Sầu riêng 'vấp ngã' khiến xuất khẩu rau quả lao dốc

Từ cú bứt tốc ngoạn mục năm ngoái, đầu năm nay, ngành rau quả tự tin với mục tiêu xuất khẩu đạt 8 tỷ USD. Nhưng, “cú vấp ngã” của sầu riêng - mặt hàng xuất khẩu chủ lực - đã khiến ngành hàng tỷ USD e ngại không thể đạt được “giấc mơ”.

Theo nhận định của ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), mục tiêu xuất khẩu rau quả thu về 8 tỷ USD trong năm nay khó đạt được.

Giấc mơ khó thành hiện thực

VINAFRUIT cho biết, năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt gần 7,2 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ. Đây là kỷ lục của ngành rau quả Việt Nam và cũng là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024. Đứng đầu về danh sách rau quả xuất khẩu là sầu riêng với giá trị ước đạt 3,3 tỷ USD; tiếp theo là thanh long khoảng 435 triệu USD; tiếp đến là chuối, xoài và một số mặt hàng khác như mít, dừa, dưa hấu…

Từ cú bứt tốc ngoạn mục năm ngoái, đầu năm nay, ngành rau quả tự tin với mục tiêu xuất khẩu đạt 8 tỷ USD. Nhưng “cú vấp ngã” của sầu riêng - mặt hàng xuất khẩu chủ lực - đã khiến ngành hàng tỷ USD này e ngại không thể đạt được “giấc mơ”.

Sầu riêng 'vấp ngã' khiến xuất khẩu rau quả lao dốc- Ảnh 1.

Xuất khẩu rau quả chỉ đạt 1,6 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm. Ảnh: Mạnh Hưng.

Số liệu từ Cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu rau quả Việt Nam trong tháng 4 chỉ đạt hơn 520 triệu USD, tăng gần 10% so với tháng trước, nhưng giảm tới 13% so với tháng 4/2024.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, ngành này chỉ thu về hơn 1,6 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường lớn nhất của rau quả Việt - chỉ đạt hơn 777 triệu USD, giảm gần 33%.

Mặc dù sụt giảm nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm gần 46% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả. Mỹ và Hàn Quốc là 2 thị trường lớn tiếp theo, lần lượt chiếm 9% (đạt 154 triệu USD) và 6% (đạt 101 triệu USD).

Theo ông Nguyên, việc sầu riêng “vấp ngã” tại thị trường Trung Quốc đã khiến ngành rau quả trượt dài với 4 tháng xuất khẩu rau quả giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2024.

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng sầu riêng nhập khẩu. Các tiêu chuẩn về kiểm dịch, dư lượng chất cadmium, vàng O và truy xuất nguồn gốc được siết chặt đã khiến nhiều lô hàng không đạt chuẩn bị trả về, tạo ra sự đứt gãy trong chuỗi tiêu thụ.

Sầu riêng 'vấp ngã' khiến xuất khẩu rau quả lao dốc- Ảnh 2.

Xuất khẩu sầu riêng giảm rất mạnh. Ảnh minh họa: IT.

Ông Nguyên nhấn mạnh: “Đã qua 4 tháng mà xuất khẩu rau quả chỉ đạt 1,6 tỷ. Kể cả khi tình trạng kẹt xuất khẩu của sầu riêng được khắc phục, mục tiêu đạt kim ngạch 8 tỷ USD cũng khó có thể đạt được”.

Trước thực trạng đó, ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) - đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện hàng loạt giải pháp trước mắt và lâu dài để xuất khẩu sầu riêng thuận lợi hơn. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm được Bộ thực hiện trong thời gian tới.

Ông Duy nhấn mạnh: “Sầu riêng là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang một thị trường cũng chủ lực, do vậy phải rất khẩn trương, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục".

Những điểm sáng có thể kỳ vọng

Dù xuất khẩu sụt giảm nhưng trong bức tranh xuất khẩu rau quả những tháng đầu năm cũng nổi lên nhiều điểm sáng để chúng ta có thể kỳ vọng.

Trong khi kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước giảm thì xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến lại ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt, đặc biệt là thị trường Mỹ. Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương cho thấy, Việt Nam là nguồn cung hàng rau, hoa, củ, quả và sản phẩm chế biến lớn thứ 11 cho Mỹ trong 2 tháng đầu năm, đạt 122,4 triệu USD, tăng 57,7% so cùng kỳ năm 2024.

Ngoài sầu riêng, nhiều loại trái cây khác như chuối, mít, xoài, nhãn, vải thiều , thanh long cũng có tiềm năng lớn và đang được đẩy mạnh xuất khẩu tươi, chế biến đông lạnh, và sấy khô. Đặc biệt, xuất khẩu xoài và dừa có xu hướng tăng mạnh. Trong 2 tháng, xuất khẩu xoài thu về 52 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu dừa thu về 33 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sầu riêng 'vấp ngã' khiến xuất khẩu rau quả lao dốc- Ảnh 3.

Vải thiều được mùa dự báo một mùa bội thu cho bà con nông dân. Ảnh: Báo Nhân dân.

Vải vốn là loại quả được tiêu thụ chủ yếu trong nước, nhưng năm nay với sản lượng tăng trưởng ấn tượng cũng đã được chú trọng vào xuất khẩu. Tổng sản lượng vải dự kiến trên cả nước đạt khoảng 303.000 tấn, tăng 30% so với năm trước. Bộ NN&MT dự kiến sẽ đẩy mạnh xuất khẩu khoảng 40% sản lượng.

Một bước tiến đáng kể trong niên vụ vải năm nay là việc Nhật Bản chấp thuận để Việt Nam tự giám sát quá trình xử lý kiểm dịch xuất khẩu vải thay vì cử chuyên gia sang giám sát như các năm trước. Bên cạnh đó, Mỹ vừa phê duyệt thêm ba mã số vùng trồng tại Bắc Giang, đưa tổng số mã vùng được cấp phép của tỉnh lên hơn 240, tương ứng với gần 18.000 ha. Những tín hiệu này cho thấy niềm tin ngày càng lớn của các thị trường khó tính đối với chất lượng và năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm của Việt Nam.

Hồi tháng 4, Bộ NN&MT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 4 Nghị định thư, trong đó có 2 Nghị định thư về xuất khẩu ớt và chanh leo. Điều này củng cố thêm kỳ vọng vào kết quả xuất khẩu rau quả trong năm nay.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/sau-rieng-vap-nga-khien-xuat-khau-rau-qua-lao-doc-a220544.html