Doanh thu toàn thị trường tăng trưởng trở lại
Theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), quý đầu năm 2025 đã chứng kiến sự phục hồi rõ nét của thị trường ô tô nội địa, với tổng lượng tiêu thụ lên tới 72.249 xe, tương đương mức tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xe du lịch tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất với 51.089 xe, tăng 22%; xe thương mại đạt 20.360 chiếc, ghi nhận mức tăng ấn tượng 28%; còn xe chuyên dụng đạt 800 xe, cao gấp đôi so với cùng kỳ, tăng tới 104%.
Xét theo nguồn gốc xuất xứ, số lượng xe lắp ráp trong nước tiêu thụ tính đến cuối tháng 3/2025 đạt 35.074 xe, tăng 13% so với quý I/2024. Tuy nhiên, ô tô nhập khẩu lại vượt trội hơn, với 37.175 xe được bán ra – tăng mạnh 36%. Dữ liệu từ VAMA cho thấy cả ba phân khúc chính đều phục hồi rõ rệt, với xe chuyên dụng có mức tăng trưởng đột phá nhất.
Tổng lượng tiêu thụ ô tô nội địa lên tới 72.249 xe, tương đương mức tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bức tranh tích cực ấy, TC Group – đơn vị phân phối xe Hyundai tại Việt Nam – đã ghi nhận cú bứt phá về doanh số trong tháng 3/2025. Sau hai tháng đầu năm khá trầm lắng, lần đầu tiên doanh số Hyundai vượt mốc 5.000 xe/tháng. Cụ thể, hãng bán ra 5.368 xe trong tháng 3, tăng trưởng tới 77,6% so với tháng 2.
Tổng cộng trong ba tháng đầu năm, Hyundai Việt Nam đạt doanh số 11.474 xe, tăng 13,44% so với cùng kỳ năm 2024.
VinFast, thương hiệu xe điện nội địa, tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu thị trường với kết quả ấn tượng: hơn 12.100 xe được bàn giao tới tay khách hàng trong riêng tháng 3/2025. Như vậy, lũy kế quý I/2025, VinFast đã tiêu thụ trên 35.100 xe tại thị trường Việt Nam, tiếp tục dẫn đầu về doanh số bán hàng trong nước.
Kết quả kinh doanh phân hoá
Trong khi thị trường chung có dấu hiệu phục hồi, không phải doanh nghiệp ô tô nào cũng ghi nhận kết quả tài chính khả quan. CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco – HoSE: HAX), nhà phân phối chính hãng của Mercedes-Benz tại Việt Nam, ghi nhận doanh thu thuần gần 959 tỷ đồng trong quý I/2025, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng giảm mạnh, chỉ còn 16,5 tỷ đồng, thấp hơn 1,8 lần so với quý I/2024.
Lý giải cho sự sụt giảm này, Haxaco cho biết thị trường xe sang vẫn đang đối mặt với khó khăn, khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Doanh thu riêng công ty mẹ giảm 28%, kéo theo biên lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù đã đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 là 260 tỷ đồng, nhưng sau ba tháng đầu năm, Haxaco mới hoàn thành chưa đến 9% kế hoạch.
CTCP City Auto (HoSE: CTF) trong quý I/2025 ghi nhận tăng trưởng về doanh thu trong quý I/2025, đạt hơn 2.010 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ. Lãi gộp cũng có cải thiện đáng kể với mức tăng 65,7%, lên 117,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí gia tăng và sức mua chung chưa phục hồi mạnh khiến lợi nhuận ròng của doanh nghiệp giảm sâu, chỉ còn hơn 2,9 tỷ đồng, tương đương mức giảm 62,3% so với quý I/2024. Báo cáo tài chính cũng cho thấy tổng tài sản của City Auto tăng 7,7% lên gần 4.219 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm hơn 656 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM – UPCoM: VEA) cũng ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu trong quý I/2025, đạt 1.046 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tương ứng tăng lên gần 155 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do lãi tiền gửi ngân hàng giảm và khoản lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết đi xuống, lợi nhuận sau thuế của VEAM chỉ đạt 1.277,7 tỷ đồng, giảm 11%.
Hiện VEAM đang đầu tư hơn 7.738 tỷ đồng vào các liên doanh lớn như Honda Việt Nam (6.302 tỷ đồng), Toyota Việt Nam (562,8 tỷ đồng) và Ford Việt Nam (781,7 tỷ đồng). Khoản lợi nhuận từ các đơn vị này giảm 11% trong quý I, ảnh hưởng đáng kể tới kết quả tài chính chung của VEAM.
Một điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận đến từ CTCP Ô tô TMT (TMT Motors – HoSE: TMT). Trong quý I/2025, doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần 676 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả sản phẩm bán ra đều là các dòng xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gộp đạt 61,3 tỷ đồng, tăng 7%.
Đáng chú ý, chi phí tài chính của TMT Motors đã giảm đáng kể, từ 26,6 tỷ đồng quý I/2024 xuống chỉ còn 6,6 tỷ đồng. Công ty cho biết đã chủ động đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho và tất toán sớm nhiều khoản vay ngân hàng.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng lần lượt giảm 43% và 13%. Nhờ đó, lãi sau thuế quý I/2025 của TMT Motors đạt 33,76 tỷ đồng, tăng vượt trội so với mức chỉ 269 triệu đồng cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng hơn 124 lần. Tuy nhiên, công ty vẫn đang gánh khoản lỗ lũy kế hơn 236 tỷ đồng.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2025 diễn ra cuối tháng 4, TMT Motors đã thông qua kế hoạch thành lập công ty con chuyên đầu tư và kinh doanh trạm sạc xe điện.
Mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư ít nhất 30.000 trạm sạc (tương đương 60.000 súng sạc) đạt chuẩn châu Âu (CCS2) hoặc các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường, công suất từ 7kW trở lên. Công ty có thể tự đầu tư hoặc liên doanh với đối tác trong và ngoài nước sở hữu công nghệ trạm sạc tiên tiến.
Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/nganh-o-to-sau-chu-ky-tram-lang-nguoi-vung-tay-lai-ke-hut-hoi-a220293.html