Khi ông chủ livestream bán hàng

Nhiều doanh nghiệp (DN) vốn chỉ quen với cách truyền thống ở chợ, siêu thị thì nay cũng chuyển mình, tích cực gia nhập đường đua bán hàng online (trực tuyến).

Thậm chí, đích thân chủ DN còn đảm nhận vai trò như người bán hàng chuyên nghiệp trên mạng, tự mình xuất hiện trước ống kính để livestream (phát trực tiếp) chào bán các sản phẩm của chính Cty sản xuất hoặc phân phối.

Đồng hành cùng thương hiệu

Cứ vào khoảng 6 giờ sáng mỗi ngày, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Cty CP Thực phẩm chay Hương Quê (quận 1, TPHCM) lại “lên sóng” livestream bán hàng . Trên tay là tô cơm trắng phủ đầy rong biển sấy giòn, ông Tuấn vừa ăn vừa hồ hởi chia sẻ: “Ngon quá ngon! Cơm nóng hoặc cơm chiên ăn với rong biển sấy này đều rất hợp. Ai muốn ăn sung sướng mà không nấu nướng thì nên thử món này nha”.

Hình ảnh mộc mạc của ông chủ trẻ ăn cơm chay trước ống kính khiến không ít người xem phát thèm và liên tục hỏi giá, chốt đơn.

Khi ông chủ livestream bán hàng- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Luận (ngồi giữa), nhà sáng lập cà phê nông sản Meet More livestream bán cà phê

“Tôi lên livestream không chỉ để bán hàng, mà tôi muốn khách hàng thấy rằng, chính người đứng đầu doanh nghiệp đang trực tiếp dùng sản phẩm mình bán. Tôi ăn thật, cảm nhận thật, điều đó tạo sự tin tưởng mạnh mẽ” - ông Tuấn chia sẻ.

Hiện tại, Cty Hương Quê có tới 7 kênh bán hàng livestream với hơn 10 nhân viên thay ca hoạt động suốt ngày. Nhưng ông Tuấn là người trực tiếp dẫn khách hàng ở các buổi bán hàng. Mỗi phiên livestream của ông Tuấn kéo dài từ 30 phút - 2 giờ đồng hồ, giới thiệu đủ các món chay, từ tảo biển thay thế thịt cá, gia vị đến các món ăn chơi như chuối sứ sấy dẻo, cơm cháy chà bông, bánh rong biển hạt… Trung bình mỗi ngày, Cty có hơn 1.000 món hàng được bán ra.

Phong thái đĩnh đạc, tự nhiên của ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập cà phê nông sản Meet More (huyện Bình Chánh) đưa người xem vào phiên live không chỉ quảng bá cà phê, mà là buổi chuyện trò, chia sẻ kiến thức về cà phê, câu chuyện khởi nghiệp, hành trình phát triển của DN… Ông Luận cho biết, đã tập tành livestream từ hồi năm 2023. Thời điểm đó, ông chủ Meet More cùng các cộng sự gần như “tự bơi” bởi chưa có các lớp đào tạo livestream bài bản.

“Giai đoạn đó, hình thức livestream còn rất mới. Hầu như chưa có một tiêu chuẩn, bài học nào được xem là chuyên nghiệp. Bằng khả năng tự học và kiến thức được cóp nhặt trên nền tảng Internet. Tôi đầu tư khoảng 50 triệu đồng cho một phòng livestream với thiết bị là đèn, điện thoại, bàn xoay… để vừa làm vừa rút kinh nghiệm” - ông Luận nhớ lại.

Thời cơ đến khi năm 2023-2024, TPHCM đẩy mạnh hoạt động bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) qua kênh bán hàng trực tuyến. Meet More và một vài đơn vị tham gia livestream bán nông sản tại huyện Cần Giờ, chợ Bến Thành. Đây cũng là thời gian ông Luận có thể học hỏi thêm kinh nghiệm từ các DN, KOL, KOC (người có sức ảnh hưởng).

Theo ông, trong thời đại số hóa, livestream không còn là công cụ chỉ dành cho các KOLs hay người nổi tiếng mà đã trở thành một chiến lược quan trọng của các DN.

Đặc biệt, ngày càng nhiều lãnh đạo DN trực tiếp xuất hiện trên các nền tảng livestream để chia sẻ về sản phẩm, triết lý kinh doanh và kết nối với khách hàng. Đây là một xu hướng phản ánh sự thay đổi trong cách DN tiếp cận thị trường và xây dựng thương hiệu. “Bây giờ tôi “lên sóng” ngon lành lắm, thậm chí các DN có thể thuê tôi livestream bán hàng cũng được” - ông Luận dí dỏm nói.

Lý giải việc tuần nào cũng có 2 - 3 buổi trực tiếp giới thiệu sản phẩm ở các buổi livestream, bà Nguyễn Thị Lý, chủ một cửa hàng điện máy tại TP Thủ Đức, nói: “Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu người đứng đầu DN không bán được hàng thì sao có thể dẫn dắt và lan tỏa tinh thần tích cực đến các nhân viên.

Thế nên tôi không đứng sau thương hiệu nữa mà quyết định đồng hành cùng thương hiệu. Tôi không cảm thấy ngại mỗi khi tham gia livestream để giới thiệu sản phẩm cũng như tư vấn dịch vụ”.

Theo chuyên gia tư vấn Thành Vũ, người đứng đầu thương hiệu là những người hiểu rõ về sản phẩm nhất, có cảm xúc với sản phẩm, từ đó dễ tạo được sự tích cực cho người mua. Tiếp đến, hình ảnh của “sếp” dễ tạo sự uy tín, cảm giác tin tưởng, an tâm khi mua hàng. Đặc biệt, các CEO, Founder là người có nhiều nguồn lực, chất liệu để phát triển các trang mạng xã hội cá nhân từ các mối quan hệ, sự trải nghiệm, kinh nghiệm, khả năng kết nối… Đây là một chiến lược bán hàng tốt ở những giai đoạn đầu, sẽ giúp tối ưu và tiết kiệm chi phí cho DN.

Tăng tốc nhờ livestream

Theo bà Lý, nhiều người muốn làm video nhưng ngần ngại vì không hoạt ngôn, chưa biết tương tác với ống kính nên xuất hiện trên video thiếu tự tin… Tuy nhiên tất cả đều có thể khắc phục được bằng cách thường xuyên đọc sách để bổ sung vốn từ, tập luyện ánh mắt...

“Điều quan trọng, làm sao để hình ảnh chân thực nhất có thể nhằm tạo niềm tin cho người xem. Các video chúng tôi thực hiện có thể lượt xem ít hơn các nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp nhưng tỷ lệ chuyển đổi thành đơn hàng khá cao” - bà Lý nói.

“Khi chủ DN lên sóng livestream thì phải cân nhắc, cẩn trọng trong từng câu nói; đồng thời xây dựng thương hiệu cá nhân vững chắc. Vì thương hiệu cá nhân gắn liền với thương hiệu Cty, chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ ảnh hưởng cả DN” - ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn nhìn nhận.

Việc livestream bán hàng của ông Tuấn không chỉ dừng lại trong nước, nhiều đối tác nước ngoài sau khi xem ông chủ livestream đã quyết định ký hợp đồng nhập khẩu. Nhờ kết hợp hiệu quả giữa sản phẩm chất lượng, phong cách bán hàng chân thực và chiến lược livestream bài bản, doanh thu của Hương Quê tăng trưởng nhanh chóng.

Hiện mỗi tháng, Cty đạt trung bình trên 10 tỷ đồng doanh thu, trong đó khoảng 3 tỷ đến từ các phiên livestream.

Ông Nguyễn Thế Sĩ Quý, đại diện Cty Vissan cho biết, DN có kết hợp với một sàn thương mại điện tử để tổ chức những phiên livestream độc quyền mỗi tháng, đồng thời tự livestream bán hàng mỗi ngày ngay tại cửa hàng.

“Từ khi Vissan livestream bán hàng, lượng đơn hàng đều tăng từ 100 - 200%. Chúng tôi dự kiến sẽ phát trực tiếp thường xuyên hơn, có nhiều khuyến mãi vào các khung giờ khác nhau để thúc đẩy doanh số bán hàng” - ông Quý nói.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Việt Thắng Jean (TP Thủ Đức) chia sẻ, để kinh doanh trực tuyến nói chung và livestream nói riêng, DN đã đầu tư xây dựng các kênh bán hàng, thiết bị công nghệ, hệ thống quản trị phần mềm, đội ngũ bán hàng và xây dựng hình ảnh, video… một cách bài bản. Có những thời điểm livestream, đơn vị này tiếp cận tới 500.000 khách hàng.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương TPHCM cho biết, hình thức mua sắm kết hợp với giải trí như livestream đang phát triển rất mạnh, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và người bán.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như hàng giả, kém chất lượng, lừa đảo trực tuyến… Sở Công Thương đang xây dựng công cụ thu thập hệ thống dữ liệu giao dịch thương mại điện tử, dữ liệu kho hàng, dữ liệu nhà bán… nhằm điều hướng, hỗ trợ các cơ quan thuế, quản lý thị trường thực hiện chức năng quản lý có trọng tâm, trọng điểm.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/khi-ong-chu-livestream-ban-hang-a219094.html