"NHÀ BĂNG"

Áp dụng mức thuế 10% cho tất cả loại hình báo chí

Admin

Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã chỉnh lý theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in.

Sáng 12/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Trình bày báo cáo, ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 4 chương và 21 điều.

Trong đó, về bổ sung ưu đãi thuế đối với báo chí, theo Cơ quan soạn thảo, quy định của Luật hiện hành, thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật Báo chí áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động; đối với các hoạt động báo chí khác áp dụng mức thuế suất phổ thông là 20%.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính (Ảnh: Media Quốc hội).

Ông Mãi cho biết, trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang phải thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại theo chủ trương của Đảng và Nhà nước và là đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ hoàn toàn, nguồn thu của báo chí chủ yếu dựa vào quảng cáo nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ, nhất là truyền thông xã hội, dẫn đến nguồn thu từ quảng cáo của báo chí có xu hướng sụt giảm.

Do đó, để thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, trên cơ sở nhất trí với đề xuất của Cơ quan soạn thảo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in.

Áp thuế suất 15 - 17% với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Về thuế suất áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và tính thống nhất với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Mãi cho biết, dự thảo Luật đưa ra các mức thuế ưu đãi cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ (mức 15%, 17%) về cơ bản dựa trên mức ưu đãi của Luật hiện hành áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư.

Cùng với việc được hưởng thuế suất ưu đãi, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ nếu đáp ứng các điều kiện về ưu đãi thuế theo địa bàn, lĩnh vực thì cũng thuộc diện được áp dụng các chính sách ưu đãi này theo quy định của dự thảo Luật với các mức độ ưu đãi cao hơn.

Về tiêu chí doanh nghiệp được áp dụng thuế suất 15% hoặc 17%, theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nhiều tiêu chí để xác định loại hình doanh nghiệp và được phân chia theo lĩnh vực hoạt động.

Theo các tiêu chí này, số lượng doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm tới gần 94% tổng số doanh nghiệp hiện nay.

Sau giải trình tiếp thu, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi (Ảnh: Media Quốc hội).

Ông Mãi cho biết, nếu sử dụng các tiêu chí này để xác định đối tượng được hưởng ưu đãi thuế thì dẫn đến tình trạng ưu đãi dàn trải, không hiệu quả. Vì vậy, dự thảo Luật chỉ sử dụng tiêu chí về doanh thu để bảo đảm sự đơn giản, thuận lợi và phù hợp với công tác quản lý thuế cũng như thông lệ chung của các nước.

Về việc áp mức thuế suất 15% áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc diện phải chịu thuế tối thiểu toàn cầu, ông Mãi cho biết qua rà soát thì các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu chỉ chiếm số ít với khoảng 1.000 doanh nghiệp trong tổng số hơn 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam và chủ yếu là doanh nghiệp FDI.

Theo đó, việc tiếp tục duy trì hệ thống chính sách ưu đãi thuế như hiện hành để không làm xáo trộn, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư nói chung với phần lớn doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài không thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết.

Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Làm sao để giữ chân "đại bàng"?Việt Nam chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí rằng vẫn nên tiếp tục duy trì hệ thống ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện hành cho các doanh nghiệp không thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước để bảo đảm sự ổn định.

Tuy nhiên, đúng như ý kiến ĐBQH, đối với khoảng 1.000 doanh nghiệp thuộc diện chịu thuế tối thiểu toàn cầu, các quy định tại dự thảo Luật về việc cho miễn thuế, rồi lại thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo Nghị quyết số 107/2023/QH15 là những quy định không hiệu quả trên thực tế.

Điều này, tạo ra gánh nặng về chi phí tuân thủ và chi phí quản lý lớn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế, làm lãng phí nguồn lực xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu xây dựng phương án tối ưu để bảo đảm môi trường đầu tư, thống nhất trong các chính sách để không vi phạm các quy định của OECD, không làm phát sinh thêm thủ tục, chi phí tuân thủ không cần thiết.