“Tổ nghề sân khấu” ai cũng nể: Xuống 1 câu vọng cổ, khán giả kẹp tiền vào nan quạt ném từ dưới lên

“Cô Út Bạch Lan chỉ cần xuống một câu vọng cổ thôi là khán giả kẹp tiền vào trong nan quạt ném từ dưới lên, ném rất nhiều” – MC Thanh Bạch nói.

Tổ nghề sân khấu khiến ai cũng kính nể

Nghệ sĩ Út Bạch Lan được xem là một tượng đài của cải lương Việt Nam với những đóng góp to lớn trong việc định hình, phổ biến nghệ thuật cải lương. Bà được mệnh danh là Sầu Nữ vì tiếng hát buồn, khiến bao khán giả phải rơi nước mắt.

“Tổ nghề sân khấu” ai cũng nể: Xuống 1 câu vọng cổ, khán giả kẹp tiền vào nan quạt ném từ dưới lên- Ảnh 1.

Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935 trong một gia đình lao động nghèo khó không có ai theo nghệ thuật.

Cha mất sớm, mẹ con bà đi làm thuê làm mướn quanh khu vực Chợ Bình Tây sinh sống qua ngày. Từ năm 8 tuổi đến năm 13 tuổi, bà xinh đẹp nổi tiếng khắp vùng Bình Tây.

Út Bạch Lan kết nghĩa chị em với nghệ sĩ Văn Vĩ từ nhỏ vì đồng cảnh sống chung và cùng đi làm mướn. Cứ thế, năm này qua tháng nọ, những phận nghèo nương tựa cùng nhau. Bị mù từ nhỏ, nhưng Văn Vĩ học đàn guitar cổ nhạc và đàn rất giỏi nên đã dạy Út Bạch Lan ca.

Nghe máy hát đĩa của hàng xóm, Út Bạch Lan ca theo và học thuộc nhiều bản vọng cổ khác. Thấy có người mù đi hát dạo trong chợ, được người ta cho tiền, Út Bạch Lan liền lén rủ mẹ đi hát dạo, hy vọng có tiền đỡ đần cho  mẹ đỡ cực. Cứ thế, hai bà cùng cây đàn cũ đi hát dạo từ Chợ Lớn ra tới Chợ Bến Thành.

Tiếng đồn giọng hát làm mê lòng người của cô bé hát dạo đã khiến cô Năm Cần Thơ tò mò tới nghe Út Bạch Lan ca, và cũng từ đây, cuộc đời bà đã có một bước ngoặt mới.

Từ cô bé hát rong năm nào nơi vỉa hè góc chợ, Út Bạch Lan được đứng trên sân khấu lung linh ánh đèn màu và nghệ danh Út Bạch Lan cũng ra đời từ đây.

“Tổ nghề sân khấu” ai cũng nể: Xuống 1 câu vọng cổ, khán giả kẹp tiền vào nan quạt ném từ dưới lên- Ảnh 2.

Vào giữa thập niên 1950, Út Bạch Lan bắt đầu được báo chí và khán giả chú ý qua vở dã sử Đồ Bàn di hận trên sân khấu đoàn Thanh Minh.

Không ngừng khổ luyện diễn xuất, trau chuốt kỹ thuật ca ngâm, sáng tạo nét mới, nghệ sĩ Út Bạch Lan đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả qua các vở diễn: Dưới hàng phượng vĩ, Nước mắt kẻ sang Tần, Tình cô gái Huế, Thuyền ra cửa biển, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Nước chảy qua cầu, Biên thùy nổi sóng, Tình tráng sĩ, Nhớ rừng, Cung đàn trên sông lạnh, Thiên thần trên thiết mã, Hoa Mộc Lan, Chén cơm đô thành, Đất Việt của người Việt,... Năm 1958, Út Bạch Lan ký hợp đồng về hát cho đoàn Kim Chưởng với nghệ sĩ Thành Được.

Thành công nối tiếp thành công, Út Bạch Lan được các hãng đĩa tranh nhau mời thu thanh đĩa đơn, đĩa tuồng đa dạng từ xã hội, cổ tích, sử Việt Nam đến Trung Hoa, Tây, Nhật... với số lượng nhiều nhất so với những danh ca khác.

Vai chị Hằng giúp Út Bạch Lan đạt tới đỉnh vinh quang khi hóa thân trong bi kịch người mẹ hết dạ thương con, do những bước đi sai lầm đã dẫn đến cái chết thảm, bỏ lại đứa con dại khờ.

Tiếp đó, trên sân khấu đoàn Kim Chưởng, Út Bạch Lan có những vai xuất sắc qua các vở như Kiều Phi Yến (Nửa bản tình ca), Chiêu Trúc Lệ (Thuyền ra cửa biển),...

“Tổ nghề sân khấu” ai cũng nể: Xuống 1 câu vọng cổ, khán giả kẹp tiền vào nan quạt ném từ dưới lên- Ảnh 3.

Đặc biệt, bài ca cổ Hoa lan trắng về cuộc đời chính Út Bạch Lan do soạn giả Viễn Châu viết riêng cho giọng ca bi ai, não nuột của bà đã được nhiều khán giả đặc biệt yêu thích, xúc động.

Về tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ Út Bạch Lan, MC Thanh Bạch nhận định: “Trong giới nghệ sĩ, sân khấu miền Nam chúng tôi đến nay đều coi cô Út Bạch Lan như Tổ nghề của mình”.

Xuống một câu vọng cổ, khán giả kẹp tiền vào trong nan quạt ném từ dưới lên

Trong giới nghệ sĩ, Út Bạch Lan như một người chị, người mẹ hiền hậu luôn dẫn dắt các đàn em. Mọi người thường gọi bà bằng những tiếng thân thương như Út, chị Út, ngoại Út, má Út.

Nghệ sĩ Út Bạch Lan là người khởi đầu cho trào lưu tân cổ giao duyên với những bài hát vang danh một thời như Mười sáu trăng tròn, Giấc ngủ cô đơn, Thương về miền Trung… Số lượng đĩa hát thu thanh của bà ngày đó được xem là nhiều nhất giới cải lương, đa dạng về thể loại, tuồng tích. Đến tận những năm tháng cuối đời, bà vẫn vào phòng thu, thu rất nhiều sáng tác về đạo, về mẹ.

“Tổ nghề sân khấu” ai cũng nể: Xuống 1 câu vọng cổ, khán giả kẹp tiền vào nan quạt ném từ dưới lên- Ảnh 4.

Út Bạch Lan cũng là "đệ nhất đào thương" của hàng loạt vở cải lương đình đám, mở đường cho những nhân vật kinh điển trong cải lương như Hương trong Nửa đời hương phấn, bà giáo Lan trong Tuyệt tình ca, chị Hằng trong Con gái chị Hằng, bà Thảo trong Tấm lòng của biển… Các đàn em sau này đều chịu ảnh hưởng từ bà khi diễn các vai kinh điển đó.

Giai đoạn video cải lương bắt đầu xuất hiện trong thập niên 1990, Út Bạch Lan góp mặt trong rất nhiều video, diễn cùng các thế hệ nghệ sĩ đàn em, đàn cháu.

Về chuyên môn, nghệ sĩ Út Bạch Lan là người đầu tiên tạo ra trường phái đưa tiếng nức nở vào lòng câu vọng cổ. Khi ca, bà bất chấp nhịp trường canh. Dù dàn đờn ngồi bao xa, dù nhịp đàn có rớt, bà vẫn mặc tình thao túng. Bà vừa dứt câu hát là tiếng nhịp song lang gõ một cái cóp theo sau. Bà hát rất đúng nhịp mà hơi vẫn dàn trải đều đặn, tròn vành, rõ chữ.

Nghệ sĩ Út Bạch Lan được xếp vào hàng "vọng cổ ngũ bá" cùng với NSND Út Trà Ôn, nghệ sĩ Kim Anh, NSƯT Thanh Hương, nghệ sĩ Hữu Phước. Bà sở hữu giọng ca vàng "san sẻ", "chiêm nghiệm", "đời" và "rất đời", là nghệ sĩ hiếm hoi đến lúc cuối đời tiếng hát vẫn mềm mại và trong trẻo. Bà cũng kết hợp hầu hết với tất cả các nam danh ca nổi tiếng thời điểm đó.

“Tổ nghề sân khấu” ai cũng nể: Xuống 1 câu vọng cổ, khán giả kẹp tiền vào nan quạt ném từ dưới lên- Ảnh 5.

Với các đàn em, nghệ sĩ Út Bạch Lan luôn được thần tượng, ngưỡng mộ vì tài và đức ở bà đều chuẩn mực. NSƯT Thanh Nga nổi danh là vậy nhưng vẫn xem Út Bạch Lan là thần tượng, người thầy của đời mình. NSND Ngọc Giàu lại coi Út Bạch Lan là một "đại ca" trong nghề.

NSƯT Diệu Hiền, NSND Bạch Tuyết thì học hỏi Út Bạch Lan từ cách sắp nhị tới nhả chữ. NSND Lệ Thủy, NSƯT Mỹ Châu, nghệ sĩ Thanh Nguyệt bày tỏ thích những nốt luyến, những kỹ thuật ca, âm hưởng từ giọng Út Bạch Lan. Các danh ca như Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Giao Linh đều thần tượng Út Bạch Lan về cuộc đời, về sự nghiệp, về đạo đức.

MC Thanh Bạch từng tâm sự về đỉnh cao không ai có của Út Bạch Lan, khiến mọi người đều sửng sốt, ngưỡng mộ: "Ở cái thời chưa phát triển tivi, truyền hình, chỉ có băng đĩa nhựa, cả gia đình tôi luôn ngóng đợi nghệ sĩ Út Bạch Lan ra đĩa. Chúng tôi ngóng báo chí đăng tin từng ngày một, xem ngày nào Út Bạch Lan ra đĩa để mua.

Nhà tôi ngày ấy ở Long Hồ, mà đĩa của cô Út Bạch Lan phát hành tận Vĩnh Long. Mỗi lần ba tôi đi làm, tôi luôn dặn ba phải mua bằng được đĩa, không mua được là giận luôn.

Hồi xưa, hát cải lương để mùi được rất khó, khó hơn bây giờ nhiều vì lúc hát, micro treo tít trên cao và chỉ ở nguyên một vị trí, trong khi ca sĩ vẫn phải di chuyển khắp thân khấu.

“Tổ nghề sân khấu” ai cũng nể: Xuống 1 câu vọng cổ, khán giả kẹp tiền vào nan quạt ném từ dưới lên- Ảnh 6.

Bởi vậy, để hát làm sao cho âm thanh vang ra, hút được vào micro trên cao đòi hỏi nội lực vô cùng kinh khủng, và cô Út Bạch Lan làm được điều này.

Ngày đó, cô Út Bạch Lan chỉ cần xuống một câu vọng cổ thôi là khán giả kẹp tiền vào trong nan quạt ném từ dưới lên, ném rất nhiều. Việc ném quạt này thể hiện thành công của nghệ sĩ, không chỉ từ tiền của ban tổ chức, mà còn ở ủng hộ của khán giả.

Những ngày cuối đời, cô Út Bạch Lan vẫn đi hát miệt mài, ở đâu mời cô cũng đi. Cô không quan trọng chuyện được trả tiền hay không, cứ hễ được mời hát làk khỏe, là mạnh, là vui, giống như cái nghiệp vướng vào người, tạo nên sức mạnh của người nghệ sĩ".

Về già, nghệ sĩ Út Bạch Làn sống khép mình, chỉ hỗ trợ đàn em, đàn cháu. Bà chấp nhận đóng lại những tuồng mình đã hát ngày xưa ở vai trò đào mụ. Nhiều người hỏi bà có buồn không khi không còn đóng đào chính nữa, bà khẳng định không buồn mà còn lấy đó làm hạnh phúc”.

Út Bạch Lan cho rằng, bà không thể trẻ mãi, ở tuổi cao mà đóng những vai đào chính thì không khác nào cưa sừng làm nghé. Bà yêu khán giả của mình, tôn trọng cái nhìn duy mỹ của khán giả, đem lại cái biết thiện mỹ cho khán giả. Dù vai trò nào, góc độ nào, Út Bạch Lan vẫn làm trọn vẹn vai diễn của mình và để lại một dấu ấn sâu đậm.

Vào những năm tháng cuối đời, nghệ sĩ Út Bạch Lan gác hào quang sân khấu, tìm đến những việc làm thiện nguyện. Đối với bà đâu cũng là thánh đường sân khấu. Dẫu một người, hai người, bà vẫn hát. Dẫu nhỏ tuổi, bà vẫn dạ thưa, kính trọng. Những cống hiến của bà cho nghệ thuật, cho sân khấu là quý giá.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/to-nghe-san-khau-ai-cung-ne-xuong-1-cau-vong-co-khan-gia-kep-tien-vao-nan-quat-nem-tu-duoi-len-a218916.html