Sau sầu riêng, lộ diện 'át chủ bài’ của nông sản Việt

Trong bối cảnh ngành rau quả Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá, bốn loại trái cây chủ lực gồm chanh leo, chuối, dứa, dừa được kỳ vọng sẽ sớm cán mốc tỷ USD, góp phần đa dạng hóa cơ cấu xuất khẩu và nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Ngày 18/7, tại Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh leo, chuối, dứa, dừa” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp tổ chức ở TPHCM , Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, cả nước hiện có hơn 1,3 triệu ha cây ăn quả, sản lượng khoảng 15 triệu tấn mỗi năm.

Trong đó, chuối đạt 3 triệu tấn, đang giữ vai trò là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhất là tại thị trường Trung Quốc với hơn 625.000 tấn trong năm 2024. Dừa có diện tích lớn nhất với 202.000 ha, sản lượng 2,28 triệu tấn, giúp Việt Nam lọt top quốc gia xuất khẩu dừa hàng đầu thế giới. Dứa và chanh leo cũng đang ghi dấu ấn với các sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao.

Sau sầu riêng, lộ diện 'át chủ bài’ của nông sản Việt- Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đạt được quy mô xuất khẩu tỷ đô, ngành trái cây cần phải vượt qua nhiều rào cản.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng: “Dứa Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, được thị trường châu Âu và Bắc Mỹ đón nhận tích cực. Nhưng muốn phát triển bền vững, phải có chiến lược bài bản từ giống, kỹ thuật đến chính sách đất đai và thủy lợi”.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch - nhấn mạnh vai trò của công nghệ bảo quản, chế biến đối với các loại trái cây chín nhanh, dễ hư hỏng. Việc cải tiến công nghệ, từ sơ chế đến đóng gói, sẽ nâng cao đáng kể giá trị chuỗi cung ứng.

Từ góc độ thị trường, Ths Ngô Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II - cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh mở cửa cho chanh leo, chuối, dứa và dừa. Chanh leo đã gần hoàn tất thủ tục vào Mỹ, đang xúc tiến sang Hàn Quốc, Thái Lan. Dứa hiện xuất khẩu sang 122 quốc gia, nhưng chưa khai thác đầy đủ tiềm năng từ các FTA như EVFTA. Với dừa, ngành đang hướng đến chế biến sâu, tích hợp du lịch sinh thái và chương trình OCOP.

Tuy nhiên, ông Tuấn cảnh báo về những thách thức kỹ thuật từ thị trường nhập khẩu. Một số vụ vi phạm như với sầu riêng, mít đã khiến mã số vùng trồng bị thu hồi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại. Nếu không kiểm soát tốt truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm, nông sản Việt rất dễ bị đánh bật khỏi thị trường.

Sau sầu riêng, lộ diện 'át chủ bài’ của nông sản Việt- Ảnh 2.

Chuối đạt 3 triệu tấn, đang giữ vai trò là mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đồng tình cho rằng, chỉ khi nâng cao chất lượng, ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng thương hiệu bài bản, ngành trái cây Việt Nam mới có thể tạo dấu ấn bền vững. Mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân cần trở thành một mắt xích trong chuỗi liên kết giá trị, để trái cây Việt chinh phục những thị trường khó tính nhất.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết, tổng diện tích trồng 4 loại trái cây này hiện đạt 420.000ha, sản lượng trên 6,3 triệu tấn, nhưng mới có dừa đạt kim ngạch 1,1 tỷ USD. Chuối, chanh leo, dứa vẫn còn khiêm tốn. Để đạt mục tiêu tỷ đô vào năm 2026 hoặc 2027, cần đồng bộ từ giống, vùng nguyên liệu, chế biến đến thương hiệu.

“Riêng với vùng nguyên liệu, yếu tố then chốt để truy xuất nguồn gốc và tiếp cận các thị trường khó tính, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với hợp tác xã để xây dựng mô hình liên kết chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra. Việc cung cấp giống, phân bón đến bao tiêu sản phẩm không chỉ đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định.

Ông Nam cũng đánh giá, các vùng trồng hiện còn thiếu liên kết, giống còn đơn điệu, khả năng chống chịu sâu bệnh kém. Việc triển khai Nghị định 88/2025 và 145/2025 sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp các địa phương chủ động phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn, gắn với cấp mã số và truy xuất nguồn gốc.

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/sau-sau-rieng-lo-dien-at-chu-bai-cua-nong-san-viet-a230273.html