Tại sao nhiều người không muốn thăng chức làm sếp dù được nhận lương cao?

Việc thăng chức tăng lương không còn là điều đáng mơ ước với tất cả mọi người như xưa.

Rút lui vì quá tải

Theo số liệu từ hãng tư vấn Challenger, Gray & Christmas, trong năm 2024, đã có 2.221 giám đốc điều hành (CEO) của các công ty từ chức, tính cả các doanh nghiệp đại chúng và doanh nghiệp nhỏ có quy mô từ 25 nhân sự trở lên. Đây là mức cao nhất kể từ khi Challenger bắt đầu theo dõi số liệu này vào năm 2002. Con số này tăng 16% và đã vượt qua kỷ lục trước đó là 1.914 CEO rời đi trong cả năm 2023.

Nguyên nhân của làn sóng nghỉ việc này được cho là do các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới nảy sinh, bao gồm sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, căng thẳng thương mại toàn cầu và nguy cơ suy thoái kinh tế. Dù mức lương trung bình của CEO các công ty hàng đầu S&P 500 trong năm 2023 đạt 16,4 triệu USD, nhiều người vẫn cảm thấy quá tải và quyết định rút lui.

Việc thay đổi lãnh đạo cấp cao một cách liên tục đã gây ra những xáo trộn đáng kể cho hoạt động của nhiều công ty. Các CEO mới thường có xu hướng thay đổi đội ngũ nhân sự và tái cơ cấu tổ chức, điều này có thể dẫn đến sa thải hàng loạt, ngay cả khi doanh nghiệp đang trong giai đoạn ổn định.

photo-1746436813713

Ngoài ra, làn sóng lãnh đạo mới cũng khiến nền kinh tế rơi vào tay những người còn đang trong giai đoạn học hỏi và thích nghi.

Không chỉ dừng lại ở tầng lớp lãnh đạo cao nhất, khủng hoảng nhân sự còn lan xuống cả đội ngũ kế cận. Việc cắt giảm các vị trí quản lý trung cấp đã khiến khối lượng công việc bị dồn xuống cấp thấp hơn.

Trong bối cảnh đó, không ít người né tránh hoặc từ chối đảm nhận vai trò quản lý, khiến bài toán nhân lực trở nên nan giải hơn bao giờ hết.

Ryon Beyer, 49 tuổi, là một ví dụ điển hình. Sau khi rời bỏ công ty vào năm 2023, ông chuyển đến sống ở Puerto Rico và bắt đầu làm tư vấn độc lập. Dù thu nhập giảm, ông cảm thấy hài lòng khi có nhiều thời gian hơn cho gia đình. "Tôi muốn được chứng kiến các con lớn lên, hơn là dành cả đời chỉ để kiếm tiền," ông chia sẻ.

Tại sao nhiều người không còn muốn làm sếp?

Trước đây, việc được thăng chức lên vị trí quản lý thường được xem là cột mốc đáng mơ ước trong sự nghiệp, đồng nghĩa với mức lương cao hơn và quyền lực lớn hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, ngày càng nhiều người chủ động từ chối cơ hội làm sếp.

Một khảo sát của nền tảng tuyển dụng kỹ thuật CoderPad cho thấy, có tới 36% nhân viên trong lĩnh vực công nghệ không hứng thú với vai trò quản lý. Lý do chủ yếu là vì các thế hệ trẻ như Gen Z và Millennials đặt ưu tiên cao hơn cho sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, thay vì lao vào vị trí nhiều trách nhiệm nhưng kèm theo áp lực lớn.

Đối với họ, thu nhập cao hơn không đủ để bù đắp cho thời gian bị chiếm dụng, căng thẳng trong việc giám sát người khác, hay những ràng buộc tâm lý khi phải đứng ở vị trí trung gian. Đặc biệt là khi quản lý cấp trung – tầng lớp từng được xem là xương sống của tổ chức – giờ lại là những người dễ rơi vào trạng thái kiệt sức nhất. Một khảo sát năm 2022 của Diễn đàn Tương lai ghi nhận 45% quản lý cấp trung tự thừa nhận đã bị kiệt sức sau đại dịch.

photo-1746436774158

Parson Hicks, 43 tuổi, nguyên là giám đốc tài chính trong lĩnh vực y tế, cũng quyết định từ chức trong năm 2023 để theo đuổi công việc tư vấn tự do với thu nhập thấp hơn trước.

Cô tiết lộ bản thân từng rơi vào tình trạng mất ngủ kéo dài vì căng thẳng công việc. "Dù có giỏi xoay xở đến đâu, khủng hoảng triền miên vẫn bào mòn sức khỏe tinh thần và thể chất của tôi," cô thẳng thắn nói.

Đặc biệt, với những người yêu chuyên môn, việc lên làm quản lý có thể đồng nghĩa với việc từ bỏ công việc họ đam mê. Chẳng hạn, khi được giao vai trò lãnh đạo nhóm, một lập trình viên giỏi có thể sẽ phải dành phần lớn thời gian cho các cuộc họp và quy trình hành chính, thay vì làm điều họ giỏi nhất là viết mã.

Ngoài ra, vị trí quản lý đôi khi khiến người ta cảm thấy cô lập. Họ không còn là “thành viên nhóm” đúng nghĩa mà thường trở thành người bị dè chừng. Những cuộc trò chuyện vui vẻ bỗng chốc ngừng lại khi sếp xuất hiện, cảm giác xa cách dần hình thành từ đó.

Không dừng lại ở áp lực tinh thần, các nhà quản lý hiện đại còn phải đối mặt với hàng loạt thách thức thực tế: nhân sự thiếu hụt, hiệu suất suy giảm, đội nhóm rời rạc và mâu thuẫn nội bộ. Mọi cuộc khủng hoảng xảy ra tại văn phòng đều có thể đổ lên vai người quản lý. Và khi có ai đó bỏ việc, sếp thường là người bị quy trách nhiệm.

*Nguồn: Challenger, Yahoo Finance, CoderPad...

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/tai-sao-nhieu-nguoi-khong-muon-thang-chuc-lam-sep-du-duoc-nhan-luong-cao-a218970.html