Hai đơn vị 'truy' chất cấm trong sầu riêng

Việc "bắt tay" giữa Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Wasi) và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk nghiên cứu diễn ra trong bối cảnh ngành hàng sầu riêng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc kiểm soát chất lượng, dịch hại và các chất hoá học tồn dư trong quả sầu riêng.

Việc hợp tác nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác sầu riêng giai đoạn 2025 - 2030. Mục tiêu của chương trình hợp tác là nhằm nghiên cứu, phối hợp xử lý Cadimi và các loại hoá chất tồn dư trong đất; xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật ngành cho sầu riêng Đắk Lắk; nghiên cứu các loại giống và phân vùng sinh thái tối ưu cho sầu riêng tỉnh này.

Hai đơn vị này sẽ lập ra tổ hành động để thực hiện cho kịp tiến độ, bởi chỉ còn khoảng 3 tháng nữa Đắk Lắk bước vào vụ thu hoạch sầu riêng. Đây là địa phương có diện tích, sản lượng lớn nhất nước với trên 33.000ha, sản lượng đạt hơn 300.000 tấn/năm.

Thời gian qua, phía Trung Quốc (thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn của Việt Nam) đã phát đi các cảnh báo về chất Cadimi, vàng O . Đối tác đã yêu cầu phải có giấy kiểm định mới cho nhập khẩu.

Hiện cả nước có 9 trung tâm, phòng kiểm nghiệm chất vàng O được Trung Quốc công nhận, việc này nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm định hàng hoá để xuất khẩu. Song vấn đề gốc rễ, mấu chốt mà nhiều người quan tâm: Chất Cadimi và vàng O xuất phát từ đâu?

Hai đơn vị 'truy' chất cấm trong sầu riêng- Ảnh 1.

Sầu riêng Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Xuân Hòa - Trưởng Bộ môn Hệ thống nông nghiệp, Viện Wasi - cho biết chỉ khi tìm ra nguyên nhân Cadimi hay vàng O tồn tại trong trái sầu riêng thì mới có cách xử lý, khắc phục triệt để. Ô ng Hòa kỳ vọng lần hợp tác giữa Viện Wasi và Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk sẽ trả lời được câu hỏi trên.

Ông Vũ Quang Phúc - đại diện Công ty CP Tập đoàn Chung Bảo Tín - cho biết, công ty đóng hàng nhiều nhất tại tỉnh Đắk Lắk với gần 200 container. Theo ông Phúc, vấn đề doanh nghiệp gặp khó hiện nay là tìm được vùng nguyên liệu không nhiễm chất Cadimi và kim loại nặng. Ông Phúc rất mong chờ vào sự hợp tác thành công giữa Wasi và Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk.

“Khi họ kiểm nghiệm và công bố vùng nào không nhiễm Cadimi, kim loại nặng… thì doanh nghiệp rất thuận lợi để chọn được vùng nguyên liệu an toàn”, ông Phúc nói.

Bản thân ông Phúc cũng đã gặp phải tình trạng lô sầu riêng bị phát hiện có chất vàng O. “Chúng tôi không sử dụng chất nhúng sầu riêng nhưng khi đến cửa khẩu kiểm tra thì bị thông báo có chất vàng O. Chúng tôi không biết chất này có từ đâu nên cũng rất mong các cơ quan chuyên môn vào cuộc nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục”, ông Phúc nói thêm.

Hai đơn vị 'truy' chất cấm trong sầu riêng- Ảnh 2.

Nông dân Tây Nguyên thu hoạch sầu riêng.

Ông Lê Anh Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk - cho hay: “Chúng ta vẫn đang thực hành theo đúng Nghị định thư của Trung Quốc. Những yêu cầu của họ về việc kiểm dịch thực vật hay tồn dư kim loại nặng là chính đáng. Vấn đề là chúng ta phải xây dựng được quy trình trồng, chăm sóc, sơ chế, đóng gói… đáp ứng các tiêu chuẩn của đối tác. Nếu không đáp ứng, khả năng cao phải giải cứu sầu riêng. Đây là nghịch lý bởi nhu cầu thị trường rất lớn và các yêu cầu của họ nằm trong khả năng của ta”.

Ông Trung nói thêm, hiện Thái Lan cũng đang triển khai chương trình hợp tác như Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk và Viện Wasi đang làm. Họ có sự cam kết, đồng hành từ người dân, doanh nghiệp.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/hai-don-vi-truy-chat-cam-trong-sau-rieng-a220301.html