Người hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không cần thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng?

Trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số nên có sự linh hoạt hình thức thông báo nhằm tạo thuận lợi cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo quy định của Luật Việc làm hiện hành, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), hằng tháng, người lao động (NLĐ) phải trực tiếp thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) nơi đang hưởng về việc tìm kiếm việc làm, trừ các trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn (có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh) hoặc trường hợp bất khả kháng. Trường hợp NLĐ không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định sẽ bị tạm dừng hưởng TCTN.

Tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất, trách nhiệm thông báo về việc tìm kiếm việc làm của NLĐ đã có sự thay đổi so với quy định trước đó. Cụ thể, dự thảo quy định trong thời gian hưởng TCTN, hằng tháng, NLĐ phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm cho tổ chức DVVL công nơi đang hưởng TCTN; Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Người hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không cần thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng?- Ảnh 1.

Người lao động làm thủ tục hưởng TCTN tại sàn giao dịch việc làm ở TP HCM

Theo giải thích của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, quy định trên được chỉnh lý từ việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Việc giao Chính phủ quy định chi tiết là để bảo đảm linh hoạt, thuận lợi cho NLĐ.

Từ thông tin trên, NLĐ có hy vọng nếu dự thảo luật được Quốc hội thông qua, thời gian tới, ngoài hình thức thông báo tìm kiếm việc làm trực tiếp hằng tháng, NLĐ có thể chọn các hình thức khác, linh hoạt hơn, chẳng hạn khai báo trực tuyến.

Theo Trung tâm DVVL TP HCM, thời gian hưởng TCTN của NLĐ tối thiểu 3 tháng, tối đa 12 tháng. Trung bình một đợt hưởng TCTN, một NLĐ sẽ phải đến Trung tâm DVVL từ 4 - 14 lần, trong khi số lượng người làm thủ tục đông đã gây áp lực rất lớn cho trung tâm DVVL trong việc tiếp, xử lý hồ sơ.

Còn bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết trước đây, chỉ vì không nhớ lịch hẹn đến Trung tâm DVVL thông báo tình hình việc làm mà bà bị dừng hưởng TCTN 1 tháng. 

"Lịch thông báo tìm kiếm việc làm quy định không nhất quán, mỗi tháng một ngày khác nhau nên NLĐ gặp nhiều khó khăn, phiền toái, thậm chí thiệt thòi. Do vậy, nên thống nhất lịch thông báo tìm kiếm việc làm vào đầu mỗi tháng để NLĐ dễ nhớ, đồng thời nên cho phép khai báo tìm kiếm việc làm hằng tháng bằng hình thức trực tuyến để tránh phiền phức cho NLĐ" - bà Thảo nói.

Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Hành chính- Nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), cho rằng NLĐ đăng ký hưởng TCTN là do chưa có việc làm phù hợp hoặc đang thử việc, chưa giao kết hợp đồng lao động và phát sinh tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. 

"Vì khoản TCTN không đủ sống nên trong thời gian hưởng NLĐ cũng phải kiếm việc tạm thời để mưu sinh. Vậy nên quy định buộc NLĐ mỗi tháng phải đi thông báo trực tiếp gây khó khăn cho họ vừa không phù hợp với thời đại 4.0, cần xem xét lại" - ông Sơn nói.

ThS Hoàng Thị Minh Tâm, Giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, nhìn nhận nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính nên cần linh hoạt giữa hình thức thông báo trực tiếp và trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho NLĐ trong thời gian hưởng TCTN; đảm bảo tuân thủ nguyên tắc việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, đảm bảo kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/nguoi-huong-tro-cap-that-nghiep-se-khong-can-thong-bao-tim-kiem-viec-lam-hang-thang-a220319.html