LỐI SỐNG

Bé trai ở Đồng Nai tử vong do bệnh sởi

Admin

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Đồng Nai ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do bệnh sởi.

Ngày 18/11, theo thông tin từ Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, qua báo cáo nhanh của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trường hợp tử vong là bé trai H.T.H. (8 tuổi, ngụ Tp.Biên Hòa).

Theo đó, trước khi nhập viện, ở nhà bé H. sốt cao liên tục kèm ho, sổ mũi, phát ban toàn thân.

Ngày 15/11, gia đình đưa bé đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, được chẩn đoán bị bệnh sở biến chứng viêm phổi, cần nhập viện điều trị.

Vì sao ca mắc sởi tại Tp.HCM tiếp tục gia tăng?ĐỌC NGAY

Sau nhập viện 3 giờ (bé đã được chích 1 cữ cefotaxim). Người nhà xin cho bé xuất viện theo yêu cầu gia đình. Bé về nhà còn sốt, ho, khó thở tăng dần. Người nhà cho uống nước gừng, không đi khám.

Sáng 18/11, người nhà phát hiện bé H. tím tái, gọi không trả lời nên đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn, hôn mê sâu, môi tím, nồng độ oxy trong máu không đo được, mạch và huyết áp bằng 0, hồng ban rải rác toàn thân, chấm xuất huyết rải rác vùng mặt, đồng tử 2 bên giãn, cứng cơ hàm.

Sau cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn 50 phút, bé H. được xác định tử vong ngoại viện do bệnh sởi biến chứng viêm phổi nặng.

Theo BS. Hồ Thị Hồng (Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đồng Nai), để chủ động phòng bệnh sởi, người dân cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc, từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc-xin phòng sởi.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn, nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Bệnh sởi rất dễ lây, không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

BS. Hồ Thị Hồng khuyến cáo, người lớn chưa tiêm vắc-xin sởi cần chủ động đi tiêm vắc-xin sởi (vắc-xin sởi, MR: vắc-xin sởi – rubella, MMR: vắc-xin phòng sởi - quai bị - rubella) tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.