Hàng triệu tấn "vàng đen" từ Indonesia tràn về Việt Nam với giá siêu rẻ: Thuế nhập khẩu 0%, nước ta có trữ lượng top 3 Đông Nam Á

Indonesia, Australia và Nga đều đang đưa mặt hàng này đến Việt Nam.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than các loại của Việt Nam trong tháng 3/2025 đạt hơn 6,5 triệu tấn với trị giá đạt hơn 647,4 triệu USD, tăng 13,4% về lượng và 6% về kim ngạch so với tháng liền trước.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2025, cả nước nhập khẩu hơn 17,27 triệu tấn than các loại với trị giá 1,81 tỷ USD, tăng 16,7% về lượng nhưng giảm 7,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm. Giá nhập khẩu trung bình than các loại quý I/2025 đạt 105,18 USD/tấn, giảm khoảng 20,82% so với cùng kỳ năm 2024.

Xét về thị trường nhập khẩu, Indonesia tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp than các loại cho Việt Nam trong quý I/2025, chiếm 40,4% thị phần, đạt 6,98 triệu tấn, tương đương 579,07 triệu USD, tăng mạnh 30,4% về lượng và tăng 14,83% so với cùng kỳ năm 2024. Giá bình quân đạt gần 82,9 USD/tấn, giảm khoảng 11,69% so với 3 tháng đầu năm 2024.

Australia là thị trường lớn thứ 2 ở mặt hàng than các loại, đạt 5,36 triệu tấn, tương đương 693,69 triệu USD, chiếm 31% thị phần nhập khẩu của cả nước - tăng 25,72% về lượng và giảm 5,77% về kim ngạch. Giá trung bình 129,32 USD/tấn, giảm 25,05% về giá so với quý I/2024.

Hàng triệu tấn

Vị trí thứ 3 thuộc về Nga với 1,44 triệu tấn than nhập khẩu, trị giá 206,23 triệu USD, tăng gần 2% về lượng và giảm 27,85%. Giá trung bình 142,27 USD/tấn, giảm 28,22%.

Được biết, sở dĩ Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập khẩu than chủ yếu để phục vụ sản xuất điện, đặc biệt là tại các nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ đốt hiện đại, đòi hỏi loại than có nhiệt trị cao - vốn không phổ biến trong nước. Trong đó, than khai thác trong nước thường có chất lượng thất hơn, phù hợp với một số linh vực như xi măng hoặc sản xuất nhỏ lẻ.

Những năm gần đây, nhu cầu than cho phát điện tăng mạnh do quy mô các nhà máy nhiệt điện mở rộng, trong khi khai thác nội địa ngày càng gặp khó khăn, trữ lượng dễ khai thác cạn dần, việc khai thác xuống sâu làm tăng chi phí và giảm hiệu quả kinh tế.

Theo quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020 và triển vọng đến năm 2030 tại Quyết định 403/QĐ-TTg, nhu cầu than dành cho nhiệt điện là 64,1 triệu tấn vào năm 2020 và ước tính sẽ lên đến 131,1 triệu tấn vào năm 2030.

Các loại than nhập khẩu vào Việt Nam được phân loại theo hệ thống mã HS, thuộc chương 27 của Biểu thuế xuất nhập khẩu. Cụ thể, mã 27011100 áp dụng cho than antraxit – loại than có hàm lượng carbon cao, thường dùng trong luyện kim. Mã 27011210 dành cho than cốc (coking coal) phục vụ sản xuất thép, còn mã 27011290 là các loại than bitum khác, thường dùng trong nhiệt điện. Mã 27011900 bao gồm các loại than đá khác không thuộc nhóm trên, và 27012000 áp dụng cho than ép bánh, than quả bàng dùng trong dân dụng hoặc công nghiệp nhẹ. Ngoài ra, than mẫu dùng trong phòng thí nghiệm được phân loại theo mã 38220090.

Indonesia là một trong những nguồn cung cấp than các loại quan trọng cho Việt Nam. Hiện, Việt Nam áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (ATIGA) với mức 0% cho các loại than nhập khẩu từ Indonesia, do cả hai quốc gia đều là thành viên của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA). Để được hưởng mức thuế này, doanh nghiệp cần xuất trình Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu D, chứng minh nguồn gốc từ Indonesia.

Tuy nhiên, nếu không có C/O mẫu D hợp lệ, than nhập khẩu sẽ bị áp dụng mức thuế suất thông thường (MFN) khoảng 3-5%. Mức thuế MFN cụ thể phụ thuộc vào loại than và mã HS tương ứng.

Bước sang năm 2025, Việt Nam dự kiến sản xuất khoảng 37 triệu tấn than sạch, trong khi nhu cầu tiêu thụ lên tới 50 triệu tấn, chủ yếu phục vụ các nhà máy nhiệt điện. Do đó, Việt Nam tiếp tục tăng cường nhập khẩu, đặc biệt là than nhiệt từ Indonesia và Úc. Mặc dù có xu hướng chuyển sang năng lượng tái tạo, than vẫn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu năng lượng quốc gia đến năm 2030.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/hang-trieu-tan-vang-den-tu-indonesia-tran-ve-viet-nam-voi-gia-sieu-re-thue-nhap-khau-0-nuoc-ta-co-tru-luong-top-3-dong-nam-a-a218784.html