Nhiều bộ phận giảm 30 - 40% nhân sự, lợi nhuận mục tiêu đạt tối thiểu 1.800 tỷ- Ảnh 1.

Toàn cảnh Đại hội

Kế hoạch lợi nhuận đạt 1.800 tỷ đồng

Tại Đại hội, ABBank xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 131% so với năm 2024. Tổng tài sản dự kiến tăng 13% đạt 200.000 tỷ đồng; huy động từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 115.458 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2024; Dự nợ tín dụng bao gồm dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp dự kiến tăng 16% và sẽ được điều chỉnh theo room tín dụng được NHNN cho phép theo từng thời kỳ; Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở dưới mức 3%.

ĐHCĐ ABBank 2025: Nhiều bộ phận giảm 30 - 40% nhân sự, lợi nhuận mục tiêu đạt tối thiểu 1.800 tỷ- Ảnh 2.

Trước đó, năm 2024, chỉ tiêu tổng tài sản của ngân hàng vượt mức kế hoạch, các chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng và huy động đạt xấp xỉ mức kế hoạch đặt ra. Riêng chỉ tiêu Lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt gần 78% mức kế hoạch nhưng so với mức thực hiện năm 2023 đã có sự tăng trưởng cao ở mức 51,7%.

Theo Ban lãnh đạo ngân hàng, kết quả lợi nhuận của ABBank năm 2024 chưa đạt kế hoạch do ĐHCĐ đề ra có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó phải kể đến là nợ xấu phát sinh tăng đẩy chi phí trích lập dự phòng lên cao là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sụt giảm lợi nhuận; hiệu quả hoạt động của bộ máy còn hạn chế; năng lực xây dựng, tổ chức thực thi các giải pháp kinh doanh và kiểm soát rủi ro còn nhiều bất cập, hạn chế …

Sẽ tinh giản nhân sự trên toàn hệ thống

Lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ triển khai và hoàn thành việc rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức Hội sở. Trong đó, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở sắp xếp lại các chức năng/nhóm chức năng của các Khối/Ban hiện tại; sắp xếp, tinh giảm nhân sự một cách có hiệu quả.

Đồng thời, ABBank sẽ thu gọn số lượng đầu mối Hội sở đồng thời giảm các tầng nấc trung gian từ Hội sở xuống các đơn vị kinh doanh. Ngân hàng sẽ gắn trách nhiệm của các Đơn vị Hội sở với kết quả kinh doanh của ABBank và trách nhiệm liên đới của các Đơn vị, bộ phận vận hành, hỗ trợ đối với kết quả kinh doanh khi đánh giá, chi trả thu nhập, đãi ngộ để tăng cường sự hỗ trợ, kiểm soát của các đơn vị Hội sở đóng góp thiết thực vào kết quả kinh doanh.

ABBank cũng tổ chức lại mô hình mạng lưới bán hàng cho phù hợp với thực tiễn của ABBank, khắc phục các yếu kém, hạn chế, bất cập hiện tại.

Bên cạnh đó, nhà băng này sẽ rà soát tinh giản nhân sự trên toàn hệ thống nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bố trí nhân sự phù hợp với tổ chức bộ máy đã được điều chỉnh tinh gọn; đồng thời bảo đảm đủ nguồn nhân lực cần cho phát triển kinh doanh. ABBank sẽ giao chỉ tiêu, đánh giá gắn với thực hiện chính sách đãi ngộ nhằm bảo đảm công bằng theo kết quả, đóng góp thực tế, tâm huyết và trách nhiệm của CBNV, mang lại niềm tin, sự khích lệ và tinh thần cống hiến của đội ngũ CBNV; thay thế nhân sự có hiệu quả làm việc và đóng góp thực tế thấp.

Trước đó, quy mô nhân sự của ABBank cũng đã giảm trong năm 2024. Theo báo cáo tài chính, cuối năm 2024, ngân hàng hợp nhất ABBank có 4.357 nhân sự, giảm 71 người so với năm 2023. Trong đó, nhân sự ngân hàng mẹ là 3.709 người, giảm 51 người.

HĐQT ABBank cũng nêu nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác trong năm nay như tiếp tục Đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng hệ sinh thái số; Ưu tiên nguồn lực và nâng cao hiệu quả kiểm soát, đôn đốc, thu hồi và xử lý nợ xấu; Nâng cao năng lực và chất lượng đánh giá, thẩm định và phê duyệt tín dụng,….

Chưa có kế hoạch trả cổ tức

Trong tờ trình về việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2024, HĐQT ABBank cho biết lợi nhuận sau thuế của ngân hàng trong năm 2024 là 627,2 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 470,4 tỷ đồng. Cùng với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng là gần 1.841 tỷ đồng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBank đang là 2.311 tỷ đồng.

HĐQT có đề xuất sẽ để lại toàn bộ/chưa phân phối số lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2024 sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.

Bầu 2 nhân sự mới vào HĐQT

Tại Đại hội, ABBank sẽ trình cổ đông việc miễn nhiệm và bầu thay thế thành viên HĐQT.

Cụ thể, Đại hội đồng Cổ đông ABBank ngày 28/4/2023 đã thông qua số lượng thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2023 – 2027 gồm 07 thành viên, đồng thời thông qua việc bầu các nhân sự sau: Ông Đào Mạnh Kháng, Ông Vũ Văn Tiền, Ông John Chong Eng Chuan, Ông Foong Seong Yew, Ông Nguyễn Danh Lương, Bà Đỗ Thị Nhung và Ông Trần Bá Vinh giữ chức danh Thành viên HĐQT ABBank nhiệm kỳ 2023 - 2027.

Ngày 05/01/2025, Malayan Banking Berhad (Maybank) - cổ đông nước ngoài sở hữu 16,394% vốn cổ phần tại ABBank đã có văn bản gửi ABBank thông báo đề cử Ông Syed Ahmad Taufik Albar ứng cử làm Thành viên HĐQT ABBank nhiệm kỳ 2023-2027 và làm người đại diện 50% vốn của Maybank tại ABBank thay thế Ông John Chong Eng Chuan, hiệu lực ngay sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan.

Đồng thời, ngày 16/01/2025 Ông Trần Bá Vinh - Thành viên độc lập HĐQT đã có Đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân, hiệu lực kể từ thời điểm Đại hội đồng Cổ đông ABBank thông qua việc miễn nhiệm.

Ngân hàng sẽ bầu 2 nhân sự mới vào HĐQT. Danh sách dự kiến gồm có ông Syed Ahmad Taufik Albar và ông Trịnh Thanh Hải. Trong đó, ông Syed Ahmad Taufik Albar đại diện cho Maybank. Ông Trịnh Thanh Hải dự kiến làm thành viên độc lập HĐQT, hiện ông là Thành viên độc lập HĐQT kiêm Chủ tịch Ủy ban kiểm tra Công ty CP Đầu tư Văn Phú; Thành viên HĐQT không điều hành Quỹ Đầu tư Vinacapital Vietnam Opportunity (VOF).

Ngoài các nội dung trên, ABBank cũng sẽ xin ý kiến cổ đông một số vấn đề khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ thường niên.

Phần trả lời câu hỏi cổ đông:

Cổ đông: Đề nghị ngân hàng đẩy mạnh phát triển nhân sự, quy mô, tăng vốn và thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch Đào Mạnh Kháng: Về vốn con người, chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng con người là tài sản quý giá nhất. Định giá tài sản vật chất dễ dàng hơn định giá con người, bởi trí tuệ và đạo đức của nhân sự là vô giá. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào đội ngũ nhân chất chất lượng cao để nâng cao tầm giá trị của tổ chức.

Về việc mở rộng chi nhánh, trong bối cảnh công nghệ phát triển, việc mở chi nhánh địa lý cần được cân nhắc kỹ năng để tránh chi phí cao. Hiện nay, ứng dụng công nghệ giúp tiếp cận khách hàng nhanh hơn và mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận ý kiến của cổ đông.

Về cổ đông chiến lược nước ngoài, hiện Ngân hàng An Bình đã có cổ đông lớn là Maybank – một ngân hàng hàng đầu của Malaysia. Ý kiến của bác về việc mời thêm cổ đông từ Nhật Bản và Hàn Quốc rất có giá trị. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để tận dụng cơ hội từ các trường này, nơi có nhiều tổ chức tài chính quan tâm đến Việt Nam.

Cổ đông: Đề nghị ngân hàng tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số và giảm chi phí vận hành.

Phó Chủ tịch Vũ Văn Tiền: Năm vừa qua, ngân hàng đối mặt với nhiều khó khăn khách quan, từ tình hình chiến tranh đến các vấn đề kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Hội đồng Quản trị luôn xác định đây là cơ hội để thay đổi và phát triển. Là một trong những cổ đông sáng lập từ khi ngân hàng chỉ có vốn 1 tỷ đồng, từ một ngân hàng nông thôn chuyển đổi thành ngân hàng đô thị, tôi luôn trăn trở về việc chưa đáp ứng được kỳ vọng của cổ đông, đặc biệt trong vấn đề chia cổ tức.

Với cương vị của mình, chỉ đạo xuyên suốt trong suốt của tôi là làm gì thì làm nhưng trước hết phải đảm bảo an toàn, tránh rủi ro. Nhân cơ hội đất nước đang đẩy mạnh tin gọn, chúng ta cũng nhìn nhận mô hình tổ chức hiện hữu của chúng ta đã lạc hậu và có tính chất bảo thủ, dẫn tới hiệu quả không cao, đông mà không mạnh.

Báo cáo với đại hội là chúng tôi rất mạnh mẽ tinh giảm bộ máy, có nhưng bộ phận tinh giảm 30 - 40%, không thể để một số bộ phận đông người mà hoạt động không hiệu quả. Vì trong thời đại mới, thời đại số hóa, một người có thể làm việc bằng phần trăm người trước đây. 

Báo cáo đại hội của đông đông là chúng ta đã có công cụ, chúng ta đã chuẩn bị về ý chí rồi và mô hình về tổ chức để thực hiện và chắc chắn năm nay sẽ thành công. Việc tuyển dụng sẽ dựa trên nhu cầu công việc cụ thể, ưu tiên giao việc đúng người, đúng năng lực để đạt hiệu quả cao nhất.

Cái thứ hai nữa là Ban điều hành cần năng động, sáng tạo, nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước, học hỏi từ các tổ chức khác để quản trị ngân hàng hiệu quả hơn.

Đối với vấn đề đầu tư vào công nghệ, trong nhiều năm qua, ngân hàng đã đầu tư mạnh vào hệ thống công nghệ. Năm 2005, chúng tôi từng chi 2,5 triệu USD cho một dự án công nghệ – một quyết định táo bạo nhưng đúng đắn. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục thúc đẩy số hóa, giao việc kèm chỉ tiêu để nhân sự buộc phải sử dụng công nghệ hiệu quả. Trước đây, các dự án tư vấn của McKinsey dù tốn kém nhưng không thành công do thiếu phân công rõ ràng. Giờ đây, chúng tôi yêu cầu từng cá nhân phải năng động và chịu trách nhiệm với công việc được giao.

Về mục tiêu lợi nhuận, Hội đồng Quản trị giao cho Ban điều hành đạt tối thiểu 1.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm tới. Nếu vượt, chúng tôi sẽ có chính sách thưởng xứng đáng cho từng cá nhân và hành động hiệu quả. 

Cổ đông: Hiện tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 của ngân hàng ở mức 2,48% vẫn ở mức khá cao, đề nghị ban Tổng Giám đốc cho biết kế hoạch chi tiết để nợ xấu dưới 3%. 

Chủ tịch Đào Mạnh Kháng: Đối với ý kiến của cổ đông về tỷ lệ nợ xấu của ABBank ở mức 2,48%, vẫn còn khá cao, thì khu vực xử lý nợ xấu của ABBank đang là điểm sáng của ngân hàng, với đội ngũ chuyên trách liên tục đạt kết quả rất tích cực. Chúng tôi đã có kế hoạch tổng thể và chi tiết nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới ngưỡng 3%.

Thứ nhất, ngân hàng đã triển khai chủ trương thu hồi các khoản nợ xấu từ các đơn vị kinh doanh về hội sở (HO) để xử lý tập trung, triệt để hơn. Cách làm này giúp các đơn vị kinh doanh giảm áp lực, tập trung hơn vào nhiệm vụ phát triển thị trường, đồng thời tận dụng đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao tại HO để xử lý nợ hiệu quả hơn.

Thứ hai, với phần nợ đã trích lập dự phòng đầy đủ, ngân hàng có lộ trình thu hồi cụ thể, gắn trách nhiệm đến từng cá nhân phụ trách. Chúng tôi đang đầu tư mạnh vào nguồn nhân lực, cơ chế vận hành cũng như các công cụ pháp lý để hỗ trợ tối đa quá trình xử lý.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, quá trình xử lý nợ – đặc biệt là khâu tố tụng tại cấp huyện chuyển xuống cấp xã. Đây cũng là một trong những rào cản khiến tiến độ thu hồi chậm lại. Do đó, chúng tôi đặt kỳ vọng rất lớn vào sự chủ động và sáng tạo của đội ngũ xử lý nợ, đồng thời đang kiến nghị, đề xuất một số cơ chế phối hợp với chính quyền địa phương để tháo gỡ.

Kết thúc cuộc họp, đại hội thông qua tất cả tờ trình.


Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/dhcd-abbank-2025-nhieu-bo-phan-giam-30-40-nhan-su-loi-nhuan-muc-tieu-dat-toi-thieu-1800-ty-a215789.html