Lý do tái định cư Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm

Trong khi người dân "khan" nhà ở, nhiều dự án nghìn tỷ phục vụ tái định cư, giải phóng mặt bằng tại Hà Nội xây xong lại bỏ hoang, gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội, chủ đầu tư lao đao.

Dự án bỏ hoang trong khi người dân khát nhà ở

Dự án Nhà ở thương mại phục vụ tái định cư Khu X2 (Đại Kim, Hoàng Mai) gồm tổ hợp 3 tòa chung cư cao 28 tầng nổi, 3 tầng hầm đỗ xe.

Năm 2018, Ban Quản lý công trình nhà ở và công sở (Sở Xây dựng Hà Nội) và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà ở và đô thị Bộ Quốc phòng (MHDI) ký hợp đồng kinh tế về việc đặt hàng, tạo lập nhà ở Dự án thương mại phục vụ tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội (bên A) đặt hàng MHDI (bên B) tạo lập quỹ nhà ở thương mại để bán cho các trường hợp tái định cư. Số lượng 750 căn chung cư, tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, dự án sẽ đưa vào hoạt động trong quý I/2019.

Theo hợp đồng, phương án tiêu thụ sản phẩm là thành phố Hà Nội đặt mua lại toàn bộ 750 căn chung cư làm căn hộ tái định cư cho người dân thành phố. Sau 12 tháng kể từ ngày công trình đủ điều kiện bố trí cho các trường hợp tái định cư mà thành phố không bố trí tái định cư hoặc thành phố không mua nhà thì bên B được bán ra thị trường.

Lý do tái định cư Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm- Ảnh 1.

Dự án tái định cư Khu X2 (Đại Kim, Hoàng Mai) bỏ hoang 5 năm.

Thời gian kinh doanh trong phạm vi hợp đồng này được xác định là 12 tháng kể từ ngày công trình đủ điều kiện bố trí cho các trường hợp tái định cư. Hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm ký đến hết 12 tháng kể từ ngày công trình đủ điều kiện bố trí tái định cư.

Tháng 9/2020, Bộ Xây dựng có kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu, hoàn thành công trình CT1, CT2, CT3 của dự án này (X2, Đại Kim). Thế nhưng, kể từ thời điểm nghiệm thu đến nay đã 5 năm, dự án vẫn chưa được đưa vào sử dụng, bỏ hoang, không có người ở.

Dự án đã xây xong nhưng lại "đắp chiếu" trong bối cảnh người dân "khan" nhà ở. Trong khi đó, chủ đầu tư bỏ vốn lớn xây dựng cũng điêu đứng, vì không có tiền thanh toán cho nhà thầu.

Vướng mắc ở đâu?

Theo Sở Xây dựng, Hà Nội có 14 dự án xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng. Bốn dự án đã hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào sử dụng và đã ký hợp đồng đặt mua nhà với các chủ đầu tư. Số tiền dự kiến cần để mua lại quỹ nhà ở tại 4 trong số 14 dự án này lên đến 2.892 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc mua nhà thương mại phục vụ tái định cư đang gặp khó khăn, chủ trương đặt hàng mua nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư của thành phố chưa đề cập phương án, cách thức thu hồi tiền từ việc bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (bán nhà ở cho các trường hợp tái định cư) về ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài Chính) Hà Nội cho biết, sở này đã đề xuất bố trí vốn mua nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo hướng quay vòng vốn. Dự kiến, phương án bố trí khoảng 3.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 (phân bổ nguồn vốn qua Quỹ Phát triển đất ủy thác cho Quỹ Đầu tư phát triển thành phố) để mua nhà ở thương mại phục vụ tái định cư. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ, Quỹ Phát triển đất ủy thác hiện không có nhiệm vụ mua nhà ở thương mại phục vụ tái định cư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ bổ sung cho Quỹ phát triển đất ủy thác, quy định cụ thể trình tự, thủ tục, giải ngân, thanh toán, quyết toán vốn đối ứng từ Quỹ phát triển đất ủy thác đối với nhiệm vụ mua nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo quy định.

Đồng thời, Sở Tài chính cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội bố trí vốn cho Quỹ đầu tư phát triển thành phố để thực hiện mua nhà ở thương mại phục vụ tái định cư.

Sở này cũng cho biết, Hà Nội chủ trương dừng thực hiện thí điểm cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư trên địa bàn thành phố theo ý kiến chấp thuận của Thường trực Chính phủ và sự thống nhất của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội. Theo đó, Hà Nội chỉ xem xét phương án mua lại nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại đối với các dự án đã ký hợp đồng đặt mua trước ngày 9/6/2023.

Trong khi đó, các chủ đầu tư kiến nghị, nếu có vướng mắc trong giải quyết, đề nghị TP Hà Nội chấp thuận cho các chủ đầu tư thực hiện bán ra thị trường quỹ nhà nêu trên theo hợp đồng hai bên đã ký, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/ly-do-tai-dinh-cu-ha-noi-bi-bo-hoang-nhieu-nam-a218148.html