Thay thế Trung Quốc, quốc gia G20 sở hữu kho báu cả thế giới khao khát: Trữ lượng đứng thứ 2 toàn cầu, gấp 10 lần Mỹ

Quốc gia Nam Mỹ có trữ lượng lớn thứ hai thế giới ở mặt hàng này, chỉ sau Trung Quốc

Theo WSJ, tại Brazil, những cỗ máy đang nghiền nát những đống đất sét đỏ để tạo ra những tảng đá phấn chứa đầy kim loại đất hiếm – một loại nguyên liệu quan trọng dùng để sản xuất ô tô điện, điện thoại thông minh và tên lửa. Và tất cả những khoáng sản này sẽ đến thẳng Mỹ.

Trung Quốc khai thác khoảng 70% đất hiếm trên thế giới - nhóm 17 nguyên tố kim loại chủ yếu được sử dụng trong nam châm cần thiết trong công nghệ và cả quân sự. Nhưng 90% thị phần chế biến đất hiếm được khai thác trên toàn thế giới cũng thuộc về Trung Quốc.

“Trung Quốc là đối thủ đáng gờm”, ông Ramón Barúa, Giám đốc điều hành của Aclara Resources tại Canada, công ty đang mở một mỏ đất hiếm tại Mỹ chia sẻ. Aclara cho biết họ có kế hoạch vào tháng 8 sẽ quyết định địa điểm tại Mỹ để xây dựng nhà máy phân tách các mỏ đất hiếm thành các nguyên tố riêng lẻ. Năm ngoái, Aclara đã ký một thỏa thuận cung cấp đất hiếm cho VAC - một công ty Đức đang xây dựng một nhà máy ở Nam Carolina với số tiền tài trợ 94 triệu USD để sản xuất nam châm cho các khách hàng bao gồm cả General Motors.

Brazil đang thu hút sự quan tâm lớn trong lĩnh vực khoáng sản. Sau khi Mỹ áp dụng mức thuế mới đối với Trung Quốc vào tháng trước, Trung Quốc đã thắt chặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu vật liệu đất hiếm, khiến các nhà sản xuất Mỹ bao gồm cả Tesla lo ngại.

Hoạt động xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã bắt đầu lại trong tháng này đối với một số công ty. “Hy vọng chúng tôi sẽ nhận được giấy phép sử dụng nam châm đất hiếm”, CEO Tesla Elon Musk phát biểu trong cuộc họp báo cáo tài chính vào tháng 4 vừa qua.

Brazil có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, với khoảng 21 triệu tấn, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ. Con số này chiếm hơn 1/5 trữ lượng toàn cầu đã được phát hiện và gấp 10 lần trữ lượng ở Mỹ.

Brazil cũng sở hữu nhiều dysprosi và terbi - các nguyên tố kim loại màu bạc giúp nam châm không bị mất độ bền ở nhiệt độ cao. Chúng rất quan trọng trong xe điện, nơi nam châm cung cấp năng lượng cho động cơ ngay cả khi động cơ nóng lên.

Mặc dù có trữ lượng lớn, Brazil vẫn chỉ là một nước nhỏ trong lĩnh vực đất hiếm do các quy định khai thác phức tạp và khó khăn trong việc thu hút tài chính.

Chi phí khai thác và chế biến đất hiếm của Brazil ước tính cao gấp khoảng 3 lần so với Trung Quốc, nghĩa là người mua phương Tây có thể sẽ phải trả mức phí bảo hiểm đáng kể cho khoáng sản của Brazil. Chỉ có rất ít công ty bên ngoài Trung Quốc đã thành thạo việc chế biến đất hiếm.

Thay thế Trung Quốc, quốc gia G20 sở hữu kho báu cả thế giới khao khát: Trữ lượng đứng thứ 2 toàn cầu, gấp 10 lần Mỹ- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Brazil Alexandre Silveira cho biết Brazil đang lập bản đồ các mỏ đất hiếm tiềm năng và tìm kiếm dấu vết của chúng trong chất thải từ các mỏ khác.

Mỹ đã dành hàng trăm triệu USD trong 5 năm qua để khôi phục các nhà máy chế biến đất hiếm và các nhà máy nam châm đã đóng cửa trong nhiều thập kỷ. Tổng thống Donald Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào năm 2020 vì sự phụ thuộc của Mỹ vào các khoáng sản quan trọng của nước ngoài, bao gồm cả đất hiếm, và đã ưu tiên phát triển lĩnh vực này kể từ khi trở lại Nhà Trắng.

Châu Âu đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Liên minh Châu Âu đặt mục tiêu chế biến 40% nguyên liệu thô quan trọng cần thiết và đã nhất trí rằng không một quốc gia bên ngoài nào được cung cấp hơn 65% lượng tiêu thụ hàng năm của Châu Âu đối với danh sách các vật liệu được chỉ định, bao gồm đất hiếm.

Sau khi mở một nhà máy thí điểm để hoàn thiện quy trình tinh chế gần Goiânia, Aclara có kế hoạch đầu tư khoảng 600 triệu USD để hoàn thiện công việc tại một nhà máy lớn hơn bên cạnh mỏ ở Nova Roma để bắt đầu sản xuất toàn diện vào năm 2028.

Mặc dù Aclara không thể cạnh tranh với Trung Quốc về giá, nhưng họ lại tiếp thị hoạt động khai thác của mình là thân thiện với môi trường hơn.

Jon Hykawy, một chuyên gia về đất hiếm vừa mới kiểm tra nhà máy thí điểm và mỏ của Aclara, cho biết: "Sự chú ý đến các vấn đề môi trường là điểm khác biệt lớn nhất giữa những gì đang làm ở Trung Quốc và những gì Aclara dự định làm ở Brazil" .


Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/thay-the-trung-quoc-quoc-gia-g20-so-huu-kho-bau-ca-the-gioi-khao-khat-tru-luong-dung-thu-2-toan-cau-gap-10-lan-my-a221684.html