Một “siêu tỉnh” vừa có rừng vàng, vừa có biển bạc sau sáp nhập

Sau khi sáp nhập, tỉnh Gia Lai mới có cao nguyên xanh mát và biển cả bao la, không còn là hai nửa riêng biệt.

Sau khi sáp nhập, tỉnh Gia Lai mới (sáp nhập với tỉnh Bình Định) sẽ có diện tích tự nhiên hơn 21.550km², lớn thứ hai cả nước (sau tỉnh Lâm Đồng mới), dân số khoảng 3,5 triệu người. Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới sẽ được đặt tại Quy Nhơn.

Tỉnh Gia Lai mới có 135 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 110 xã và 25 phường; trong đó có 101 xã, 25 phường hình thành sau sắp xếp và 9 xã không thực hiện sắp xếp là các xã: Ia O (huyện Ia Grai), Nhơn Châu, Ia Púch, Ia Mơ, Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Dom, Ia Chia và Krong.

Trước khi "về chung một nhà", Gia Lai là một tỉnh miền núi rộng lớn của Tây Nguyên, nổi bật với đất bazan màu mỡ, có thế mạnh nông - lâm nghiệp như: cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả. Đồng thời, địa phương này đang nổi lên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, Gia Lai còn là nơi hội tụ của 39 dân tộc nên giàu bản sắc văn hóa, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng. Năm 2024, tỉnh này ghi nhận GRDP đạt 111.210 tỷ đồng, thu ngân sách khoảng 6.335 tỷ đồng, đón hơn 1,34 triệu lượt khách du lịch.

Một “siêu tỉnh” vừa có rừng vàng, vừa có biển bạc sau sáp nhập - Ảnh 1.

Khách du lịch đến tham quan Kỳ Co - Eo Gió, tỉnh Gia Lai.

Trong khi đó, Bình Định là một trong những địa phương năng động của miền Trung, sở hữu hệ thống cảng biển, khu công nghiệp phát triển, cùng vị trí kết nối chiến lược giữa Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

Năm 2024, tỉnh này ghi nhận GRDP đạt 130.800 tỷ đồng, thu ngân sách hơn 16.000 tỷ đồng, đón hơn 5 triệu lượt du khách.

Bình Định cần mở rộng không gian phát triển để đột phá, trong khi Gia Lai thiếu cảng biển và logistics để nâng cao năng lực xuất khẩu. Khi 2 tỉnh “về chung nhà”, 1 “siêu tỉnh” sẽ ra đời, bổ sung cho nhau về mặt quy mô, hạ tầng, năng lực quản trị, đồng thời khắc phục điểm yếu của mỗi địa phương.

Sự hợp nhất này được kỳ vọng sẽ hiện thực hóa mục tiêu kết nối “cao nguyên không biển” với “duyên hải có cảng”, tạo ra một trung tâm mới mạnh về cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và du lịch.

Với 2 trung tâm lớn là Quy Nhơn và Pleiku, địa phương có thể phát triển theo mô hình “cặp đô thị song hành”, vừa thuận lợi cho điều phối vùng, vừa mở ra tiềm năng xây dựng chuỗi đô thị vệ tinh kết nối liên hoàn.

Đồng thời, tỉnh sẽ có đủ điều kiện để phát triển đa ngành, quản trị đa cực, điều phối hiệu quả, tạo ra sức bật kinh tế - xã hội đồng đều giữa miền núi và ven biển.

Việc hợp nhất 2 tỉnh cũng sẽ giúp thống nhất quy hoạch hạ tầng, tránh trùng lặp hoặc thiếu đồng bộ ở khu vực giáp ranh. Các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ phụ cũng có cơ hội được quy hoạch lại theo hướng hiện đại, kết nối trực tiếp các vùng nguyên liệu - khu công nghiệp - khu cảng biển, giúp gia tăng năng lực vận tải hàng hóa và hành khách.

Đối với hàng chục nghìn hộ sản xuất cà phê, hồ tiêu, cao su, gỗ, rau quả… tại Gia Lai, việc có cảng biển quốc tế Quy Nhơn “trong tỉnh” sẽ giúp giảm đáng kể chi phí logistics, rút ngắn hành trình xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, tỉnh mới cũng có thể quy hoạch các khu công nghiệp, khu công nghệ cao mới ở Gia Lai - nơi còn dư địa lớn về mặt bằng và lao động, giảm tải cho khu vực ven biển Bình Định đang phát triển nóng.

Về du lịch, sự hợp nhất giúp phát huy thế mạnh đa dạng: biển đảo, rừng núi, văn hóa bản địa, tháp Chăm, lễ hội Bahnar… sẽ tạo ra sản phẩm du lịch “xuyên không gian - đa trải nghiệm” nhiều tiềm năng.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
“Siêu tỉnh” sau sáp nhập: “Nhà vô địch” ôm trọn 500 km bờ biểnMột “siêu tỉnh” vừa có rừng vàng, vừa có biển bạc sau sáp nhập - Ảnh 3.
Tham khảo thêm
“Siêu phường” sau sáp nhập: Đông dân nhất cả nước, sở hữu đô thị lấn biển đầu tiên và lớn nhất Việt NamMột “siêu tỉnh” vừa có rừng vàng, vừa có biển bạc sau sáp nhập - Ảnh 4.

Hoàng Mai (tổng hợp)

Link nội dung: https://doanhnhanngaynay.com/mot-sieu-tinh-vua-co-rung-vang-vua-co-bien-bac-sau-sap-nhap-a230319.html