Tỉnh duy nhất ở miền Tây hội tụ các yếu tố đồng bằng, đồi núi, biển đảo và biên giới

An Giang và Kiên Giang hợp lực trong dáng hình của tỉnh An Giang mới không chỉ là mở rộng về diện tích, địa giới, mà là một không gian cơ hội mới.

Ngày 14-7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: "Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025–2030".

Tỉnh duy nhất ở miền Tây hội tụ các yếu tố đồng bằng, đồi núi, biển đảo và biên giới- Ảnh 1.

Hội thảo còn tổ chức trực tuyến đến các xã, phường và đặc khu ở tỉnh An Giang

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, chủ trì hội thảo. Về phía lãnh đạo Trung ương có Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đến dự.

Theo Bí thư Tỉnh ủy An Giang, với diện tích hơn 9.888 km2, An Giang hội tụ đủ các yếu tố "đồng bằng - đồi núi - biển đảo - biên giới", có tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế biên mậu, logistics, du lịch và đô thị thông minh, nhất là du lịch biển chất lượng cao. Cùng với quy mô dân số đứng đầu vùng ĐBSCL, An Giang không chỉ tạo ra thị trường tiêu dùng nội địa rộng mà còn thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Tỉnh duy nhất ở miền Tây hội tụ các yếu tố đồng bằng, đồi núi, biển đảo và biên giới- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan trình bày tham luận tại hội thảo

Ngoài ra, tỉnh An Giang có hệ thống đô thị phát triển với đặc khu Phú Quốc, cụm động lực Long Xuyên – Châu Đốc – Rạch Giá – Hà Tiên; có 2 cảng hàng không kết nối quốc gia và quốc tế; có vùng biển rộng hơn 63.000 km2, đường bờ biển hơn 200 km, tuyến biên giới giáp Campuchia gần 148 km, thuận lợi giao thương quốc tế.

Tuy nhiên, trước tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hài hoà, toàn diện và bền vững đang đặt ra những yêu cầu và thách thức mới cho tỉnh An Giang. Việc nhìn lại những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và định hình rõ những định hướng phát triển của tỉnh An Giang trong giai đoạn tới là yêu cầu rất cấp thiết.

Tỉnh duy nhất ở miền Tây hội tụ các yếu tố đồng bằng, đồi núi, biển đảo và biên giới- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, phát biểu khai mạc hội thảo

Tại hội thảo, các lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành tập trung phân tích, góp ý, đưa ra các giải pháp tập trung vào 10 nhóm vấn đề lớn như: Hoàn thiện cơ chế chính sách ưu tiên, phù hợp với điều kiện phát triển nhanh, bền vững; thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn.

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hóa, con người An Giang; tăng cường xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, an ninh biên giới quốc gia; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, An Giang và Kiên Giang hợp lực trong dáng hình của tỉnh An Giang mới không chỉ là mở rộng về diện tích, địa giới, mà là một không gian cơ hội mới.

Tỉnh duy nhất ở miền Tây hội tụ các yếu tố đồng bằng, đồi núi, biển đảo và biên giới- Ảnh 4.

An Giang có nhiều cơ hội đồng thời cũng không ít thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới

"An Giang giờ đây là vùng đất hội tụ rừng tràm, đất phèn, đồng lúa, núi thiêng và sông lớn; có sông Hậu, có kênh Vĩnh Tế, có biển Tây, có biên giới với nước bạn Campuchia; những cánh đồng tôm - lúa luân canh, những vùng nuôi trồng thủy sản ven rừng, ven biển, ven đảo, những lễ hội tôn giáo đa dạng, những khu du lịch thu hút đông đảo du khách, những làng chài, làng nghề nông gắn bó bao đời…"- ông Lê Minh Hoan liệt kê những tiềm năng, lợi thế đặc biệt của An Giang.

Với những tiềm năng đó, ông Lê Minh Hoan cho rằng việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tư duy kinh tế, trong kỷ nguyên trí thông minh nhân tạo và định hướng kinh tế xanh, là yêu cầu cấp thiết. Thay vì phân ngành đơn lẻ, chia tách nông nghiệp với lâm nghiệp hay ngư nghiệp, cần tiếp cận theo tư duy mới, coi nông nghiệp như một hệ sinh thái đa tầng, đa lĩnh vực, nơi mọi giá trị được tích hợp, gắn kết chặt chẽ.

"Bà con nông dân có chương trình OCOP, thế thì tại sao cán bộ, công chức chúng ta không nghĩ đến việc triển khai chương trình mỗi xã, phường một sáng kiến chuyển đổi?"- ông Hoan gợi ý.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/tinh-duy-nhat-o-mien-tay-hoi-tu-cac-yeu-to-dong-bang-doi-nui-bien-dao-va-bien-gioi-a229411.html