Cảnh báo từ các ngân hàng: Cẩn trọng trước những chiêu lừa tinh vi khiến tài khoản “bốc hơi” trong tích tắc

Khi công nghệ số ngày càng len lỏi vào từng giao dịch hằng ngày, sự tiện lợi cũng kéo theo những vấn đề khó lường. Các ngân hàng liên tục phát đi cảnh báo với khách hàng về việc chú trọng an toàn giao dịch trên môi trường số bởi: Một giây lơ là, toàn bộ số tiền trong tài khoản có thể “không cánh mà bay”.

Những "chiếc bẫy" thời công nghệ ngày càng tinh vi

Tội phạm công nghệ cao đã và đang tận dụng triệt để tâm lý nôn nóng, thói quen số hóa và cả sự cả tin của người dùng để dựng lên những kịch bản lừa đảo hết sức tinh vi, tinh xảo đến mức nếu không thật sự tỉnh táo, người dùng rất dễ trở thành nạn nhân.

Cảnh báo từ các ngân hàng: Cẩn trọng trước những chiêu lừa tinh vi khiến tài khoản “bốc hơi” trong tích tắc- Ảnh 1.

Vừa qua, Techcombank ghi nhận thủ đoạn tráo chip thẻ ngay tại điểm thanh toán – chỉ trong tích tắc khi rời mắt khỏi thẻ, chip thật có thể bị đánh tráo bằng chip giả mà khách hàng không hề hay biết, mở đường cho các giao dịch gian lận.

Song song đó, thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng để yêu cầu xác thực tài khoản, viện cớ nâng hạn mức, nhận ưu đãi hấp dẫn… vẫn tiếp tục là "chiêu trò kinh điển" được áp dụng rộng rãi, nhằm mục đích moi móc thông tin cá nhân - từ số thẻ, mã OTP đến mã CVV hay dữ liệu sinh trắc học. Một khi thông tin cá nhân bị lộ, kẻ gian có thể dễ dàng, nhanh chóng “quét sạch” toàn bộ tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Wooribank cảnh báo về làn sóng giả mạo website, mạng xã hội - nơi kẻ gian đội lốt thương hiệu ngân hàng mời chào người dùng vay vốn, đầu tư với "lãi suất khủng", “ưu đãi vàng” nhằm dụ dỗ khách hàng cung cấp thông tin. Khi khách hàng nhẹ dạ cung cấp thông tin và nộp phí, tài sản cũng đồng thời “không cánh mà bay”.

Trong khi đó, ACB đặc biệt lưu ý 2 hình thức lừa đảo đang gây thiệt hại nghiêm trọng đang diễn ra thời gian gần đây:

• Bẫy thanh toán qua mã QR và link giả mạo: Lợi dụng tâm lý muốn giao dịch nhanh gọn, kẻ gian gửi tin nhắn “yêu cầu thanh toán đơn hàng khẩn cấp” đính kèm mã QR hoặc link giả mạo, dẫn dụ người dùng truy cập vào các trang thanh toán giả hoặc cài phần mềm độc hại. Khi người dùng nhấp vào, toàn bộ thông tin tài khoản ngân hàng và dữ liệu cá nhân, dữ liệu sinh trắc học bị đánh cắp chỉ trong tích tắc.

Cảnh báo từ các ngân hàng: Cẩn trọng trước những chiêu lừa tinh vi khiến tài khoản “bốc hơi” trong tích tắc- Ảnh 2.

• Giả danh cán bộ nhà nước yêu cầu cài app “chính phủ”: Một màn kịch tinh vi được dựng lên, đối tượng giả danh cơ quan nhà nước gửi tin nhắn cảnh báo vi phạm pháp luật đến nạn nhân hoặc dọa dẫm cắt điện, thúc giục nạn nhân cài ứng dụng độc hại hoặc bấm vào link lừa đảo. Hậu quả, điện thoại nạn nhân bị kiểm soát từ xa và tài khoản ngân hàng bị chiếm đoạt.

Cảnh báo từ các ngân hàng: Cẩn trọng trước những chiêu lừa tinh vi khiến tài khoản “bốc hơi” trong tích tắc- Ảnh 3.

Chỉ tính riêng trong năm 2024, thống kê từ các tổ chức tài chính tại Việt Nam cho thấy, số vụ lừa đảo ngân hàng qua hình thức công nghệ cao đã tăng tới 35% so với năm trước. Mỗi vụ việc không chỉ gây thiệt hại về tiền bạc, mà còn để lại những hệ lụy tâm lý nặng nề cho nạn nhân như: lo âu, mất niềm tin vào hệ thống số, e ngại giao dịch trực tuyến...

Đáng lo ngại hơn, có những nạn nhân là người quen thuộc với công nghệ - chứng tỏ rằng, bên cạnh sự thiếu hiểu biết thì sự thiếu cảnh giác mới là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới rủi ro.

Bảo vệ tài sản số: Thức tỉnh và cảnh giác

Trước ma trận lừa đảo ngày càng phức tạp, các ngân hàng khẩn thiết kêu gọi khách hàng:

Thứ nhất, tuyệt đối không cung cấp hay chia sẻ thông tin bảo mật (mật khẩu đăng nhập, mã OTP, số thẻ, mã CVV, dữ liệu sinh trắc học) cho bất kỳ ai, dù người đó xưng là nhân viên ngân hàng hay cán bộ cơ quan chức năng.

Thứ hai, tuyệt đối không nhấp vào link lạ, không quét mã QR không rõ nguồn gốc, không cài đặt ứng dụng ngoài chợ ứng dụng chính thống.

Thứ ba, luôn kiểm tra kỹ thông tin người gửi và xác thực yêu cầu trước khi thực hiện bất kỳ thao tác giao dịch nào.

Thứ tư, chỉ truy cập website và ứng dụng chính thức của ngân hàng.

Thứ năm, trong trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ, hãy khóa ngay dịch vụ ngân hàng điện tử và thay đổi mật khẩu, đồng thời liên hệ ngay với ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để hỗ trợ xử lý kịp thời.

An toàn tài chính trong kỷ nguyên số không còn là việc riêng của ngân hàng hay nhà cung cấp dịch vụ, mà còn là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cá nhân. Bắt đầu từ chính sự tỉnh táo, cẩn trọng của mỗi người, có thể ngăn chặn được những mất mát không thể đo đếm bằng tiền bạc, cứu nạn nhân khỏi những tổn thất tâm lý không thể bù đắp.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/canh-bao-tu-cac-ngan-hang-can-trong-truoc-nhung-chieu-lua-tinh-vi-khien-tai-khoan-boc-hoi-trong-tich-tac-a217619.html