Ngân hàng dùng AI 'cắt' nhân sự thế nào?

Nhiều ngân hàng dùng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) cắt giảm mạnh nhân sự, phòng giao dịch. AI cũng là trợ thủ trong chiến lược ngân hàng.

Nhân sự , phòng giao dịch giảm

Ngân hàng Vietinbank vừa thông báo chấm dứt loạt phòng giao dịch (PGD) nằm tập trung tại Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Quảng Ninh, Gia Lai, Huế. Trước đó ngày 31/3 và 1/4, ngân hàng cũng có thông báo chấm dứt hoạt động 25 PGD tại các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, TP HCM, Phú Thọ.

Tại Đại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 mới đây, ông Trần Minh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank - cho biết VietinBank là ngân hàng đầu tiên trong nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước nghiên cứu việc cắt giảm điểm giao dịch vật lý.

Ông Bình bày tỏ, Vietinbank dự kiến cắt vài trăm điểm giao dịch và thay thế bằng ứng dụng nền tảng số nhằm nâng cao sự trải nghiệm của khách hàng.

Ngân hàng dùng AI 'cắt' nhân sự thế nào?- Ảnh 1.

Vietinbank cắt giảm nhiều phòng giao dịch khi sử dụng công nghệ và AI.

Ông Bình cho hay, ngân hàng cũng đang thử nghiệm mô hình trung tâm dịch vụ khách hàng (contact center) ứng dụng AI, có thể thay thế đến 70% nhân sự vận hành. Trong 2 năm gần đây, VietinBank hầu như không tuyển dụng nhân sự cho các hoạt động kinh doanh truyền thống, bao gồm tín dụng, nguồn vốn.

Tuy nhiên, năm 2025, VietinBank tăng cường tuyển dụng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nâng số lượng nhân sự mảng này từ 300 người lên gần 1.000 người (gồm cả thuê ngoài) với dự kiến mức lương rất cao

Bước sang năm 2025, VietinBank xác định chuyển đổi số tiếp tục là trọng tâm chiến lược , với kế hoạch tăng mạnh đầu tư cho hạ tầng, phần mềm, giải pháp và đặc biệt là nhân lực công nghệ.

Theo đó, năm 2025, Vietinbank sẽ triển khai rất nhiều hoạt động liên quan đến chuyển đổi số, từ đầu tư hạ tầng, phần cứng, phần mềm, đến nguồn nhân lực. Đây là một trong những ưu tiên lớn nhất của VietinBank.

Trước đó, TPBank cũng cho biết, ngân hàng cắt giảm 300-500 nhân sự khi ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và AI.

Tại Sacombank, sau khi giảm hơn 350 người cả năm ngoái, sang quý 1 năm nay ngân hàng này tiếp tục đứng thứ hai về quy mô tinh gọn nhân sự. Chưa dừng lại, lãnh đạo Sacombank cho biết xu hướng tinh gọn nhân sự dự kiến tiếp tục trong năm nay lẫn năm sau.

Theo đó, ngân hàng sẽ cắt giảm nhân sự tại các phòng giao dịch truyền thống và tăng giao dịch trên không gian số. Sacombank liên tục chấm dứt hoạt động PGD tại Hà Nội và TPHCM. Một mặt cắt giảm nhân sự, mặt khác lãnh đạo Sacombank cũng thừa nhận tuyển dụng nhân sự chất lượng cao đang là "thách thức lớn".

Hiện ngân hàng này đang tuyển dụng nhân sự chất lượng cao từ nhiều nguồn, trong đó có việc hợp tác với các hãng công nghệ, quản trị dữ liệu và AI…

Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, quý I/2025, hơn 21% ngân hàng tiếp tục cắt giảm nhân sự. Theo các chuyên gia phân tích, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, tái cấu trúc hoạt động sẽ khiến số phòng giao dịch vật lý và nhân sự ngân hàng tiếp tục giảm mạnh thời gian tới.

AI là "trợ thủ" chiến lược ngân hàng

Tọa đàm “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 21/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà nêu ra một con số đáng chú ý, khi mới đây đã có thêm 6 ngân hàng thương mại chính thức công bố Báo cáo phát triển bền vững của mình.

Năm 2024 số lượng doanh nghiệp lập Báo cáo phát triển bền vững riêng biệt tăng kỷ lục là 33 tổ chức. Hầu hết các tổ chức tín dụng đã báo cáo và tích hợp nội dung phát triển bền vững trong Báo cáo thường niên cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của ngành Ngân hàng đối với các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Trong đó, có khoảng 13-15 ngân hàng thương mại đã công bố được Báo cáo phát triển bền vững độc lập của mình.

Theo Phó Thống đốc, việc ứng dụng AI và các công nghệ số hiện đại được xem là giải pháp then chốt, giúp nâng cao hiệu quả quản trị dữ liệu, tăng cường năng lực phân tích, giám sát và hỗ trợ quá trình ra quyết định một cách kịp thời, minh bạch.

TS. Lê Hùng Cường - Phó Tổng Giám đốc FPT Digital - nhấn mạnh, AI là chìa khoá giúp doanh nghiệp tháo gỡ thách thức dữ liệu ESG, đơn giản hoá hoạt động lập báo cáo. Từ đó khai thông nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính, ngân hàng.

Theo ông Cường, xu hướng thế giới chuyển từ “tự nguyện” sang “phải có” đối với hoạt động công bố báo cáo phát triển bền vững, tuy nhiên các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập và phân tích dữ liệu.

Kết quả khảo sát hơn 200 doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết 67% doanh nghiệp chưa hoặc mới xác định một số chỉ tiêu liên quan đến ESG; 47% doanh nghiệp chưa nắm rõ cách thức thu thập và xử lý dữ liệu ESG; 71% doanh nghiệp chưa trang bị đủ kiến thức về dữ liệu cần thiết để báo cáo; 70% doanh nghiệp không có hoặc ít khi công bố báo cáo ESG ra bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, FPT ứng dụng công nghệ số và AI trong hoạt động thu thập, theo dõi và giám sát các chỉ số ESG.

Theo ông Cường, thực tế, các dữ liệu ESG nằm rải rác ở các lĩnh vực trọng yếu khác nhau trong điều hành và quản trị của doanh nghiệp, do vậy cần được xác định và phân tách chính xác.

Để làm được điều đó, AI là chìa khoá giúp doanh nghiệp tháo gỡ thách thức dữ liệu ESG, đơn giản hoá hoạt động lập báo cáo, từ đó khai thông nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính, ngân hàng.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/ngan-hang-dung-ai-cat-nhan-su-the-nao-a222073.html