Cuộc đua hút tiền gửi: VPBank, SHB, HDBank bứt phá, Vietcombank, TPBank, SeABank bất ngờ tăng trưởng âm

Tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank giảm hơn 5.500 tỷ đồng trong quý đầu năm sau khi ông lớn này có liên tiếp 2 quý cuối năm 2024 bùng nổ. TPBank và SeABank cũng đi ngược xu hướng khi giảm tới gần 9.700 tỷ đồng và 8.300 tỷ đồng. Trong khi đó, VPBank có quý hút tiền gửi mạnh nhất từ trước tới nay.

Theo dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý I/2025 của các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, tổng số dư tiền gửi khách hàng tiếp tục lập đỉnh mới với 11,41 triệu tỷ đồng, tăng 2,44% so với cuối năm 2024. Dữ liệu từ biểu đồ diễn biến tiền gửi khách hàng tại các ngân hàng niêm yết cho thấy, từ quý I/2021 đến quý I/2025, tổng số dư tiền gửi mới chỉ có 1 lần sụt giảm, vào quý 3/2022, còn lại đều tăng so với quý trước.

Cuộc đua hút tiền gửi: VPBank, SHB, HDBank bứt phá, Vietcombank, TPBank, SeABank bất ngờ tăng trưởng âm- Ảnh 1.

Trong số các ngân hàng niêm yết, VPBank nổi lên với mức tăng trưởng tiền gửi khách hàng mạnh mẽ nhất trong quý I/2025. Số dư tiền gửi của VPBank tăng tới 66.707 tỷ đồng, tương đương 13,7% so với cuối năm 2024, đưa tổng số dư lên 552.374 tỷ đồng và giúp ngân hàng này nhảy vọt 3 bậc, từ thứ 9 vươn lên vị trí thứ 6 toàn ngành về quy mô tiền gửi khách hàng. Theo thống kê, đây cũng là quý mà VPBank hút nhiều tiền gửi nhất từ trước tới nay.

Trong thời gian tới, huy động tại VPBank có thể còn tăng cao hơn nữa nhờ sự kiện VPBank K-Star Spark in Vietnam 2025, nơi VPBank đưa nghệ sĩ G-Dragon về biểu diễn.

SHB cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, với số dư tiền gửi tăng thêm 30.219 tỷ đồng, tương đương 6%, đạt 530.116 tỷ đồng. HDBank tăng 27.816 tỷ đồng, tương đương 6,4%, lên mức 465.321 tỷ đồng. VPBank, SHB và HDBank là 3 ngân hàng hút thêm nhiều tiền gửi nhất trong quý đầu năm 2025.

Ngoài ra, nếu tính theo tỷ lệ tăng trưởng, Nam A Bank và KienlongBank cũng là 2 cái tên gây chú ý khi tăng trưởng tiền gửi lên tới 11,4% và 11,8% chỉ trong một quý, đạt tương ứng 176.386 tỷ đồng, và 70.990 tỷ đồng.

Cuộc đua hút tiền gửi: VPBank, SHB, HDBank bứt phá, Vietcombank, TPBank, SeABank bất ngờ tăng trưởng âm- Ảnh 2.

Trong nhóm các ngân hàng lớn niêm yết, BIDV tiếp tục là ngân hàng có số dư tiền gửi lớn nhất hệ thống với gần 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2024. VietinBank đứng thứ hai với 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 0,9%. Vietcombank giữ vị trí thứ ba với 1,51 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là Vietcombank ghi nhận mức giảm 5.551 tỷ đồng (-0,4%), là một trong số ít ngân hàng lớn có số dư tiền gửi sụt giảm trong quý đầu năm 2025. Còn nhớ, quý 1 năm ngoái Vietcombank cũng tăng trưởng âm 3,47% trong quý 1, nhưng kết thúc năm vẫn đạt tăng trưởng 8,52%, nhờ quý 3 và quý 4 bùng nổ.

Cùng với Vietcombank, còn có 4 ngân hàng khác tăng trưởng âm.

Techcombank giảm 1.809 tỷ đồng (-0,3%), xuống còn 531.583 tỷ đồng. TPBank giảm mạnh nhất, với mức giảm 9.691 tỷ đồng (-4%), xuống còn 233.115 tỷ đồng. SeABank giảm 8.277 tỷ đồng (-4,9%), xuống còn 160.043 tỷ đồng và ABBank giảm 971 tỷ đồng (-1,1%) xuống 89.749 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân của sự sụt giảm này có thể đến từ việc các ngân hàng này chủ động cơ cấu lại nguồn vốn huy động, ưu tiên các nguồn vốn trung dài hạn hoặc giảm bớt áp lực chi phí huy động trong bối cảnh nhu cầu tín dụng chưa thực sự bứt phá. Ngoài ra, việc cạnh tranh lãi suất huy động giữa các ngân hàng tư nhân cũng khiến một bộ phận khách hàng dịch chuyển dòng tiền sang các ngân hàng có ưu đãi lớn hơn.

Cuộc đua hút tiền gửi: VPBank, SHB, HDBank bứt phá, Vietcombank, TPBank, SeABank bất ngờ tăng trưởng âm- Ảnh 3.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý II/2025 của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng (TCTD) ước tính, trong Quý I/2025 mặt bằng lãi suất huy động vốn VNĐ bình quân các kỳ hạn giảm nhẹ 0,03-0,05 điểm %, mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ giảm nhẹ 0,08-0,1 điểm % so với quý trước.

Các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động vốn VNĐ bình quân toàn hệ thống duy trì ổn định trong Quý II/2025 và chỉ tăng rất nhẹ 0,02 điểm % đối với các kỳ hạn trên 6 tháng và tăng nhẹ 0,17 điểm % với các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống trong cả năm 2025, trong khi dự báo mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ bình quân toàn hệ thống tiếp tục giảm nhẹ 0,03-0,08 điểm % trong Quý II/2025 và cả năm 2025.

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép trong thời gian tới, xuất phát từ nhiều lý do.

Thứ nhất, lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua.

Thứ hai, nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dự kiến gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong khi đó huy động vốn toàn hệ thống TCTD có thể bị ảnh hưởng và cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác (như bất động sản, thị trường chứng khoán).

Thứ ba, mặt bằng lãi suất thế giới có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao và thị trường tài chính toàn cầu khó đoán định sau khi Mỹ tuyên bố chính sách thuế đối ứng.

Về định hướng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

 

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/cuoc-dua-hut-tien-gui-vpbank-shb-hdbank-but-pha-vietcombank-tpbank-seabank-bat-ngo-tang-truong-am-a221669.html