Người nổi tiếng quảng cáo "lố": Hết thời xin lỗi là xong!

Bộ VH-TT-DL bổ sung quy định liên quan đến người nổi tiếng tham gia quảng cáo trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Những vấn đề "nóng" liên quan đến hành vi vi phạm của nghệ sĩ trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt là sau các vụ việc lùm xùm gần đây khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ.

Quảng cáo sai phải chịu trách nhiệm

Trước làn sóng phản ứng này, NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), bày tỏ quan điểm, ai cũng phải sống và làm việc tuân thủ theo quy định của pháp luật. Các nghệ sĩ và người nổi tiếng cũng vậy, quảng cáo sai sự thật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

"Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, ai vi phạm ở đâu, mức độ nào thì xử theo mức độ đó. Nếu lừa đảo, làm hàng giả thì theo mức độ hình sự. Tôi nhấn mạnh dù là nghệ sĩ, KOLs, ai cũng phải chịu trách nhiệm với vai trò là công dân" - NSND Xuân Bắc nhấn mạnh.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - nhận định một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là sự thiếu hiểu biết pháp luật của nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo. Theo ông Lê Quang Tự Do, những vụ việc vi phạm thời gian vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng thiếu hiểu biết pháp luật của không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng.

"Họ nhận quảng cáo một cách vô tội vạ, không cần biết sản phẩm tốt không, thật không, nên vô tình vi phạm pháp luật. Chúng tôi rất đau lòng như trường hợp Quang Linh Vlog. Anh này làm nhiều điều có ích cho cộng đồng, nhưng hiểu biết pháp luật lại không cao" - ông Lê Quang Tự Do nhìn nhận.

Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, vấn đề không chỉ dừng ở việc thiếu kiến thức, với "bản tính nghệ sĩ", nhiều người khi tham gia quảng cáo còn tự cho mình quyền "biến tấu" nội dung kịch bản quảng cáo theo cảm hứng sáng tạo cá nhân, dẫn đến phát ngôn phóng đại, không đúng sự thật. Ví dụ nội dung quảng cáo đưa ra là "hỗ trợ tăng chiều cao", nhưng nghệ sĩ lại tự ý sửa thành "tăng vượt trội 5 - 10 cm". Vì vậy trở thành quảng cáo "lố", quảng cáo "nổ".

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nhận định "điều này rất phổ biến". Thậm chí có trường hợp nghệ sĩ còn chủ động xin "nói thêm tí nữa" để tăng tính thuyết phục, rồi từ đó thêm thắt, suy diễn, khiến thông tin lệch hoàn toàn so với công bố sản phẩm. Vụ việc kẹo Kera, quảng cáo "mỗi viên kẹo bằng một ký rau", thậm chí "bằng 5 ký rau" là minh chứng điển hình cho sự phóng đại vô căn cứ, gây hiểu nhầm nghiêm trọng đối với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ lấy trải nghiệm của bản thân để áp đặt cho người khác, cho rằng nếu mình thấy hiệu quả thì ai dùng cũng như vậy. Điều đó dễ dẫn đến phát ngôn sai sự thật. Điều này không chỉ vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo mà còn dễ khiến công chúng hiểu lầm, đặc biệt khi người truyền tải là người nổi tiếng có sức ảnh hưởng rộng.

Cũng chung quan điểm này, PGS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu chuyên trách Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội, nhận định người nổi tiếng không chỉ là nghệ sĩ, diễn viên hay ca sĩ - họ là những người góp phần định hình hành vi tiêu dùng, giá trị sống và thậm chí là thái độ của một bộ phận xã hội. Nếu họ sử dụng danh tiếng để quảng bá cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc, cho những thông tin sai lệch, không chỉ người tiêu dùng bị tổn thương mà cả nền văn hóa, đạo đức xã hội cũng bị xói mòn theo thời gian.

Người nổi tiếng quảng cáo "lố": Hết thời xin lỗi là xong!- Ảnh 1.

BTV Quang Minh, MC Vân Hugo bị phạt hơn 105 triệu đồng vì quảng cáo không đúng sự thật. (Ảnh chụp màn hình)

Hạn chế hình ảnh nếu vi phạm

Để hạn chế các vi phạm về đạo đức, pháp luật của nghệ sĩ, người nổi tiếng, Bộ VH-TT-DL và Bộ Thông tin - Truyền thông (trước đây) đã phối hợp ban hành Bộ Quy tắc ứng xử đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng trên không gian mạng. Tuy nhiên đây không phải là quy định pháp luật, không có tính chất bắt buộc và kèm theo chế tài nên không xử lý nghệ sĩ nào theo bộ quy tắc này. Chính vì chế tài xử phạt đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật vẫn chưa có tính răn đe, nhiều nghệ sĩ không nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề, chỉ "xin lỗi là xong".

Đại diện Bộ VH-TT-DL cho rằng xin lỗi là cần thiết, thể hiện tinh thần nhận lỗi nhưng xin lỗi suông là không đủ. "Người vi phạm cần tự giác sửa sai, bồi thường, cải chính và chấp hành nghiêm các hình thức xử phạt của pháp luật, không để tái phạm" - ông Lê Quang Tự Do nói.

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng bài học kinh nghiệm từ các nước là vừa cần có quy định cứng là các chế tài xử phạt, vừa quy định mềm là các quy tắc ứng xử, để người của công chúng, nghệ sĩ có cách ứng xử chuẩn mực, khi vi phạm thì sẽ vấp phải phản ứng từ xã hội, công chúng như bị tẩy chay. Theo ông Lê Quang Tự Do, Bộ Thông tin - Truyền thông (trước đây) và Bộ VH-TT-DL đã kết hợp xây dựng thêm Quy chế về việc "hạn chế sự xuất hiện hình ảnh trên báo chí, không gian mạng, sân khấu nghệ thuật biểu diễn" đối với nghệ sĩ vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử.

Dự kiến tới đây sẽ "làm điểm" một vài trường hợp, rất có thể liên quan tới quy định quảng cáo vi phạm. Hiện dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi đã đề xuất bổ sung quy định riêng đối với người nổi tiếng và sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5-2025.

Theo PGS Bùi Hoài Sơn việc xử phạt nghiêm minh đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm các quy định về quảng cáo không phải để triệt tiêu sáng tạo hay hạn chế tự do biểu đạt, mà là để đặt ra giới hạn rõ ràng giữa quyền lực ảnh hưởng và trách nhiệm xã hội.

"Người nổi tiếng cần hiểu rằng, mỗi hành động, mỗi lời nói của họ đều có thể trở thành tấm gương - hoặc là nguồn cảm hứng, hoặc là nguyên nhân dẫn tới sự lệch chuẩn giá trị. Hạn chế hoạt động nghệ thuật hay xuất hiện trên truyền thông không phải là cách chúng ta "trừng phạt", mà là cách để nhắc nhở rằng nghệ thuật cần gắn với đạo đức, ảnh hưởng cần đi kèm với sự chuẩn mực" - PGS Bùi Hoài Sơn nói.

Theo các nhà chuyên môn, mạng xã hội ngày nay không còn đơn thuần là nơi chia sẻ cảm xúc cá nhân - nó đã trở thành một "sân khấu" khổng lồ, nơi người nổi tiếng có thể tác động đến hành vi tiêu dùng, xu hướng văn hóa và thậm chí cả nhận thức xã hội chỉ bằng một bài viết, một video hay một hình ảnh. Khi những "sân khấu" này không còn bị giới hạn bởi khuôn khổ kiểm duyệt truyền thống, thì trách nhiệm đạo đức và tính minh bạch trong phát ngôn càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. 

Gạn đục khơi trong

Theo PGS Bùi Hoài Sơn, hạn chế sự xuất hiện của người vi phạm trên mạng xã hội không phải là giải pháp duy nhất để xóa bỏ hoàn toàn tình trạng quảng cáo sai sự thật. Nhưng đó là một bước đi có tác dụng "gạn đục khơi trong" - làm rõ ranh giới giữa tự do và vô trách nhiệm, giữa sáng tạo và trục lợi. Khi người nổi tiếng hiểu rằng, sự nổi bật không đi liền với đặc quyền miễn trừ đạo đức, thì chính họ sẽ thận trọng hơn trong từng quyết định, từng nội dung họ chia sẻ đến hàng triệu người đang dõi theo họ mỗi ngày.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/nguoi-noi-tieng-quang-cao-lo-het-thoi-xin-loi-la-xong-a219088.html