Chốt thời gian khởi công siêu dự án đường sắt gần 200.000 tỷ đồng đi qua 9 tỉnh, thành kết nối với biên giới Trung Quốc

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua 9 tỉnh, thành kết nối với biên giới Trung Quốc là dự án đường sắt điện khí hóa triển khai đầu tiên tại Việt Nam.

Dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài hơn 403km, đi qua 9 tỉnh, thành phố, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.

Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa Ga Lào Cai mới và Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận thành phố Lào Cai. Điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận thành phố Hải Phòng.

Tính toán sơ bộ, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 194.929 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 8 tỷ USD).

Dự án có quy mô lớn, phạm vi trải dài, áp dụng công nghệ kỹ thuật mới, tích hợp nhiều chuyên ngành, là dự án đường sắt điện khí hóa triển khai đầu tiên tại Việt Nam.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Theo đó, về tiến độ thực hiện, Chính phủ yêu cầu hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu tư vấn để thực hiện công tác khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các công việc liên quan trong tháng 5 năm 2025.

Thực hiện các thủ tục chỉ định thầu liên danh tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật tổng thể trong tháng 5 năm 2025.

Khảo sát, lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật tổng thể (bao gồm dự toán) từ tháng 6 năm 2025 và hoàn thành một số gói thầu trong tháng 9 năm 2025.

Phối hợp với các cơ quan liên quan của Trung Quốc để đàm phán, ký kết Hiệp định xây dựng cầu chung tại biên giới hai nước trong tháng 7 năm 2025; phấn đấu hoàn thành công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các công việc liên quan trong tháng 7 năm 2025.

Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trong tháng 8 năm 2025.

Tổ chức lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án theo hình thức chỉ định thầu, ký kết hợp đồng và đảm bảo các điều kiện để khởi công xây dựng trong tháng 12 năm 2025.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố lập, phê duyệt dự án xây dựng các khu tái định cư đảm bảo tổ chức khởi công đồng loạt các khu tái định cư trong năm 2025; các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện, hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, di dời công trình đường điện bị ảnh hưởng bởi Dự án từ tháng 4 năm 2025 đến tháng 9 năm 2026.

Chính phủ yêu cầu triển khai thi công xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị, phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất vào năm 2030.

Bộ Xây dựng rà soát, đăng ký nhu cầu vốn; Bộ Tài chính chủ trì tham mưu Chính phủ cân đối bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện.

Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chủ trì rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vùng phụ cận ga đường sắt, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (nếu cần) để triển khai dự án khai thác quỹ đất theo mô hình TOD.

Tổ chức lập, phê duyệt dự án khai thác quỹ đất theo mô hình TOD tại các ga đường sắt; bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phát triển vùng lân cận và tổ chức đấu giá quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt để phát triển đô thị theo quy định của pháp luật.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/chot-thoi-gian-khoi-cong-sieu-du-an-duong-sat-gan-200000-ty-dong-di-qua-9-tinh-thanh-ket-noi-voi-bien-gioi-trung-quoc-a220628.html