1 tỉnh đặt nền móng hệ sinh thái chưa từng có, nhắm mục tiêu thăng hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu

Admin
Đây là tỉnh có số lượng Khu công nghiệp đứng đầu cả nước và đang tiên phong đẩy mạnh xây dựng mô hình khu công nghiệp thế hệ mới.

Tỉnh Bình Dương hiện là địa phương có diện tích khu công nghiệp (KCN) lớn nhất cả nước, với tổng diện tích đạt khoảng 12.721 ha – chiếm 13% tổng diện tích KCN toàn quốc và 25% diện tích KCN toàn vùng Đông Nam Bộ.

Tính đến nay, tỉnh đã đưa vào hoạt động 30 khu công nghiệp, với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 87,4%. Một số khu đã đạt mức lấp đầy trên 95%, đưa Bình Dương trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về hiệu suất sử dụng đất KCN.

Trong chiến lược phát triển dài hạn, Bình Dương đang quy hoạch thêm 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 10.200 ha. Mục tiêu đến năm 2050, toàn tỉnh sẽ có 46 KCN với tổng quy mô hơn 24.338 ha. Các khu công nghiệp tiêu biểu như: VSIP, Mỹ Phước, Đồng An, Sóng Thần, Bàu Bàng và Nam Tân Uyên... đã góp phần đáng kể vào việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Không chỉ dừng lại ở số lượng và quy mô, Bình Dương đang đẩy mạnh xây dựng mô hình khu công nghiệp thế hệ mới, tích hợp ba trụ cột: Sinh thái – thông minh – bền vững. Đây là hướng đi chiến lược nhằm đồng bộ phát triển công nghiệp – đô thị – dịch vụ, tạo ra môi trường làm việc và sinh sống thuận lợi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.

1 tỉnh đặt nền móng hệ sinh thái chưa từng có, nhắm mục tiêu thăng hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu- Ảnh 1.

Phác thảo Khu công nghệ thông tin tập trung Bình Dương (ảnh trên Báo Bình Dương).

Mới đây, tỉnh đã đồng thời khởi công hai khu công nghiệp mang tính biểu tượng cho mô hình mới: KCN Cây Trường (700 ha) và KCN Bàu Bàng mở rộng giai đoạn 2 (380 ha). Hai dự án này đều hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, tích hợp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và quản trị thông minh.

Ông Đặng Quang Vinh – chuyên gia cao cấp về phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng Thế giới – nhận định trên VTV rằng: “Bình Dương có đủ điều kiện để đạt các tiêu chuẩn quốc tế về công nghiệp sinh thái 2.0. Tỉnh sở hữu cả hệ thống hạ tầng cứng và hạ tầng mềm khá phát triển, kết nối hiệu quả với các trung tâm logistics, tài chính.”

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định, việc thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung Bình Dương là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh, từ mô hình Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ sang Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ Thông minh.

Đây là bước đi chiến lược đưa Bình Dương tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu. Tỉnh hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, bổ sung và nâng cấp hệ sinh thái hiện hữu, đáp ứng tối đa nhu cầu của nhà đầu tư và người lao động – cả trong nước và quốc tế – trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Đồng thời, đây cũng là sự chuẩn bị để Bình Dương sẵn sàng đồng hành cùng cả nước bước vào một kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc, thông tin trên báo Bình Dương cho hay.

Ba trụ cột của KCN thế hệ mới

Ba trụ cột của KCN thế hệ mới là Sinh thái – Thông minh - Bền vững, cụ thể:

- Sinh thái: Giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên, ứng dụng năng lượng tái tạo; Tăng diện tích cây xanh, công viên công nghiệp; Thiết lập hệ sinh thái công nghiệp khép kín – tận dụng phụ phẩm giữa các doanh nghiệp.

- Thông minh: Tích hợp hạ tầng số, giám sát qua IoT, quản lý dữ liệu tập trung; Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng tự động hóa, AI, chuỗi cung ứng số hóa; Vận hành, giám sát KCN theo thời gian thực.

- Bền vững: Gắn kết sản xuất với đô thị – dịch vụ, tạo môi trường sống và làm việc lý tưởng; Phát triển chiến lược dài hạn về nhân lực, hạ tầng và môi trường; Thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Việc triển khai các khu công nghiệp thế hệ mới không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Bình Dương, mà còn là bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.