4 hầm chui, 5 cầu vượt 'giải cứu' ùn tắc tại Hà Nội đang và sẽ được xây dựng tại những quận nào?

Admin
Hàng loạt hầm chui, cầu vượt đang và sắp được xây dựng nhằm giải cứu ùn tắc tại các nút giao thông thông lớn tại Hà Nội

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mới đây đã đề xuất Thành phố xây dựng thêm cầu vượt nhẹ tại 5 nút giao có lưu lượng tham gia giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm.

Đề xuất 5 xây cầu vượt nhẹ

Theo đều xuất, 5 dự án cầu vượt nhẹ sẽ được xây dựng tại các nút giao: Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm); Cổ Linh - Thạch Bàn (Quận Long Biên); Hoàng Minh Giám - Nguyên Tuân (quận Thanh Xuân); Cổ Bi - Ngô Xuân Quảng (huyện Gia Lâm); Nguyễn Huy Nhuận - Lý Thánh Tông (huyện Gia Lâm).

Trong số này, theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, nút giao Cổ Linh - Thạch Bàn có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn vào giờ cao điểm, đặc biệt là sau khi hoàn thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Tại nút giao này, hiện Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông theo hướng cấm các phương tiện rẽ trái từ đường Cổ Linh vào đường Thạch Bàn và điều chỉnh cho các phương tiện đi vào ngõ 541 Bát Khối, 33 Cổ Linh, 191 Thạch Bàn để giảm áp lực giao thông.

Ngoài ra, cơ quan chức năng điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu điều khiển giao thông phù hợp với phương án điều chỉnh tổ chức giao thông và bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng.

Các vị trí còn lại cũng đều có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Việc đầu tư xây dựng cầu vượt nhẹ là giải pháp hiệu quả, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại các nút giao này.

Xây 4 hầm chui

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2026 - 2028, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 2 hầm chui đi dưới đường Vành đai 3 thuộc quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm.

Hầm chui tại nút giao đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3 (Nam Từ Liêm ) có tổng mức đầu tư gần 972 tỷ đồng. Công trình dài 565m, trong đó hầm kín dài 120m và phần còn lại là hầm hở.

Còn hầm chui đường Tây Thăng Long - Vành đai 3 (Bắc Từ Liêm) có chiều dài hầm kín và hầm hở khoảng 800m, tổng vốn đầu tư gần 1.010 tỷ đồng.

Tại quận Long Biên, nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy có v ị trí trọng yếu, là điểm trung chuyển lưu lượng giao thông lớn từ Vành đai 2 kết nối với các tuyến vành đai khác của Hà Nội cũng sắp được xây dựng hầm chui.

Công trình được xây dựng theo hướng hướng Vĩnh Tuy đi đường Đàm Quang Trung với chiều dài khoảng 600m. Dự án có mức đầu tư gần 750 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Tiến độ thực hiện năm 2024 - 2026.

Tại huyện Hoài Đức, trong giai đoạn 2022 - 2026, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long với tổng mức đầu tư gần 2.400 tỉ đồng.

Các hạng mục sẽ đầu tư xây dựng gồm hầm chui theo hướng Vành đai 3,5 (đường Lê Trọng Tấn - nay là Hoàng Tùng) - Quốc lộ 32 với tổng chiều dài 975 m và bốn cầu nhánh với tổng chiều dài hơn 2.300m.

Ở nội đô Hà Nội, còn công trình hầm chui đang được thi công là hầm chui nút giao Kim Đồng - Giải Phóng (quận Hoàng Mai).

Khởi công hồi tháng 10.2022, dự án hầm chui Kim Đồng - Giải Phóng đến nay đã đạt 60% khối lượng công việc. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành trong năm 2025.

Nhiều năm qua, Hà Nội đã đầu tư xây dựng nhiều cầu vượt, hầm chui tại các nút giao thông lớn để giải quyết "điểm đen" ùn tắc. Trong đó, xây dựng các cầu vượt nhẹ tại các nút giao như: Tây Sơn - Chùa Bộc, Láng Hạ - Thái Hà, Láng - Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng,...