Cần biết

6 năm đi làm ở TP.HCM không tiết kiệm nổi 200 triệu, biết lý do xong không ai dám chê nửa lời

Admin

Số tiền tiết kiệm nhiều khi cũng chẳng phản ánh được hết nỗ lực của một người.

Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm quản lý chi tiêu, một bạn trẻ 26 tuổi đã trải lòng về khoản tiền tiết kiệm có phần “khiêm tốn” của bản thân. Dù đã đi làm được 5,5 năm ở TP.HCM, nhưng tất cả vốn liếng có được chỉ vỏn vẹn 178 triệu đồng, tự nghĩ thôi đã thấy sao bản thân kém quá.

Nhưng đó là cảm nhận của người trong cuộc, còn người ngoài nhìn vào lại thấy một khía cạnh khác, có thể gói gọn trong hai từ: Khó chê!

Bắt đầu với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng ở TP.HCM

Hành trình đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống và tiết kiệm của bạn trẻ này có thể tóm tắt theo từng mốc như sau:

2019 - 2020: Lương nhận 5.350.000đ, chỉ vừa đủ tiêu chứ không thể tiết kiệm.

2021 - 2022: Lương nhận 8 triệu, mỗi tháng để dành được 2-3 triệu nhưng có thời điểm phải nghỉ làm 4 tháng vì dịch Covid-19 nên cũng không dư được bao nhiêu.

2023 - 2024: Lương thực nhận 9 triệu, mỗi tháng để dành được 3-4 triệu.

Từ đầu năm 2025 đến nay: Lương thực nhận 10,5 triệu đồng nhưng mỗi tháng cũng vẫn chỉ để dành được 3-4 triệu vì chi phí sinh hoạt tăng lên.

Ảnh minh họa

“Đến hiện tại, em mới tiết kiệm được vọn vẻn 178 triệu đồng sau gần 6 năm đi làm. Em không so sánh bản thân với người khác nhưng nhiều khi cũng thấy tủi thân vì thực sự cũng đã rất cố gắng đi làm, nhưng với số tiền ít ỏi đó ở thời điểm này thì chắc cũng chỉ đủ phòng thân, chứ khó mà làm gì được.

Em đi làm văn phòng nên tối thường rảnh, em tính đi giao hàng, làm xe ôm để kiếm thêm nhưng như vậy thì lại không còn thời gian học hành gì. Mong anh chị cho em lời khuyên”.

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người dành lời khen cũng như lời khuyên cho bạn trẻ này. Với mức lương như vậy trong suốt gần 6 năm ở TP.HCM mà tiết kiệm được 178 triệu, rõ ràng là nỗ lực rất đáng ghi nhận, không nên phủ nhận điều đó.

“Lương 10,5 triệu ở TP.HCM thì khó sống lắm, đủ tiêu thôi đã là tốt rồi mà còn dư được thì chứng tỏ em sống rất tiết kiệm. Mà cũng chỉ từ năm nay mới có mức thu nhập đó. Chị thì nghĩ rằng không nên đi chạy xe ôm hay shipper, dù trước mắt thì đúng là công việc đó cũng giúp em kiếm thêm được chút tiền, nhưng về lâu về dài thì nên đầu tư thời gian công sức để đi học em ạ. Nếu công việc hiện tại không có tiềm năng phát triển thì học để chuyển ngành” - Một người khuyên.

“Mình đi làm hơn 3 năm ở Hà Nội, lương cũng 12-13 triệu tháng nhưng còn chưa tiết kiệm nổi 50 triệu nữa… Quen tiết kiệm rồi thì giờ bạn cố tăng thu nhập là sẽ ổn dần lên thôi” - Một người bộc bạch.

“Cố lên em ơi, năm chị 26 tuổi, chị cũng chỉ có 50 triệu tiền tiết kiệm. Về sau thì nhờ chăm chỉ đi làm, tích lũy và đầu tư thì cũng có hơn 10 lần con số đó rồi. Thế nên cứ chịu khó trau dồi kĩ năng, thu nhập cao lên thì tiết kiệm cũng sẽ tăng lên chứ có gì đâu mà áp lực” - Một người chia sẻ.

Nên làm gì để tăng thu nhập giữa làn sóng sa thải?

Ở thời điểm hiện tại khi làn sóng sa thải vẫn còn chưa lắng xuống, việc tìm thêm công việc phụ hay kiếm 1 nghề tay trái để tăng thu, không phải điều đơn giản, nhưng cũng không phải là bất khả thi nếu bạn làm được 3 việc dưới đây.

1 - Hiểu rõ giá trị bản thân để tối ưu thu nhập chính

Bước đầu tiên để cải thiện thu nhập không phải là chạy đi tìm việc phụ, cũng không phải là lao vào đầu tư, mà là nhìn lại công việc hiện tại. Rất nhiều người bỏ qua yếu tố này: Họ làm việc chăm chỉ, ổn định, nhưng lại không đánh giá đúng giá trị của bản thân trên thị trường lao động.

Ảnh minh họa

Việc nhận ra mình đang được trả công dưới mức năng lực có thể là bước ngoặt để thương lượng lại lương, chuyển việc hoặc nâng cấp kỹ năng nhằm bước lên một vị trí cao hơn. Trên thực tế, cách tăng thu nhập nhanh và bền nhất vẫn là tối ưu hóa công việc chính. Một khi bạn có thể chuyển từ vị trí nhân viên sang chuyên viên, từ chuyên viên lên quản lý hoặc freelancer tự do với năng suất cao, thì thu nhập chính cũng sẽ tăng theo và đó là nền tảng an toàn nhất để cải thiện thu nhập.

2 - Biến tài lẻ thành nguồn thu phụ

Chúng ta thường có nhiều hơn một khả năng kiếm tiền, chỉ là phần lớn các kỹ năng còn nằm yên trong vùng “chưa được khai phá”. Trong thời đại mà mọi thứ đều tiềm năng bán được, từ kiến thức, kinh nghiệm, đến năng khiếu cá nhân thì việc để kỹ năng ngủ quên là một sự lãng phí lớn.

Ảnh minh họa

Nếu bạn viết lách ổn, có thể bắt đầu từ cộng tác viết bài. Nếu bạn biết chụp ảnh, hãy thử bán ảnh stock. Nếu bạn giỏi nghiệp vụ kế toán, hãy nghĩ đến việc làm kế toán outsource cho doanh nghiệp nhỏ,... Điều quan trọng không phải là tạo ra một nguồn thu khổng lồ ngay lập tức, mà là tập luyện thói quen biến thứ mình biết làm thành giá trị có thể quy đổi ra tiền. Một khi kỹ năng phụ đã sinh lời đều đặn, bạn có thể từ từ nâng cấp nó thành một nhánh thu nhập phụ bền vững.

3 - Đầu tư thông minh dựa trên sự hiểu biết cá nhân

Sau khi tối ưu thu nhập chính và bắt đầu có dòng tiền từ kỹ năng phụ, bước tiếp theo để đa dạng hóa thu nhập chính là đầu tư, nhưng không phải đầu tư theo phong trào. Một người có thể kiếm tiền tốt từ đầu tư bất động sản, trong khi người khác lại thành công nhờ cổ phiếu hoặc kinh doanh nhỏ. Không có kênh đầu tư tối ưu cho tất cả mọi người.

Thứ bạn cần là chọn một lĩnh vực mình đủ hiểu hoặc có thể chủ động tìm hiểu sâu, sau đó bắt đầu với số tiền nhỏ để vừa học vừa trải nghiệm. Đầu tư không chỉ là đặt tiền để chờ sinh lời, mà còn là cách để bạn hiểu hơn về dòng tiền, tâm lý thị trường và rèn luyện tư duy tài chính. Quan trọng nhất, đầu tư giúp bạn chuyển từ người chỉ biết làm để kiếm tiền sang người có thể khiến tiền làm việc cho mình.

Và khi thu nhập của bạn đến từ 3 nguồn: Công việc chính, công việc phụ và lãi đầu tư, thì rủi ro tài chính cá nhân sẽ giảm đáng kể, đồng thời cơ hội tăng trưởng sẽ mở rộng theo thời gian.