Tài khoản về 0 sau 5 ngày nghỉ lễ dù chỉ đi dạo cho khuây khỏa: "Có sai lầm thì mới khôn ra"

Đó là nhận định chung của những người trẻ sau những pha tiêu tiền thiếu kiểm soát trong dịp lễ.

Tổng kết chi tiêu 5 ngày lễ, số dư về 0 đồng là có thật!

Khép lại 5 ngày nghỉ lễ kéo dài từ 30/4 - 1/5, những người đi du lịch đã lên máy bay trở về nơi mình sống, người về quê đã kịp bắt tàu xe trở lại thành phố. Tất cả đều đối mặt với 1 thực tế: Lễ 5 ngày trôi nhanh như 5 giây, giờ là lúc phải tiếp tục làm việc.

Nhiều người đang cập nhật tình hình chi tiêu trong lễ, có người còn dư dả, có trường hợp số dư thậm chí đã về 0 đồng, chỉ đếm từng ngày đến lúc lãnh lương.

Tài khoản về 0 sau 5 ngày nghỉ lễ dù chỉ đi dạo cho khuây khỏa: "Có sai lầm thì mới khôn ra"- Ảnh 1.

Chỉ đi ăn, dạp trung tâm thương mại, trong 5 ngày, tài khoản của cô bạn về số 0. Ảnh: NVCC.

Đó là trường hợp của Hoàng Anh (24 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP.HCM). Cô bạn cho hay dịp lễ 30/4 - 1/5 này đã không đi du lịch mà chọn ở lại thành phố, vừa để xem diễu binh, diễu hành; tranh thủ nghỉ ngơi và để dành tiền gửi về cho gia đình. Tuy nhiên, đến chiều ngày 4/5 thì một tài khoản của cô (không phải tài khoản tiết kiệm) dùng để chi tiêu hàng tháng đã về… 0.

“5 ngày lễ, mình tiêu hết 5 triệu đồng, 3 triệu đồng đóng trọ và 5 triệu đồng gửi về cho gia đình. Ngoài ra mỗi tháng khi nhận lương, mình đều trích ra một ít bỏ vào tiền tiết kiệm. Đến bây giờ, tài khoản mình còn 0 đồng là có thật”, cô bạn chia sẻ.

Song, vì mùng 10, công ty phát lương nên Hoàng Anh cũng không có quá nhiều áp lực. Cô bạn vẫn còn đồ ăn trong tủ lạnh, một ít tiền mặt đủ để đổ xăng, ăn sáng. Song, để uống cafe, hay mua sắm thêm từ bây giờ đến ngày lãnh lương là điều không thể. 

Khi nói về các khoản chi tiêu trong 5 ngày lễ hết 5 triệu đồng, Hoàng Anh cho hay hầu hết đều tiêu vào tiền ăn và mua sắm cho bản thân, coi như… tự thưởng.

“Mình hẹn một vài người bạn mà trước đó bận quá không đi ăn, chơi cùng được để gặp mặt trong lễ. Mỗi bữa tiêu tốn từ 300-400 nghìn đồng đồng, đó là chưa kể tiền đi cafe hay gọi xe công nghệ. Thời gian rảnh rỗi, mình chọn vào trung tâm thương mại đi dạo, thấy đồ đẹp như túi xách hay quần áo thì mua, coi như tự thưởng cho bản thân. Nhưng có những ‘niềm vui đắt’ như cái túi hơn 1 triệu hay bộ đồ 8-900 nghìn. Thế nên, tổng kết lại thì 5 triệu”, Hoàng Anh cũng sốc nhẹ.

Tài khoản về 0 sau 5 ngày nghỉ lễ dù chỉ đi dạo cho khuây khỏa: "Có sai lầm thì mới khôn ra"- Ảnh 2.

Dịp lễ này, không ít người ở lại thành phố nghỉ ngơi, chill chill. Ảnh minh họa.

Hoàng Anh cho hay số tiền tuy nằm ngoài dự đoán, dự trù kinh phí “nghỉ lễ”, song cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến tài chính của bản thân. Vốn là người “tùy hứng” nên chuyện hết tiền trước kỳ nhận lương cũng thường xuyên xảy ra với Hoàng Anh, nên cô không có quá nhiều bất ngờ khi tài khoản về 0 đồng sau dịp lễ này. 

Trên Threads, một chủ tài khoản có tên viết tắt T.H tự tổng kết 5 ngày nghỉ lễ “giỏi nhất là bộ môn tiêu tiền”.

Lần này, cô chọn Huế là điểm đến đầu tiên trong năm 2025, chuyến đi 3 ngày 2 đêm tốn khoảng 5 triệu đồng, đã bao gồm tiền vé máy bay, tiền phòng và tiền ăn uống. Cô bạn cho hay đã dự trù kinh phí từ trước, hơn nữa đi cùng bạn bè và đặt vé máy bay từ sớm nên không tốn quá nhiều tiền.

Tuy nhiên, với mức lương của sinh viên mới ra trường, trên dưới 10 triệu đồng/tháng thì cô sẽ phải tiết kiệm hơn ở những tháng tiếp theo, mới có đủ chi phí trang trải cuộc sống ở thành phố, và để dành tiền cho những chuyến đi tiếp theo.

Nhiều người dùng cũng bình luận chia sẻ câu chuyện của gia đình mình. Trong đó, những comment dạng như “vừa nghỉ lễ là tiền cũng hết”, “cách chi tiêu sau 5 ngày lễ”, “tôi tiêu quá số tiền dự tính ban đầu, bây giờ tính thế nào”,... nhiều vô kể.

Lựa chọn đi du lịch hay ngay cả khi ở nhà, chỉ đi dạo trung tâm thương mại như cô bạn Hoàng Anh nêu trên cũng không tránh khỏi việc tiêu quá nhiều tiền, vượt chi tiêu so với dự trù. 

Tài khoản về 0 sau 5 ngày nghỉ lễ dù chỉ đi dạo cho khuây khỏa: "Có sai lầm thì mới khôn ra"- Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

“Bây giờ, nhìn biến động số dư là có động lực đi làm lại ngay”, một cư dân mạng để lại bình luận nhận được nhiều like.

Đức Minh (22 tuổi, ở Bình Thạnh) lên kế hoạch chuyến đi chơi cùng hội bạn trong lễ chỉ hết khoảng 4 triệu đồng. Song, đến những ngày cuối, cả nhà cậu bạn lại “chốt” ra Hải Phòng chơi và thăm nhà một người bạn quen. Thế nên, chi phí tăng lên gấp đôi vì phải thêm tiền vé máy bay và các khoản phát sinh khác. “Mình đành trích một ít từ tiền tiết kiệm. May là ở TP.HCM mình ở cùng gia đình nên cũng không tiêu quá nhiều tiền. Tiền này là mình tiết kiệm khi đi làm thêm”, Đức Minh chia sẻ với chúng tôi. Song, cậu bạn cho biết cũng phải hạn chế đi cafe, hay mua sắm sau lễ để tiết kiệm.

Nhiều người cũng có tâm lý “nghỉ lễ mà, thoải mái đi, xả láng đi…”,  "phải thưởng cho bản thân" dẫn đến “cháy túi” sau lễ. Những tưởng vài ngày thảnh thơi sẽ giúp tiết kiệm hơn vì không phải đi làm, ăn ngoài, nhưng hóa ra, nghỉ càng dài thì ví càng mỏng.

Tài khoản về 0 sau 5 ngày nghỉ lễ dù chỉ đi dạo cho khuây khỏa: "Có sai lầm thì mới khôn ra"- Ảnh 4.

Netizen than thở chuyện chi tiêu ngày lễ.

Cách chi tiêu khi "rỗng ví" sau lễ

Lúc này, những bí quyết, cách thức để tiết kiệm, “sinh tồn” sau lễ lại được tìm kiếm. "Có sai lầm thì mới khôn ra" - đó là nhận định chung của những người trẻ sau những pha tiêu tiền thiếu kiểm soát trong dịp lễ. Cũng có netizen cho rằng họ đoán/biết được bản thân sẽ “rỗng” ví sau lễ, sẵn sàng vay tiền bạn bè chỉ để có một kỳ nghỉ thoải mái nhất có thể, hoặc đã từng rơi vào tình trạng “cháy túi” nhiều lần nên không còn thấy… sợ nữa. Tất cả đều có cách giải quyết và những bí quyết riêng.

Ngay bây giờ, bạn nên kiểm tra số dư tài khoản và bắt đầu lên kế hoạch tiết kiệm lại.

Tiếp đến là lên kế hoạch. Bạn có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như hạn chế ăn ngoài, uống trà sữa, ăn vặt hay tụ tập cùng bạn bè. Đừng săn sale và mua đồ vì nó được giảm giá hay đang trend nữa mà chỉ mua những thứ cần thiết thôi.

Tài khoản về 0 sau 5 ngày nghỉ lễ dù chỉ đi dạo cho khuây khỏa: "Có sai lầm thì mới khôn ra"- Ảnh 5.

Ảnh minh họa.

Tận dụng các ưu đãi và mã giảm giá và đặt giới hạn ngân sách rõ ràng: Hãy tận dụng những ưu đãi này để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, trước khi mua sắm, hãy tìm kiếm mã giảm giá hoặc so sánh giá giữa các cửa hàng để đảm bảo bạn nhận được mức giá tốt nhất. Bạn cũng nên chia nhỏ chi tiêu cho từng hạng mục, từ vé xe đến mua đồ về cho gia đình, để kiểm soát chi phí tốt hơn.

Lập kế hoạch chi tiêu cho tháng mới: Đây cũng là điều vô cùng cần thiết, bởi trong dịp lễ, bạn đã chi một số tiền khá lớn, có khả năng ảnh hưởng đến chi tiêu những tháng tiếp theo nếu không tính toán cẩn thận. Theo đó, bạn nên xác định các khoản chi cố định như tiền thuê nhà, điện nước, và các khoản chi linh hoạt như ăn uống, giải trí,...

Ngoài ra, một phương pháp đang được nhiều bạn trẻ ngày nay áp dụng và thành công như đặt ra cho mình thử thách “3 ngày tiêu 50 nghìn” hay “7 ngày chỉ tiêu 200 nghìn”. Theo đó, bạn chỉ tiêu đúng những gì thật sự cần thiết như ăn uống cơ bản, xăng xe, sinh hoạt. Còn lại, tuyệt đối nói “không” với mọi cám dỗ như lướt trang mua sắm trực tuyến, order đồ ăn, hay “đi dạo trung tâm thương mại cho khuây khỏa”. Nhưng đừng quá áp lực, cực đoan. 

Tóm lại, hết lễ là lúc mình cần “thức tỉnh” ví tiền. Vui chơi là chính đáng, nhưng cũng đừng để sau đó là chuỗi ngày ăn mì gói. Chi tiêu thông minh sẽ giúp mình vui vẻ bền vững hơn.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/tai-khoan-ve-0-sau-5-ngay-nghi-le-du-chi-di-dao-cho-khuay-khoa-co-sai-lam-thi-moi-khon-ra-a218896.html