Tranh luận trường công, bệnh viện công vẫn phải 'cõng' thêm thuế

Đại biểu Quốc hội phản ánh bất hợp lý, khi học phí, viện phí của các cơ sở công lập tự chủ đều phải tính thêm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính khẳng định, đơn vị sự nghiệp công lập tự quyết giá dịch vụ theo thị trường thì khoản thu nhập này phải tính thuế.

Học sinh, người bệnh phải gánh chịu

Sáng 12/5, thảo luận về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc áp thuế này đối với các khoản viện phí , học phí tại các cơ sở công lập.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phản ánh, các đơn vị y tế, giáo dục công lập, tự chủ hiện nay đều phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp , không được miễn thuế.

Tranh luận trường công, bệnh viện công vẫn phải 'cõng' thêm thuế- Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Như Ý

Có nghĩa là, khi tính giá học phí tại các trường công lập tự chủ, viện phí của các bệnh viện công tự chủ, đều phải tính thêm 2% chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp. Học sinh, người bệnh là người trực tiếp bị ảnh hưởng.

Đại biểu đoàn Hà Nội chỉ ra, trong cơ sở công lập, hầu hết cơ sở vật chất, kỹ thuật do Nhà nước đầu tư, giá trị không được khấu hao. Phần chênh lệch thu chi, thực chất là khấu hao còn lại, đáng lẽ phải được giữ lại để tái đầu tư, tuy nhiên lại bị tính thuế. Trong khi đó, Đảng, Nhà nước có chủ trương miễn học phí, thậm chí miễn viện phí, việc thu thuế như trên là không đồng nhất về mặt chủ trương.

Từ đó, ông Hoàng Văn Cường đề nghị không thu thuế với các hoạt động cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục của các đơn vị công lập, trừ những hoạt động liên doanh, liên kết với bên ngoài.

Tranh luận sau đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nguyễn Vân Chi nói rõ, theo cơ chế hiện hành, đơn vị sự nghiệp công lập chỉ nộp thuế với khoản kinh doanh thêm thì thu ở mức 2% , còn không hề thu thuế với khoản như viện phí, học phí của các cơ sở bệnh viện, trường học công lập đang tự chủ.

Tranh luận trường công, bệnh viện công vẫn phải 'cõng' thêm thuế- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định). Ảnh: Như Ý

Cứ có chữ ' dịch vụ ' là thu thuế

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cũng nêu mắc về việc đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 2% tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập tự chủ.

"Trong thực tế, cơ quan thuế hiện căn cứ vào hai chữ ‘dịch vụ’ - cứ có chữ dịch vụ là thu. Trong khi đó, hệ thống y tế có khái niệm “thu từ dịch vụ sự nghiệp công”, nên đại đa số các dịch vụ của bệnh viện đều bị đánh thuế", đại biểu Hiếu nêu.

Chính vì vậy, ông đề nghị bổ sung quy định: Đơn vị bệnh viện công không phải tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu từ dịch vụ chữa bệnh chưa tính đủ các chi phí hình thành giá dịch vụ , nhân công, thiết bị y tế, chi phí quản lý...

Ngoài ra, đại biểu ngành Y tế cũng kiến nghị bổ sung điều khoản thu nhập nhận được từ tài trợ, bao gồm tiền và hiện vật, nếu sử dụng đúng cho các hoạt động giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo...thì không phải chịu thuế.

Từ đó, các bệnh viện có thể đầu tư mua sắm trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất... “Các quy định này sẽ làm rõ tính toán minh bạch, giảm rủi ro pháp lý cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xã hội”, ông Hiếu cho hay.

Tranh luận trường công, bệnh viện công vẫn phải 'cõng' thêm thuế- Ảnh 3.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Như Ý

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, cung cấp dịch vụ dùng ngân sách hoặc một phần ngân sách. Nếu các đơn vị sự nghiệp công lập như y tế, giáo dục tự quyết giá dịch vụ theo thị trường thì khoản thu nhập này phải tính thuế là hợp lý.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, với đơn vị sự nghiệp công dùng kinh phí Nhà nước, giá dịch vụ cung ứng chưa tính đủ chi phí thì ngân sách hỗ trợ một phần trong cơ cấu giá. Các hoạt động này, không phải hoạt động tạo ra lợi nhuận, nên có thể được hưởng ưu đãi, miễn thuế .

Vì thế, dự thảo luật quy định miễn thuế với đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công cơ bản thiết yếu, dịch vụ công Nhà nước phải hỗ trợ để đảm bảo kinh phí hoạt động.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/tranh-luan-truong-cong-benh-vien-cong-van-phai-cong-them-thue-a220197.html