Trong bối cảnh thị trường tài chính - chứng khoán ngày càng đòi hỏi sự minh bạch và hiệu quả, công nghệ không còn là công cụ phụ trợ mà trở thành "xương sống" giúp định hình lại cách thị trường vận hành. Từ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) đến blockchain và tài chính phi tập trung (DeFi), những ứng dụng công nghệ đang góp phần nâng cao năng lực giám sát, giảm thiểu rủi ro và tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư.
Big Data và AI – cánh tay nối dài của cơ quan giám sát
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Tô Mạnh Hoàng - Giám đốc Datapot Analytics Group, cho rằng, Big Data và AI đóng vai trò ngày càng quan trọng nhờ khả năng xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ từ nhiều nguồn khác nhau.
"Đặc biệt, các hệ thống thông minh có thể nhanh chóng phát hiện hành vi bất thường như giao dịch nội gián, thao túng giá hay gian lận tài chính - những điều mà phương pháp truyền thống khó kiểm soát kịp thời", ông Hoàng nói.
Ông Tô Mạnh Hoàng - Giám đốc Datapot Analytics Group.
CEO Datapot cũng nhấn mạnh công nghệ còn góp phần tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu bất cân xứng thông tin. Các công cụ Big Data giúp số hóa tài liệu, tổng hợp và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ về tài chính, báo cáo doanh nghiệp, tin tức thị trường để đưa ra các thông tin rõ ràng, minh bạch, đầy đủ, kịp thời cho các nhà đầu tư.
"Thay vì việc phải đi đọc từng trang báo cáo tài chính dạng ảnh chụp của từng công ty, công nghệ có thể giúp nhà đầu tư thu thập, xử lý dữ liệu báo cáo tài chính của hàng nghìn công ty và giúp đưa ra cách phân tích, đánh giá toàn diện hơn", ông Hoàng nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, rào cản lớn nhất ở Việt Nam hiện nay là chất lượng dữ liệu còn thấp, thiếu chuẩn hóa, trong khi khung pháp lý và nguồn nhân lực công nghệ cao vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của thị trường.
Song song với đó, ngành công nghiệp dữ liệu vẫn là một ngành mới, đòi hỏi sự hiểu biết về nghiệp vụ, kỹ năng công nghệ, khả năng tư duy logic và giải quyết vấn đề cao. Dẫn đến số lượng nhân sự chất lượng cao, có thể sẵn sàng tham gia vào các dự án và xây dựng sản phẩm đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Blockchain và tài chính phi tập trung – mô hình "minh bạch từ gốc"
Nếu Big Data và AI đóng vai trò hỗ trợ phân tích và cảnh báo sớm, thì blockchain và DeFi - lĩnh vực mà Ninety Eight đang phát triển lại cung cấp một nền tảng hoàn toàn minh bạch ngay từ kiến trúc hệ thống.
Chia sẻ về hướng đi của mình, ông Nguyễn Thế Vinh - CEO Ninety Eight cho biết, toàn bộ sản phẩm và hạ tầng của công ty đều được xây dựng trên không gian phi tập trung. Dữ liệu tài chính được "onchain hóa", tức là ghi nhận công khai trên chuỗi khối, cho phép bất kỳ ai cũng có thể truy xuất và đối soát.
Ông Nguyễn Thế Vinh - CEO Ninety Eight.
"Còn gì minh bạch hơn khi mọi dữ liệu không bị kiểm soát bởi một nhóm, mà bởi toàn bộ cộng đồng người dùng", ông Vinh nhận định.
Không chỉ đóng vai trò trong một hệ sinh thái riêng, blockchain còn được kỳ vọng góp phần thúc đẩy minh bạch toàn thị trường tài chính. Với khả năng lưu trữ dữ liệu bất biến và truy xuất theo thời gian thực, blockchain giúp giảm thiểu rủi ro gian lận, làm giả số liệu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm toán và giám sát tài chính.
Nhờ đặc tính phân quyền, công nghệ này cũng giảm sự phụ thuộc vào các tổ chức trung gian như ngân hàng, công ty kiểm toán, từ đó tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian xử lý. Đặc biệt, sự phát triển của tài chính phi tập trung (DeFi) - vốn hoàn toàn trên blockchain - đang mở ra một mô hình mới, nơi mọi giao dịch được thực hiện công khai thông qua các hợp đồng thông minh, đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng cho tất cả người tham gia.
Điểm đặc biệt của blockchain không chỉ nằm ở sự minh bạch, mà còn ở khả năng bảo mật và riêng tư. Giao dịch được xác thực công khai nhưng danh tính người dùng vẫn được bảo vệ, điều mà các hệ thống truyền thống khó cân bằng được.
Để kết nối tài chính truyền thống với tài chính phi tập trung, Ninety Eight đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ, trong đó nổi bật là tính năng Social Login (hình thức đăng nhập vào một ứng dụng thông qua các trang mạng xã hội của người dùng như tài khoản).
Cụ thể, thay vì yêu cầu người dùng phải tạo ví Web3 với chuỗi mã riêng tư phức tạp, giờ đây người dùng có thể đăng nhập và sử dụng ví blockchain thông qua các tài khoản quen thuộc như Google, Apple hay Facebook. Giải pháp này đã được cấp bằng sáng chế tại Mỹ, mở đường cho việc phổ cập công nghệ blockchain đến đông đảo người dùng phổ thông.
Bắt tay công nghệ – hướng tới thị trường tài chính minh bạch và bền vững
Dù theo đuổi những hướng tiếp cận khác nhau nhưng cả Datapot Analytics và Ninety Eight đều chung một mục tiêu đó là đưa công nghệ trở thành động lực thúc đẩy sự minh bạch và phát triển bền vững cho thị trường tài chính. Tuy nhiên, để những sáng kiến này thực sự phát huy hiệu quả, công nghệ không thể đi một mình. Cần có sự đồng hành từ chính sách và con người.
Việc hoàn thiện khung pháp lý, tiêu chuẩn dữ liệu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là điều kiện tiên quyết để công nghệ không chỉ dừng lại ở vai trò công cụ, mà trở thành nền tảng cốt lõi của một thị trường tài chính hiện đại, công bằng và minh bạch.
Ông Tô Mạnh Hoàng - CEO Datapot nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm xây dựng các quy định pháp lý cụ thể về dữ liệu, quyền riêng tư, bảo mật và tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán. "Khi hành lang pháp lý rõ ràng, doanh nghiệp mới có thể mạnh dạn đầu tư và triển khai các giải pháp đổi mới", ông nói.
Để công nghệ trở thành nền tảng cho một thị trường tài chính minh bạch,hiện đại, các chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý, chuẩn hóa dữ liệu và đầu tư vào đào tạo nhân lực.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Thế Vinh – CEO Ninety Eight cho rằng: "Ngành blockchain tại Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng. Nhu cầu tuyển dụng đang tăng nhanh sau khi Nhà nước ban hành chiến lược phát triển công nghệ chuỗi khối quốc gia".
Theo ông Vinh, tình trạng này không chỉ là thách thức của riêng Việt Nam mà còn là bài toán toàn cầu, bởi blockchain là công nghệ xuyên biên giới, trong khi hạ tầng vẫn đang được hoàn thiện và nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản. "Nếu không đầu tư sớm cho giáo dục và phát triển nguồn lực, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội dẫn đầu trong một ngành còn rất mới", ông cảnh báo.
Ông Vinh nhận định, tình trạng thiếu hụt này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn là vấn đề chung trên toàn cầu, do blockchain là một công nghệ xuyên biên giới. Ngành này còn quá trẻ, cơ sở hạ tầng đang trong giai đoạn phát triển, và kiến thức ngành chưa được tổng hợp, đào tạo bài bản.
Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/cong-nghe-mo-duong-cho-minh-bach-tai-chinh-a222589.html