Một con phố có đến 4 - 5 ngân hàng: Đằng sau chuyện nhà băng chấm dứt hoạt động hàng loạt phòng giao dịch

Nửa đầu năm 2025, nhiều ngân hàng thông báo đóng cửa loạt phòng giao dịch (PGD) tại các tỉnh thành trên cả nước.

Sacombank vừa có Nghị quyết về chủ trương chấm dứt hoạt động 5 PGD trực thuộc khu vực TP.HCM. Trong năm 2024, số lượng PGD của ngân hàng này giảm từ 443 xuống 437 (mở thêm 7 PGD mới và đóng cửa 13 PGD).

SCB cũng sẽ đóng cửa thêm 3 PGD tại TP.HCM từ 17/5. Tính đến nay, SCB đã xóa sổ tổng cộng 145 PGD, chi nhánh.

Đáng chú ý, một trong bốn “ông lớn” là VietinBank mới đây đã thông báo ngừng hoạt động 7 phòng giao dịch tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Gia Lai, Quảng Ninh, Huế, Đồng Nai… ngay trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6, sau khi chấm dứt hoạt động 25 phòng giao dịch vào tháng 3 trước đó.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, VietinBank đang triển khai chiến lược sắp xếp, tinh gọn hệ thống và sẽ là ngân hàng đầu tiên trong nhóm ngân hàng có vốn lớn Nhà nước thực hiện cắt giảm hệ thống giao dịch. Song song với tái cấu trúc hệ thống, ngân hàng tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động quản trị và chăm sóc khách hàng.

Ngân hàng “dè dặt” mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch

Mở rộng chi nhánh, PGD từng là một cuộc chạy đua gắt gao giữa các ngân hàng trong nước. Giai đoạn 2018 - 2019, HDBank ghi nhận mở thêm 5 chi nhánh và 40 PGD, Nam A Bank mở thêm 30 PGD chỉ trong vòng 1 năm. Các ngân hàng khác như BIDV, Sacombank, TPBank,..thời điểm đó cũng tích cực phát triển mạng lưới với số lượng điểm giao dịch tăng 10-20 điểm/năm.

Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, tốc độ gia tăng số lượng điểm giao dịch của các ngân hàng có xu hướng chậm lại.

Một con phố có đến 4 - 5 ngân hàng: Đằng sau chuyện nhà băng chấm dứt hoạt động hàng loạt phòng giao dịch- Ảnh 1.

Số lượng Chi nhánh và PGD trong nước của một số ngân hàng giai đoạn 2022-2024.(Số liệu từ Báo cáo thường niên)

Agribank vẫn là 2 ngân hàng có nhiều PGD nhất hiện nay với hơn 2.200 trên khắp cả nước. Dù vậy, trong 3 năm từ 2022-2024, số lượng PGD gần như không thay đổi. Vietcombank, BIDV dù là những nhà băng có tổng tài sản lớn nhất, cũng chỉ mở thêm khoảng 20 PGD mỗi năm. Mạng lưới điểm giao dịch của các ngân hàng tư nhân như Techcombank, SHB hay ACB không có sự thay đổi đáng kể, thậm chí, một số nhà băng như Sacombank đã “mạnh tay” giảm số lượng PGD.

Mở rộng mạng lưới quả thực hiệu quả trong việc gia tăng độ phủ thương hiệu, giúp các ngân hàng tiếp cận được nhiều bộ phận khách hàng, ở những vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, chiến lược này đồng thời cũng sẽ làm tăng áp lực lên chi phí vận hành của nhà băng, đặc biệt khi duy trì những PGD tại vùng nông thôn, nơi doanh số giao dịch khá thấp so với khu vực thành thị. Ngoài ra, xu hướng số hóa, giao dịch trực tuyến tăng mạnh, nhất là các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền... cũng khiến nhu cầu về PGD giảm.

Ông Vũ Việt Dũng - Chủ tịch KeyPerson Academy cho rằng: “Việc các Big 4 quy hoạch lại điểm giao dịch theo tôi là việc đáng làm và đáng ra phải làm từ lâu rồi. Theo quan sát cá nhân của tôi, có những PGD chỉ cách nhau 1 cái ngã tư, cùng 1 con phố, thậm chí còn đối diện nhau, cho thấy các ngân hàng đang không có quy hoạch mạng lưới rõ ràng”.

Theo địa chỉ công bố tại website các ngân hàng, tại Hà Nội và TP.HCM - nơi mạng lưới PGD dày đặc nhất: Khoảng cách <=1km: có đến 109 cặp các điểm giao dịch gần nhau, tương ứng với 218 điểm; Khoảng cách <= 500m: có 41 cặp các điểm giao dịch gần nhau tương ứng với 82 điểm.

Ông Dũng cho rằng, việc mở rộng mạng lưới vật lý sẽ là cuộc đua của các Ngân hàng cỡ nhỏ và vừa. Còn đối với các ngân hàng cỡ lớn, trong thời gian tới sẽ chuyển dịch sang các mô hình điểm giao dịch điển hình như flagship hoặc chi nhánh/PGD tự động. Tuy nhiên để mở 1 PGD tự động chi phí có thể cao hơn từ 2,5 - 3 lần so với 1 PGD thông thường (kinh nghiệm của Trung Quốc), chưa gồm chi phí vận hành, nhân sự tăng lên để duy trì)

Các điểm giao dịch sẽ tập trung nhiều hơn vào các dịch vụ, trải nghiệm dành cho khách hàng VIP - xu hướng tăng trưởng thời gian tới của thị trường Việt Nam. Đó là đối với mảng thanh toán, còn với mảng tín dụng, theo ông Dũng, các ngân hàng sẽ thành lập các hub (trung tâm) tập trung các cán bộ tín dụng về đây để chuyên môn hóa cao, mang lại năng suất, hiệu quả cao hơn.

Điều đó cho thấy các ngân hàng sẽ phải cân nhắc rất kỹ bài toán chi phí để cân bằng giữa việc dùng con người hay máy móc, đặc biệt với các công việc về tư vấn khách hàng VIP, cho vay…hiện vẫn cần đến con người do những rủi ro về lừa đảo từ công nghệ có thể xảy ra.

Đại lý thanh toán - Hướng đi mới của các ngân hàng

Khi các ngân hàng vẫn ưa chuộng tập trung tại các đô thị vì kỳ vọng hiệu quả kinh doanh sẽ cao hơn, nhiều ý kiến rằng mô hình đại lý thanh toán là lựa chọn tối ưu để tăng cường sự hiện diện nhiều hơn tại khu vực nông thôn mà không cần tốn quá nhiều chi phí.

Trong năm 2024, VPBank và Thế giới Di Động đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai mô hình đại lý thanh toán, theo đó khách hàng có thể thực hiện các dịch vụ nộp/rút/chuyển tiền, mở tài khoản thanh toán VPBank NEO, mở thẻ tín dụng online 100% tại các cửa hàng Thế giới Di động, Điện máy Xanh như tại một chi nhánh của VPBank.

Qua thương vụ này, từ một ngân hàng có khoảng 300 PGD tập trung chủ yếu ở 2 Hà Nội và TP.HCM, VPBank có thể tận dụng mạng lưới gần 3.000 điểm bán rộng khắp của Thế giới Di động để tiếp cận một lượng khách hàng lớn hơn, đồng thời tận dụng tệp khách hàng có sẵn của doanh nghiệp này, tăng cơ hội bán chéo sản phẩm.

Trước đó, Techcombank cũng từng đưa ra định hướng hợp tác với One Mount Group, Vinmart và Vinshop nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản đến khách hàng qua các hệ thống siêu thị mini. Hay vào những năm 2014-2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai thí điểm ba mô hình đại lý ngân hàng, gồm MBBank và Viettel, PGBank và Petrolimex, Vietcombank và FPT Retail. 

Với những lợi ích thiết thực, nhiều TCTD và doanh nghiệp công nghệ tài chính luôn mong muốn Chính phủ và NHNN sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để tiếp tục triển khai mô hình này.

Tháng 6-2024, NHNN ban hành Thông tư 07/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động đại lý thanh toán, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, với các dịch vụ đã được mở rộng nhiều hơn so với các đợt thí điểm trước, tạo nên xu hướng triển khai mô hình đại lý thanh toán.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Dũng việc mở rộng mạng lưới hợp tác này cần phải gắn liền với việc giám sát, đào tạo đội ngũ vận hành tại các "ngân hàng đại lý”, bởi ngân hàng là ngành nghề đặc thù, chỉ một sơ xuất nhỏ có thể gây mất niềm tin từ khách hàng, rủi ro với ngân hàng.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/mot-con-pho-co-den-4-5-ngan-hang-dang-sau-chuyen-nha-bang-cham-dut-hoat-dong-hang-loat-phong-giao-dich-a222303.html