Tại Diễn đàn “Đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới và gợi ý với hệ thống ngân hàng ” do Thời báo Ngân hàng mới diễn ra ở Hà Nội, GS. John Quelch chia sẻ lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam phát triển khá lành mạnh vì đã có nhiều các ngân hàng cạnh tranh trên thị trường sẽ cho phép người dùng có nhiều lựa chọn. Ngân hàng Nhà nước giám sát rất tốt hệ thống. Nếu nhìn vào vào nền kinh tế hiện nay, giá trị khoảng 600 tỷ USD tiền gửi và lạm phát 4%, tỷ giá khá ổn định.

G.S John Quelch - Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch và Giáo sư ưu tú tại Trường Kinh doanh quốc tế châu Âu - Trung Quốc.
Theo GS. John Quelch, hiện có những ngân hàng Việt đang gặp khó khăn nhưng có những ngân hàng quy mô khá lớn so với nền kinh tế.
"Chúng tôi cũng muốn thấy nhiều hơn hoạt động mua bán và hợp nhất ngân hàng. Tôi khuyến khích Ngân hàng Nhà nước cho phép tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng nhiều hơn, không chỉ là trong các ngân hàng thương mại nhà nước mà còn các ngân hàng thương mại cổ phần. Các nhà đầu tư Nhật Bản đang đầu tư vào các ngân hàng ở Việt Nam và họ rất vui nếu có thể mở rộng tỷ lệ đầu tư của mình", ông John Quelch nói.
Chuyên gia quốc tế chia sẻ thêm, nếu hệ thống ngân hàng muốn duy trì được "sức khỏe" cần có thêm đầu tư nước ngoài bằng việc mua bán, sáp nhập để tạo ra ngân hàng có quy mô đủ lớn.
"Tôi xin đưa ra ví dụ về các ngân hàng phát triển thương hiệu tốt trên thế giới. Ngân hàng ING có trụ sở tại Hà Lan, nhưng ngân hàng này có chiến lược rất tuyệt vời để thâm nhập vào thị trường Mỹ. Với tư cách là một ngân hàng nước ngoài, họ không có một chi nhánh nào ở Mỹ nhưng họ xác định được nhiều khách hàng ở quốc gia có nhu cầu về chứng chỉ tiền gửi với lãi suất tiêu chuẩn", vị chuyên gia nói.
Chuyên gia đến từ CEIBS cho biết thêm, nếu muốn khác biệt trong ngân hàng cần tạo ra một điều gì đó thật sự đặc biệt, không chỉ là khẩu hiệu hay đưa ra ưu đãi về lãi suất huy động cao hơn các đối thủ. Đây là một thách thức cho các ngân hàng ở Việt Nam thời điểm này, bởi các thương hiệu ngân hàng ở Việt Nam khá giống nhau.
Ông John A. Quelch cũng đánh giá, tại Việt Nam, nhiều ngân hàng vận hành tốt, có đội ngũ chuyên môn cao và đầu tư mạnh vào phát triển nhân lực. Về những nhân sự tìm kiếm "chỗ đứng" trong ngành ngân hàng, ông đưa ra lời khuyên cố gắng tham gia vào nhóm ngân hàng dẫn đầu. "Nhóm ngân hàng dẫn đầu sẽ chiến thắng trong dài hạn. Người giỏi sẽ tìm được vị trí tốt với mức độ liêm chính cao", ông nói.

Toàn cảnh diễn đàn sáng 5/5.
Tại diễn đàn, ông Peter Verhoeven - thành viên Ban Lãnh đạo Anax Invest - nhấn mạnh câu chuyện đào tạo nhân lực ngành rất quan trọng.
"Tại nhiều nước phát triển, các ngân hàng trung ương đưa ra những yêu cầu về đào tạo nhân lực. Các ngân hàng ở Indonesia, Malaysia... đều có chỉ tiêu lớn cho việc đào tạo nhân lực. Tôi cho rằng các ngân hàng nên có những tổ chức đào tạo tập trung, chỉ tiêu cụ thể, có lộ trình cho việc đào tạo", ông Peter Verhoeven nói.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho rằng, các tổ chức tín dụng cũng đã chủ động nâng cao hình ảnh và vị thế của mình trên thị trường, từng bước khẳng định thương hiệu ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế. Theo xếp hạng của Brand Finance năm 2025, đã có 13 ngân hàng Việt Nam lọt vào Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu.