Tích hợp sản xuất, dịch vụ và lưu trú
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, việc tổ chức lại không gian công nghiệp là một trong những định hướng lớn, đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp sang công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Theo đó, TPHCM sẽ tập trung phát triển chức năng 33 khu công nghiệp (KCN), 3 khu chế xuất (KCX) và 7 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích khoảng 9.200 - 10.200 ha tại các khu vực dọc theo Vành đai 3 , tuyến tránh quốc lộ 22, cảng Hiệp Phước và một số khu vực thuận lợi kết nối giao thông và chuyển đổi chức năng tại Bình Chánh, Củ Chi, Bắc Cần Giờ hiện nay.

TPHCM tiếp tục nâng cấp, phát triển và hình thành mới các khu công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 2.200 - 2.600 ha.
Trong quy hoạch mới, nhiều khu công nghiệp hiện hữu sẽ được tái cấu trúc để chuyển đổi chức năng hoặc nâng cấp lên mô hình công nghệ cao , thân thiện môi trường.
Cụ thể, KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) sẽ được tái cấu trúc theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, hiệu quả cao hơn, phát triển quanh khu vực đường Tên Lửa - đường số 7 và đường Vành đai 2. Chuyển đổi các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thành công viên cây xanh, thương mại dịch vụ; công nghệ cao, công nghiệp tiên tiến.
Tương tự, KCN Tân Bình cũng được định hướng tái cấu trúc thành công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tại đây sẽ được chuyển đổi dần sang chức năng phục vụ dân cư, thương mại hoặc dịch vụ.
Các KCN Hiệp Phước (Nhà Bè) và KCX Tân Thuận (quận 7) sẽ chuyển dịch sang mô hình công nghệ cao, kết nối với cảng và trung tâm logistics. Chú trọng kết nối với không gian đô thị khu trung tâm tại phía Bắc kênh Đôi, kênh Tẻ và khu vực Chợ Lớn nhằm thu hút dân cư, giảm tải cho khu trung tâm.
Khu vực phía Tây TPHCM phát triển KCN Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai cùng các CCN khác, gắn với trung tâm logistics Tân Kiên, hệ thống đường sắt, ga hàng hóa và các trục giao thông trọng điểm như Vành đai 3.
Ở phía Bắc, phát triển các KCN dọc quốc lộ 22, Vành đai 3 và 4. Tại khu vực Bình Khánh (Cần Giờ), tập trung phát triển khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ với sự phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, KCN và cảng và trung tâm logistics Bình Khánh, kết nối với đường vành đai 3 tạo thành khu vực cửa ngõ giữa TPHCM và Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) tại khu vực phía Nam.

Nhiều khu công nghiệp hiện hữu ở TPHCM sẽ được tái cấu trúc để chuyển đổi chức năng hoặc nâng cấp lên mô hình công nghệ cao.
TPHCM cũng định hướng quy hoạch 28 khu vực trọng điểm phát triển đô thị, trong đó có 11 khu trọng điểm phát triển thuộc địa bàn phân vùng đô thị Thủ Đức với tổng diện tích khoảng 20.000 - 22.000 ha. Các chức năng chính được ưu tiên phát triển là công nghiệp tiên tiến, công nghệ cao , dịch vụ, nghiên cứu, đào tạo, du lịch và các chức năng đô thị khác nhằm tạo sự hấp dẫn thu hút đầu tư.
Đặc biệt, tiếp tục nâng cấp, phát triển và hình thành mới các khu công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 2.200 - 2.600 ha gồm khu công nghệ cao TPHCM, khu công viên khoa học và công nghệ tại phân vùng đô thị Thủ Đức, khu công nghệ cao Phú Mỹ Hưng tại huyện Củ Chi. Phát triển các khu công nghệ khác tại khu đô thị trung tâm và tại các khu vực huyện Củ Chi, Bình Chánh và Nhà Bè.
Tại các khu hiện hữu, sẽ chuyển đổi theo hướng tăng kết nối sản xuất, phát triển nghiên cứu, hình thành hệ sinh thái sáng tạo gắn với công nghệ cao, đào tạo và sản xuất. Mô hình mới sẽ tích hợp sản xuất, dịch vụ và lưu trú phù hợp với xu hướng hiện đại.
4 hướng phát triển
Về định hướng các trục không gian và hành lang phát triển, đồ án kế thừa nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025, tiếp tục phát triển theo 4 hướng là hướng Đông, hướng Nam ra biển, hướng Tây - Bắc, hướng Tây - Tây Nam.

TPHCM sẽ phát triển theo 5 trục không gian và 5 trục Đông - Tây.
Đáng chú ý, đồ án bổ sung phát triển các trục không gian gồm 4 trục theo hướng Bắc - Nam là trục ven sông Sài Gòn - Huỳnh Tấn Phát, quốc lộ 22 - Trường Chinh - Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Hữu Thọ, đường tỉnh 743 - Vành đai 2 - Nguyễn Lương Bằng - trục động lực phát triển mới phía Tây Cần Giờ, tỉnh lộ 10 - Vành đai 2 - quốc lộ 50.
Ngoài ra còn có 5 trục Đông - Tây, gồm trục quốc lộ 1A, trục qua sân bay Tân Sơn Nhất (Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thị Tú nối dài đến Long An, trục Võ Nguyên Giáp - Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt - Võ Văn Kiệt kéo dài, trục đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, trục Nguyễn Văn Linh và đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, trục Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Hoàng Quốc Việt - Trịnh Quang Nghị - Vành Đai 2 - Trần Đại Nghĩa.
Hình thành các hành lang phát triển mới của TPHCM, gồm hành lang phát triển dọc sông Sài Gòn, lấy không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị, từ khu vực trung tâm truyền thống ở ven sông, phát triển dải đô thị hai bên sông thành dải đô thị trung tâm - điểm đến mang bản sắc độc đáo, gắn với cảnh quan của dòng sông và lịch sử hình thành phát triển của thành phố.
Về hành lang kinh tế ven biển, sẽ tổ chức hệ thống giao thông liên vùng, kết nối khu vực ven biển phía nam của thành phố với các tỉnh lân cận, đồng thời kết nối các trung tâm kinh tế biển như cảng trung chuyển quốc tế , các khu vực đô thị du lịch, công nghệ, sinh thái ven biển, lấn biển, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Đối với phát triển nhà ở, dự kiến đến năm 2030, chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở bình quân TPHCM đạt khoảng 27 - 30 m2/người, đến năm 2040 đạt khoảng 30 - 32 m2/người. Phát triển nhà ở gắn với quá trình phát triển mở rộng đô thị, cải tạo chỉnh trang và tái thiết các khu vực trong TPHCM nhằm nâng cao điều kiện ở và chất lượng sống của người dân đô thị, nông thôn. TPHCM sẽ phát triển nhà ở chung cư chiếm tỷ trọng lớn trong các loại hình xây dựng nhà ở mới, bảo đảm điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.