Những thầy giáo quân hàm xanh
Giữa rẻo cao heo hút của núi rừng Tây Nguyên, những người lính biên phòng Gia Lai không chỉ chắc tay súng giữ gìn an ninh Tổ quốc, mà còn lặng lẽ trở thành những "người thầy áo lính" giữa đại ngàn.
Không quản ngại khó khăn, ngoài giờ tuần tra canh gác, họ lại cặm cụi bên bảng đen, phấn trắng, mang từng con chữ đến với trẻ em vùng sâu, nơi thiếu giáo viên, thiếu điều kiện học tập.
Tiếng học trò ê a vang giữa đại ngàn không chỉ là âm thanh của tri thức, mà còn là biểu tượng đẹp cho tình quân dân keo sơn, cho trái tim yêu thương và sự hy sinh thầm lặng của những người lính mang quân hàm xanh.
Em Rơ Châm Trí Nguyễn (SN 2011), học lớp 7B, Trường tiểu học và THCS Lương Thế Vinh. Gia đình em có hoàn cảnh khó khăn. Em Nguyễn được đồn biên phòng nhận về làm con nuôi, bố trí nơi ăn ở, góc học tập đầy đủ tiện nghi.
Không chỉ dừng lại ở việc dạy chữ, nhiều đồn biên phòng tại Gia Lai còn dang rộng vòng tay, nhận các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm con nuôi. Các chiến sĩ không chỉ lo chỗ ăn, chỗ ở, mà còn tận tình chăm sóc, dạy dỗ như những người cha trong một mái nhà ấm áp tình thương.
Mỗi tối, sau giờ làm nhiệm vụ, họ lại trở thành những "người thầy áo xanh", kiên nhẫn giảng từng phép tính, uốn từng nét chữ, tiếp sức cho những giấc mơ nhỏ nơi biên cương được vươn xa.
Tại Đồn Biên phòng Ia Pôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, hình ảnh các chiến sĩ thay nhau kèm cặp em Rơ Châm Trí Nguyễn (SN 2011, học sinh lớp 7B, Trường Tiểu học và THCS Lương Thế Vinh) đã trở thành một phần quen thuộc của buổi tối yên bình nơi vùng biên.
Em Nguyễn là con nuôi của đồn, được bố trí nơi ở khang trang, có góc học tập đầy đủ tiện nghi, là một phần trong chương trình “Nâng bước em đến trường – Con nuôi đồn Biên phòng”.
Chia sẻ về chương trình này, Thiếu tá Nguyễn Thành Nhơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Pôn, cho biết: "Chúng tôi mong muốn góp phần hỗ trợ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nơi biên giới được ăn học đàng hoàng, phát triển toàn diện để sau này trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội".
Thắm tình quân dân
Tại Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ), các chiến sĩ – những người bố nuôi thầm lặng – không giấu được niềm tự hào khi nhắc đến em Kpuih Trí. Trong suốt 5 năm theo học tại Trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Nan), Trí luôn giữ vững danh hiệu học sinh khá, nhiều lần được nhà trường tuyên dương, khen thưởng vì thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc.
Hiện em đang là học sinh lớp 6 Trường THCS Phan Bội Châu (xã Ia Nan). Thầy cô đánh giá Trí không chỉ học tốt mà còn là tấm gương về sự nỗ lực và vượt khó – minh chứng sống động cho những hạt mầm tương lai đang được vun trồng từ tình thương và trách nhiệm nơi biên giới.
Em Kpuih Trí được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan nhận làm con nuôi, tạo mọi điều kiện để em được ăn ở, học tập trong điều kiện tốt nhất.
Em Trí xúc động chia sẻ: "Ngoài việc giúp em đọc và viết, các bố còn chỉ dạy em cách làm toán. Hằng ngày, các bố thay phiên nhau đưa đón em đi học. Khi em ốm, các bố rất lo lắng, chở em đi khám và dặn dò cách uống thuốc. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt, ngoan ngoãn để không phụ lòng yêu thương mà các bố đã dành cho em".
Còn tại Đồn Biên phòng Ia Lốp, nhiều lớp xóa mù chữ cho người dân đã được tổ chức. Với phương châm "đọc được, viết được" là chiếc "chìa khóa" mở ra cánh cửa tri thức, giúp bà con vùng biên thoát nghèo.
Trung tá, quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Hoàng tâm sự: "Giữa núi rừng vắng lặng, trong những buổi tối se lạnh, ánh đèn điện sáng lên trên từng trang vở. Tôi, một người lính với quân hàm xanh, quen với việc cầm súng bảo vệ biên cương, nay lại cầm phấn, đứng lớp dạy chữ cho bà con".
Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, biên giới, các cán bộ Đồn Biên phòng Ia Lốp còn đứng lớp xóa mù chữ cho người dân.
"Những ngày đầu, mọi thứ thật khó khăn. Tôi nhìn thấy đôi tay chai sần, run rẩy cầm bút, ánh mắt ngỡ ngàng của những cụ già và những em nhỏ chưa từng biết đến con chữ. Nhưng rồi, từng chữ cái dần dần hiện lên, từng dòng chữ được viết ra, và tôi cảm nhận rõ niềm vui cùng sự thay đổi trong ánh mắt họ,
Đối với tôi, mỗi con chữ không chỉ là kiến thức mà còn là hy vọng, là cầu nối giữa người lính và bà con vùng biên, cùng nhau xây dựng một cuộc sống ấm no và bền vững hơn", Trung tá Hoàng chia sẻ.
Vừa trở về sau một ngày làm việc vất vả trên rẫy, chị H Then vội vàng thay quần áo, ăn vội bát cơm rồi nhanh chóng soạn sách vở để kịp lên lớp. Trong căn phòng học đơn sơ, chị ngượng ngùng đánh vần từng chữ, đôi lúc thấy lúng túng khi PV hỏi chuyện.
Với sự nhiệt huyết của các cán bộ biên phòng, nhiều người dân đã viết đọc, biết viết.
Nhờ sự động viên của thầy giáo, chị dần dần mở lòng: "Ngày đầu tiên bước vào lớp học, tôi cảm thấy rất ngại. Tôi nghĩ rằng mình đã lớn tuổi rồi, học làm gì nữa, tay chân quen cầm cuốc, cầm dao, giờ lại cầm bút cứ lóng ngóng.
Nhưng được các chú bộ đội động viên, tôi quyết định học chữ.
Tôi học được cách viết tên mình, đọc được dòng chữ trên bảng, lòng thấy rất vui. Có chữ rồi, tôi không còn phải nhờ người khác đọc thư con gửi từ xa, cũng không còn sợ bị lừa khi ký giấy tờ. Học chữ, tôi mới hiểu rằng, biết đọc, biết viết là biết làm chủ cuộc đời mình. Dù muộn màng, nhưng tôi thấy mình vẫn còn cơ hội thay đổi".
Từ những hành động giản dị nhưng đầy nhân văn, các chiến sĩ biên phòng Gia Lai đã và đang viết nên một câu chuyện đẹp nơi biên cương. Ở đó, tình thương, tri thức và niềm tin được ươm mầm, để biên giới không chỉ vững vàng mà còn ngời sáng tình người.
Mời độc giả đón đọc Kỳ 2: Đồn là nhà, biên giới là quê hương vào lúc 6h50 ngày 20/04/2024.
Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/noi-phen-dau-to-quoc-ky-1-tay-cam-sung-tay-cam-phan-xay-tuong-lai-bang-con-chu-a215894.html