Mọi giao dịch đều để lại dấu vết, hộ kinh doanh 'hết cửa' né thuế

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam - khuyến nghị nên làm đúng từ đầu. Trong thời đại số hóa, mọi giao dịch đều để lại dấu vết và cơ quan thuế có thể giám sát qua nhiều kênh như hóa đơn, ngân hàng, đơn vị vận chuyển, thanh toán trung gian.

Tọa đàm “ Hộ kinh doanh với chính sách thuế mới: Thách thức và giải pháp đồng hành” do Thuế TP Hà Nội và Báo Tiền Phong tổ chức sáng 8/7 nhận được nhiều câu hỏi từ các độc giả, hộ kinh doanh.

Mọi giao dịch đều để lại dấu vết

Trả lời câu hỏi của hộ kinh doanh về việc sử dụng tài khoản cá nhân của người thân để nhận tiền bán hàng, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam - cho biết, trường hợp khách chuyển tiền vào tài khoản của con, cháu, người thân… có thể gây ra nhiều rủi ro, đặc biệt là khi cơ quan thuế rà soát nguồn thu. Thực tế đã có trường hợp bị khởi tố, vì cố tình tách doanh thu ra nhiều tài khoản cá nhân nhằm che giấu doanh thu thật để trốn thuế.

Theo bà Cúc, mỗi người nộp thuế chỉ nên đăng ký và sử dụng một tài khoản ngân hàng chính cho hoạt động kinh doanh. Khi cơ quan thuế phát hiện dấu hiệu bất thường, họ có quyền phối hợp với ngân hàng và cơ quan chức năng để tra soát toàn bộ luồng tiền, truy nguồn gốc từng giao dịch.

Mọi giao dịch đều để lại dấu vết, hộ kinh doanh 'hết cửa' né thuế- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam.

Một số hộ kinh doanh bày tỏ lo ngại khi chuyển sang cơ chế tự khai, tự nộp thuế sẽ phải lập sổ sách kế toán như doanh nghiệp. Bà Cúc khẳng định: "Với những hộ kinh doanh nhỏ, cơ quan thuế đang xây dựng một chế độ kế toán rất đơn giản, dễ làm, phù hợp với năng lực của người kinh doanh.” Các phần mềm hiện nay cũng được đơn giản hóa, tích hợp với hệ thống thuế, giúp hộ kinh doanh dễ dàng nhập liệu, xuất hóa đơn và kê khai doanh thu mà không cần kiến thức về kế toán chuyên sâu.

Một trường hợp khác gửi câu hỏi: Hộ đã đăng ký kinh doanh, nhưng khi khai thuế lại dùng số tài khoản cá nhân của mình, trong khi tiền bán hàng chuyển về tài khoản của chị gái - vậy có rủi ro không?

Bà Cúc trả lời rằng, sử dụng tài khoản không đúng tên hộ kinh doanh hoặc không khớp với thông tin đã đăng ký với cơ quan thuế có thể gây khó trong xác minh doanh thu, dễ bị hiểu lầm là cố tình né tránh nghĩa vụ thuế. Do đó, hộ kinh doanh nên sử dụng tài khoản chính chủ , đúng với thông tin đã kê khai thuế, tránh dùng tài khoản của người khác để nhận tiền bán hàng.

"Không nên nghĩ rằng mình nhỏ, mình linh động chút cũng không sao. Trong thời đại số hóa, mọi giao dịch đều để lại dấu vết. Hãy làm đúng ngay từ đầu, sẽ an toàn hơn rất nhiều”, bà Cúc nhấn mạnh.

Nhiều kênh giám sát

Với định hướng xóa bỏ thuế khoán từ năm 2026, ông Nguyễn Tiến Minh - Phó trưởng Thuế TP. Hà Nội - cho biết, việc quản lý thuế với hộ kinh doanh sẽ dựa trên cơ sở dữ liệu, không làm tăng thủ tục hành chính. Thuế TP. Hà Nội đã đề xuất các phương án với Cục Thuế - Bộ Tài chính để khắc phục một số bất cập trong việc quản lý hộ khoán hiện nay.

Mọi giao dịch đều để lại dấu vết, hộ kinh doanh 'hết cửa' né thuế- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tiến Minh - Phó trưởng Thuế TP. Hà Nội.

“Quản lý trên cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin, không làm tăng thủ tục hành chính, xây dựng lộ trình đảm bảo để các hộ kinh doanh trên toàn quốc triển khai thực hiện, đảm bảo khả thi và thuận tiện”, ông Minh nói và cho biết, cơ quan thuế sẽ thường xuyên nắm bắt, lắng nghe thông tin về hộ kinh doanh thông qua báo chí, mạng xã hội, phản ánh qua đường dây nóng… để ghi nhận vướng mắc phát sinh, có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Từ ngày 1/1/2026, thuế khoán sẽ bị bãi bỏ , thay vào đó, hộ kinh doanh chuyển sang hình thức tự khai, nộp thuế theo doanh thu thực tế. Theo định hướng mới, cơ quan thuế sẽ phân loại hộ kinh doanh theo mức doanh thu để áp dụng cách quản lý phù hợp.

Mọi giao dịch đều để lại dấu vết, hộ kinh doanh 'hết cửa' né thuế- Ảnh 3.

Cơ quan thuế dự kiến sẽ phân loại hộ kinh doanh theo mức doanh thu để áp dụng cách quản lý phù hợp.

Các hộ có quy mô siêu nhỏ vẫn được miễn thuế, xác định dựa trên doanh thu. Hiện tại, mức miễn thuế là dưới 100 triệu đồng/năm và sẽ được nâng lên 200 triệu đồng vào năm sau. Thuế TP. Hà Nội đề xuất tiếp tục nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế với hộ kinh doanh. Việc kê khai cũng được thiết kế đơn giản, chỉ kê khai 1 lần/năm, vào tháng đầu tiên của năm sau, dựa trên doanh thu thực tế năm trước.

Với hộ kinh doanh có doanh thu từ mức chịu thuế đến dưới 1 tỷ đồng/năm, sẽ không còn áp dụng thuế khoán mà chuyển sang tự khai - tự nộp thuế theo quý. Ngành thuế khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, mở tài khoản ngân hàng riêng, theo dõi thu chi đơn giản.

Những hộ có doanh thu 1-3 tỷ đồng (sản xuất, nông - lâm - ngư nghiệp) hoặc 1-10 tỷ đồng (thương mại, dịch vụ) sẽ phải dùng hóa đơn điện tử, kê khai thuế mỗi quý và ghi sổ sách kế toán đơn giản. Cơ quan thuế sẽ giám sát qua hóa đơn, dữ liệu ngân hàng , đơn vị giao hàng và thanh toán trung gian.

Với hộ quy mô lớn, việc kê khai thuế sẽ theo quý hoặc tháng, quản lý tài chính qua tài khoản ngân hàng và chế độ kế toán đầy đủ. Thuế TP. Hà Nội đề xuất cho phép nhóm này tính thuế theo phương pháp “doanh thu trừ chi phí”, đồng thời khuyến khích chuyển đổi lên doanh nghiệp để được hưởng chính sách hỗ trợ.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/moi-giao-dich-deu-de-lai-dau-vet-ho-kinh-doanh-het-cua-ne-thue-a228571.html