Mắt xích quan trọng bứt phá tại Mỹ, Trung Quốc - “Mỏ vàng” tỷ đô của Việt Nam sắp bùng nổ?

Mặt hàng này ghi nhận mức tăng trưởng tốt từ đầu năm.

Mắt xích quan trọng bứt phá tại Mỹ, Trung Quốc - “Mỏ vàng” tỷ đô của Việt Nam sắp bùng nổ?- Ảnh 1.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 5/2025 ghi nhận mức tăng trưởng tốt từ đầu năm đến nay, với cả tôm thẻ chân trắng và tôm sú đều đồng loạt tăng trưởng cả về sản lượng lẫn giá trị.

Cụ thể, xuất khẩu tôm thẻ trắng tháng 5/2025 đạt 30.089 tấn, tăng 23% so với tháng 4 và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. 

Các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) ghi nhận mức tăng trưởng rất mạnh, lần lượt đạt 72% và 59%. Hàn Quốc tăng 20%, EU tăng 14% và Nhật Bản tăng 3%. Giá xuất khẩu trung bình của tôm thẻ đạt 9,01 USD/kg, tăng nhẹ 1% so với tháng 4.

Trên thị trường nội địa, giá tôm thẻ tại trại tăng từ 5 - 7% ở tất cả các cỡ nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng cao, đặc biệt là từ Mỹ - nơi các nhà chế biến đẩy mạnh mua nguyên liệu để hoàn tất đơn hàng trước thời điểm hết hiệu lực hoãn thuế quan đối ứng.

Mỹ tiếp tục là điểm sáng khi ghi nhận lượng nhập khẩu tôm chân trắng Việt Nam trong tháng 5 đạt 7.060 tấn - mức cao nhất kể từ tháng 10/2024 với giá trung bình 11,60 USD/kg, tăng 0,9% so với tháng trước. 

Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 4.500 tấn, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 10, dù giá trung bình giảm 3% còn 6,50 USD/kg. EU tiếp tục là thị trường ổn định, với khối lượng đạt 4.600 tấn và giá trung bình giảm nhẹ 1,3% xuống còn 7,60 USD/kg. Nhật Bản duy trì khối lượng ở mức 3.700 tấn, giá tăng 4,4% lên 9,40 USD/kg; Hàn Quốc đạt 3.500 tấn với giá trung bình giữ nguyên ở mức 7,90 USD/kg.

Trong khi tôm thẻ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch, tôm sú lại thể hiện sức bật ở phân khúc cao cấp với tốc độ tăng trưởng ổn định trong tháng 5/2025. Sản lượng xuất khẩu tôm sú đạt 4.353 tấn, tăng 8% so với tháng trước và 6% so với cùng kỳ năm 2024.

Xuất khẩu tôm sú sang Nhật Bản tăng 24%, sang Mỹ tăng 44%, EU tăng 26%, Hàn Quốc tăng 12% và Vương quốc Anh tăng 20%. Ngược lại, Trung Quốc và Hồng Kông - hai thị trường lớn nhất của tôm sú Việt Nam giảm nhẹ 1%.

Giá xuất khẩu trung bình của tôm sú tăng 4%, đạt 11,82 USD/kg. Tuy nhiên, sản lượng tôm nguyên liệu giảm nhẹ 2% còn 24.000 tấn, sau khi tăng mạnh 32% trong tháng 4. Nguồn cung tôm cỡ lớn tăng khiến giá tại trại có xu hướng điều chỉnh. Cụ thể, tôm sú cỡ 20 - 40 con/kg giảm 2%, cỡ 50 con/kg giữ nguyên, trong khi cỡ 80 con/kg giảm tới 9%. VASEP dự báo trong tháng 6, nguồn cung tiếp tục cải thiện.

Tại Mỹ, lượng nhập khẩu tôm sú từ Việt Nam đạt 600 tấn, giá tăng mạnh lên 17,10 USD/kg, cao nhất trong số các thị trường. Nhật Bản nhập khẩu 886 tấn, giá tăng 6% lên 12,40 USD/kg. EU ghi nhận tháng tăng thứ tư liên tiếp, đạt 390 tấn trong tháng 5, tuy nhiên giá giảm 6,1% còn 10,70 USD/kg. Hàn Quốc nhập gần 200 tấn, giá trung bình giảm mạnh 30% xuống còn 8,30 USD/kg. Trung Quốc giữ ổn định khối lượng ở mức 1.300 tấn, nhưng giá tiếp tục giảm thêm 3,3% còn 8,90 USD/kg.

Theo VASEP, tôm sú Việt Nam hiện đang chiếm ưu thế tại các thị trường cao cấp như Nhật Bản, EU, Thụy Sỹ - nơi ưa chuộng dòng tôm sú sinh thái nuôi tại rừng ngập mặn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và đạt tiêu chuẩn bền vững. Đây là phân khúc có giá trị cao và khả năng tăng trưởng mạnh trong tương lai.

Dù kết quả tháng 5 khả quan, triển vọng cho tháng 6 và nửa cuối năm vẫn còn nhiều ẩn số. VASEP dự báo nhu cầu tại các thị trường chính sẽ tăng theo mùa trong mùa hè, tuy nhiên tăng trưởng có thể bị kìm hãm bởi tâm lý chờ đợi của các doanh nghiệp nhập khẩu, đặc biệt tại Mỹ - nơi các nhà máy chế biến đang tạm ngưng ký hợp đồng mới do chưa rõ chính sách thuế quan. 

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/mat-xich-quan-trong-but-pha-tai-my-trung-quoc-mo-vang-ty-do-cua-viet-nam-sap-bung-no-a228254.html